Tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” ngày 25/7, ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, sự khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh. Để có các giải pháp, chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng chúng ta đang không hấp thụ được vốn, từ đó tìm nguyên nhân chủ quan, khách hàng và có hướng tháo gỡ.
Ông cho rằng, nhìn lại thời gian qua, NHNN không chỉ làm tốt nhiệm vụ giữ vững được sự ổn định tỷ giá, giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát và đảm bảo kinh tế vĩ mô, mà còn triển khai tốt nhiệm vụ rất quan trọng là giảm lãi suất điều hành tới 4 lần với mức giảm từ 0,5%/năm - 2%/năm, từ đó tạo điều kiện cho các NHTM giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận chi phí vốn hợp lý.
“Đi ngược quy luật chung tăng lãi suất của thế giới, NHNN đã có tới 4 lần giảm lãi suất điều hành, vẫn đảm bảo ổn định tỷ giá, lạm phát. Đây là điều thực sự đáng khen với NHNN”, ông nói.
Mặc dù giảm lãi suất nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn rất yếu, bởi cung cầu trên thế giới cũng xuống rất mạnh. “Không có đơn đặt hàng thì doanh nghiệp nào làm? Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh người ta rất thực dụng, người ta phải vay để làm được, có làm thì người ta mới vay. Do đó, giảm lãi suất chỉ là một vấn đề trong câu chuyện hấp thụ vốn”.
“Nhiệm vụ cốt tử của ngân hàng là cho vay, họ không cho vay được là họ chết. Thực tế là các ngân hàng đang dư tiền, nhưng không cho vay được. Tuy nhiên các ngân hàng có dám hạ điều kiện cho vay hay không? Đây là vấn đề nhạy cảm vì ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Chưa kể tới ảnh hưởng của việc nới lỏng điều kiện cho vay không hề đơn giản vì còn liên quan tới các tiêu chuẩn quốc tế”.
Hiện nay số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 97-98%, trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ khoảng 65%. Các doanh nghiệp siêu nhỏ rất khó có đủ điều kiện để tiếp cận được vốn. Do đó, Nhà nước cần có biện pháp lâu dài để nâng tầm doanh nghiệp, có tiêu chí đánh giá doanh nghiệp, về người quản trị, hoạt động kinh doanh,…Bản thân các doanh nghiệp nếu không tự nâng tầm cũng sẽ không thể tiếp cận được vốn. Theo vị đại biểu Quốc hội: "Hiện nay cho vay tại Việt Nam thuộc diện dễ nhất thế giới. Tôi đã đi nhiều nước và có thời gian sống ở nước ngoài, các điều kiện cho vay của nước ngoài thực sự rất khó”.
Ông cho rằng, để thúc đẩy tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần sự phối hợp với địa phương, và một mình ngân hàng không thể thực hiện hiệu quả được. “Muốn ngân hàng cho vay được, thì chính quyền địa phương phải kết hợp với ngân hàng . Chính quyền địa phương phải hiểu được doanh nghiệp trên địa bàn của mình, hơn là các ngân hàng. Họ phải chỉ ra được, chẳng hạn doanh nghiệp này không có tài sản thế chấp nhưng dòng tiền tốt, xuất khẩu tốt thì ngân hàng có thể xem xét cho vay.”
“Không chỉ ngành ngân hàng mà phải có sự phối hợp của các bộ ngành khác thì mới may ra có kết quả. Nhìn vào góc độ quan tâm đến doanh nghiệp, tôi cho rằng vẫn đang tập trung nhất ở NHNN. Các bộ ngành, đa số còn thờ ơ, chưa có sự phối hợp mặc dù chúng tôi đề nghị rất nhiều, kể cả đề nghị hội thảo như thế này cũng rất ít, từ đó chúng tôi khó cất lên tiếng nói của mình”.
Ông Thân cũng cho rằng, chúng ta phải nhìn nhận lại chỉ tiêu tăng trưởng GDP mà Quốc hội đề ra là 6,5%. Đó là mục tiêu đặt ra ở thời điểm mà chúng ta đánh giá có điều kiện để làm được. Nhưng khi tình hình thay đổi thì phải sẵn sàng hạ xuống, vì nhiều tác động khách quan trên thế giới, từ hậu Covid, lạm phát cho đến các biến động địa chính trị…. “Chúng ta điều chỉnh chỉ tiêu thì định hướng cho các bộ ngành sẽ có độ mở. Ví dụ như NHNN, một năm mà có tới 4 lần hạ lãi suất là cố gắng lắm rồi, chưa kể là các chính sách giãn nợ, hoãn nợ, khoanh nợ,… Về tăng trưởng tín dụng, giả sử không đạt được 13-14% cũng là diễn biến bình thường. Nên nhìn khách quan và chủ quan của nền kinh tế. Diễn biến vĩ mô thay đổi hàng ngày hàng giờ và nền kinh tế không chỉ có “vòng xoáy” trong nước mà còn “bão táp” ở nước ngoài”.