Người trẻ “ngại cưới, lười sinh"
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, trong khoảng hơn 30 năm qua, xu hướng hôn nhân và mức sinh ở nước ta thay đổi rất lớn. Tuổi kết hôn tăng mạnh, tỷ lệ kết hôn giảm làm mức sinh giảm tới một nửa trong hơn 30 năm qua.
Không chỉ tại Việt Nam, xu hướng kết hôn muộn hoặc độc thân cũng đang không ngừng gia tăng, nhất là tại các quốc gia đang phát triển. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), có đến 89 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới hiện có tổng tỷ suất sinh dưới mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ, trong khi cách đây 50 năm chỉ có 8 quốc gia.
Bên cạnh đó, lựa chọn lối sống DINK (“Double Income, No Kids” - Hai thu nhập, không con cái)... thì với ngân sách eo hẹp, các cặp vợ chồng này cảm thấy họ chỉ có thể trang trải được một trong hai khoản: hoặc mua nhà, hoặc đẻ con. Theo tính toán của realtor.com, mua nhà sẽ chỉ tốn thêm khoảng 50% mỗi tháng so với việc nuôi con.
Lý giải nguyên nhân, VARS cho rằng, mặc dù có nhiều lý do cho lựa chọn này, nhưng chủ yếu bắt nguồn từ vấn đề tài chính.
Một khảo sát nhanh trên fanpage VTV24 gần đây về lý do mong muốn kết hôn sau tuổi 30 cũng cho thấy, có đến 62% trong số khoảng 400.000 bạn trẻ tham gia khảo sát chọn kết hôn sau 30 vì vẫn còn những nỗi lo về cơm áo gạo tiền.
Theo VARS, nỗi lo về cơm áo gạo tiền này bị tác động rất lớn bởi giá nhà. Khi giá nhà - đang ngày càng tăng cao, kéo theo giá thuê nhà ở cũng tăng cao, gây áp lực đến chi phí sinh hoạt của người dân.
Tiền thuê nhà, sinh hoạt hàng tháng “nuốt” gần hết lương khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ chỉ dám sinh 1 con hoặc trì hoãn việc sinh con. Thực tế cho thấy, TP. HCM - nơi có giá nhà cao nhất cả nước, cũng đang là thành phố có độ tuổi kết hôn trễ nhất và mức sinh thấp nhất cả nước.
Theo đó, giai đoạn 2016 - 2018, giá nhà tại TP. HCM liên tục tăng cao và lập “đỉnh" mới. Cũng trong khoảng thời gian này, Hồ Chí Minh là thành phố có chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) dẫn đầu cả nước.
Từ năm 2019, trong khi giá nhà TP. HCM tăng trưởng chậm lại thì giá nhà Hà Nội lại liên tục tăng cao. Hà Nội cũng “vươn lên" trở thành thành phố có chi phí đắt đỏ nhất cả nước. Đến thời điểm hiện tại, diễn biến giá căn hộ tại Hà Nội dường như đang đi theo thị trường TP.Hồ Chí Minh vào 5 năm trước. Mặt bằng giá tại Hà Nội cũng đã tiệm cận 60 triệu/m2, sát mức giá ghi nhận được tại TP HCM. Độ tuổi kết hôn tại Hà Nôi cũng đang ngày càng cao với mức sinh giảm sút.
Việc "ngại cưới, lười sinh" gây thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, lực lượng và năng suất lao động giảm sút, tạo gánh nặng an sinh xã hội. Nhất là các vấn đề về dân số già và chăm sóc người cao tuổi khi trong ba thập niên tới.
Để giải quyết vấn đề hiện tại, tại các nước phát triển họ đã đưa ra hàng loạt các biện pháp để khuyến khích người trẻ kết hôn, tăng tỷ lệ sinh sản. Trong đó, ngoài các chính sách về phúc lợi, phần lớn các biện pháp khuyến khích khác là trợ cấp bằng tiền mặt cho việc thuê, mua nhà.
Cụ thể, Nhật Bản hỗ trợ các cặp đôi mới kết hôn một khoản 600.000 yên (hơn 130 triệu đồng) nhằm trang trải chi phí mua/thuê nhà mới, tiền đặt cọc, tiền chìa khóa, phí dịch vụ thông thường, phí môi giới; chi phí chuyển đến nơi ở mới và chi phí trả cho công ty chuyển nhà và người vận chuyển.
Tăng tỷ trọng phát triển căn hộ diện tích nhỏ
Để giải quyết bài toán về nhà ở cho số đông người dân, bên cạnh việc tăng cung nhà ở xã hội tại đô thị, Nhà nước cần nghiên cứu các chính sách can thiệp để phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền.
Nửa đầu năm 2024, loại hình căn hộ thương mại bình dân đã hoàn toàn vắng bóng tại 2 đô thị đặc biệt. Hơn 80% nguồn cung căn hộ mở bán tại Hà Nội và TP. HCM thuộc phân khúc cao cấp, hạng sang cómức giá trên 50 triệu đồng/m2.
Trong bối cảnh quỹ đất khan hiếm, chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài, chi phí đầu vào đều tăng cao... khiến các nhà phát triển mất quá nhiều thời gian để triển khai một dự án. Do đó, các chủ đầu tư đều lựa chọn phát triển phân khúc cao cấp để tối đa hóa lợi nhuận.
Mặc dù phân khúc này không phải đại diện cho nhu cầu của đại đa số người dân nhưng nhu cầu phân khúc cao cấp này, bao gồm cả nhu cầu để ở và đầu tư đều rất lớn trong bối cảnh tầng lớp trung lưu gia tăng. Dẫn chứng dễ thấy là các dự án cao cấp này, đều có tỷ lệ hấp thụ lên tới 90% trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền sẽ do các doanh nghiệp phát triển, dựa trên cơ sở lợi nhuận ở mức độ hợp lý do Nhà nước kiểm soát.
Ngoài các tác động tiêu cực có thể có, xu hướng “ngại cưới, chậm sinh" cũng giúp thị trường BĐS gia tăng nhu cầu mới, từ nhu cầu căn hộ 1 phòng ngủ, 1 phòng ngủ +1 trong những năm gần đây tới nhu cầu nhà ở nghỉ dưỡng, dưỡng lão trong tương lai không xa.
Theo đó, những năm gần đây, nhiều chủ đầu tư đã tăng tỷ trọng phát triển căn hộ diện tích nhỏ, phù hợp với nhu cầu của người mua độc thân, vợ chồng trẻ chưa có hoặc mới có 1 con. Các căn hộ này cũng luôn dẫn đầu “top" bán nhanh, thanh khoản tốt, được thúc đẩy bởi các chính sách thanh toán trả trước hấp dẫn, thời hạn thanh toán lâu dài trong bối cảnh giá căn hộ ngày một tăng.
Cùng với áp lực già hóa dân số khi trong ba thập niên tới, Việt Nam có hơn 30 triệu người cao tuổi và chiếm khoảng 25% dân số cả nước. Để người già bớt cô đơn và được nâng cao chất lượng cuộc sống thì việc người già vào viện dưỡng lão sẽ là xu thế tất yếu. Đây là cơ hội cho các chủ đầu tư đón đầu, phát triển phân khúc BĐS nghỉ dưỡng dưỡng lão trong bối cảnh thị trường này vẫn còn rất sơ khai.