Sau một phiên hồi phục tốt, thị trường chứng khoán lại quay đầu giảm điểm mạnh trong phiên 6/10. Sắc đỏ chiếm ưu thế trên diện rộng, thậm chí có đến 86 mã giảm sàn. Cổ phiếu DBC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam là một trong số đó khi kết phiên với lượng dư bán hơn 430.000 đơn vị tại mức giá sàn 19.500 đồng/cổ phiếu.
So với đỉnh 37.860 đồng/cp đạt được vào đầu tháng 3, thị giá DBC đã giảm 48%. Vốn hoá Dabaco cũng bị "thổi bay" gần 4.400 tỷ đồng chỉ sau 7 tháng.
Dabaco (DBC) được biết đến là doanh nghiệp lớn trong mảng chăn nuôi lợn với hệ thống trang trại lớn trải dài ở các tỉnh phía Bắc, cung ứng hàng vạn lợn giống thương phẩm mỗi năm. Tính đến cuối năm 2021, chi nhánh Lạc Vệ tại Bắc Ninh hiện nuôi 2.200 lợn nái, cung ứng 60.000 lợn giống thương phẩm; chi nhánh DBC Hải Phòng đang nuôi 2.200 con nái cơ bản, cung ứng 60.000 lợn giống thương phẩm; chi nhánh Hà Nam đang có 3.200 lợn nái, cung ứng 90.000 lợn giống thương phẩm, chi nhánh Phú Thọ với 4.800 lợn nái… Ngoài ra, Công ty hiện đang có chi nhánh lợn giống hạt nhân tại Bắc Ninh với 4.500 lợn giống gốc, lợn giống cụ kỵ, ông bà các chủng loại như Duroc, Pietrain... lượng cung ứng lên đến 55.000 – 60.000 giống nuôi thịt hàng năm. Năm 2021, DBC đã hoàn tất đầu tư (~1.000 tỷ đồng) trang trại tại Tuyên Quang với quy mô 2.000 con lợn nái, dự kiến cung ứng 60.000 lợn giống thương phẩm mỗi năm.
Kết thúc quý đầu năm, DBC ghi nhận doanh thu tăng hơn 13% lên 2.806 tỷ đồng. Khác với HAGL, giá vốn tăng mạnh hơn khiến lợi nhuận gộp giảm 60% xuống 254 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 8,6 tỷ đồng, bằng 2,3% cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất tính từ quý 2/2019 của Công ty.
DBC lý giải diễn biến phức tạp của xung đột Nga – Ukraine đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào như ngô, lúa mì, đậu tương… bị thiếu hụt nghiêm trọng. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng, cản trở từ dịch bệnh đã khiến chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá các sản phẩm chăn nuôi lại không tăng.
Thị giá tăng sốc rồi "hạ nhiệt" theo giá lợn hơi
Trở lại với diễn biến thị giá, cổ phiếu DBC có độ nhạy cảm tương đối với giá thịt lợn thị trường. Cụ thể, hồi cuối tháng 10/2021, giá lợn hơi toàn quốc đã bật tăng 30% trở lại trong ngưỡng 45.000 – 50.000 đồng/kg đã thúc đấy giá cổ phiếu nhóm chăn nuôi lợn. Thị giá nhanh chóng "khởi nghĩa" với thanh khoản đột biến. Đà tăng kéo dài hết quý 1/2022, cổ phiếu DBC khi đó giao dịch tại vùng đỉnh 78.x000 đồng (giá chưa điều chỉnh).
Sau đó, thị giá quay đầu bắt đầu xu hướng giảm điểm. DBC khi đó cũng đã thực hiện phát hành cổ phiếu tỷ lệ 1:1 nhằm tăng vốn điều lệ, phần nào tạo thêm áp lực cung cho giá cổ phiếu. Sau nhiều lần "xuống núi", hiện thị giá rơi xuống dưới vùng 20.000 đồng/cp, sát về vùng đáy 16.xxxđồng/cp hồi cuối tháng 6/2022.
Thị giá DBC ghi nhận nhịp giảm điểm còn trong bối cảnh giá lợn hơi trên thị trường bắt đầu có những dấu hiệu hạ nhiệt liên tục sau giai đoạn tăng mạnh và neo tại vùng giá cao hồi tháng 7-8. Tại ngày 6/10, giá lợn hơi tại miền khu vực Bắc dao động trong khoảng 58.000 - 63.000 đồng/kg, thấp hơn đáng kể mức 69.000 - 73.000 đồng/kg cách đây khoảng 2 tháng.
Trên thực tế, giá thức ăn chăn nuôi hiện vẫn ở mức cao, song nguồn cung thịt lợn trong nước đang dần khôi phục trở lại. Bên cạnh đó, lượng thịt lợn nhập khẩu giảm cũng là cơ hội cho nguồn cung trong nước tăng lên. Người chăn nuôi tập trung tái đàn nên số lượng đàn lợn tăng so với cùng kỳ năm trước, phần nào hạ nhiệt giá bán trên thị trường.
Theo SSI Research, với việc nguồn cung lợn hơi khó có thể thiếu hụt, dự báo giá lợn hơi sẽ khó tăng đột biến, kể cả trong dịp Tết, đạt khoảng 65.000-70.000 đồng/kg trong nửa cuối năm 2022, tăng 30% so với nền thấp cùng kỳ.
Về phía thị trường tiêu thụ, kiến thức dinh dưỡng và nhận thức về sức khỏe của người Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là sau ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi và Covid-19, dẫn đến nhu cầu thịt sạch tăng lên, là một yếu tố mà Dabaco có thể hưởng lợi khi là một trong những thương hiệu uy tín sẵn có về mảng thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng - "thịt sạch". VNDirect đánh giá Dabaco là một trong các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam với vị thế vững chắc ở khu vực miền Bắc. Doanh nghiệp đã phát triển đầy đủ mô hình kinh doanh 3F từ năm 2010 và hiện nằm trong số 10 nhà sản xuất hàng đầu trong chuỗi giá trị thịt lợn và gia cầm. Biên lợi nhuận gộp trong quý 3 có thể sẽ phục hồi đáng kể so với quý trước nhờ giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt.
Song, nhiều đại gia trong nước cũng đã rót hàng nghìn tỷ đồng vào chăn nuôi lợn như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Trường Hải hay sự xuất hiện của Hoàng Anh Gia Lai với sản phẩm "Heo ăn chuối", từ đó tạo ra áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường. Tuy nhiên, VNDirect cho rằng điều này chưa cần quá lo ngại khi sản phẩm này hiện chưa xuất hiện nhiều trong hệ thống siêu thị, chợ truyền thống và các cửa hàng thực phẩm.
Trong khi đó, Fitch Solution cũng cho rằng ngành chăn nuôi lợn Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức trong dài hạn khi người tiêu dùng dần ăn thịt lợn ít hơn. Theo Fitch Solution, trong giai đoạn 2022-2026, tiêu thụ thịt gà và thịt bò sẽ tăng gần như bằng nhau, ở mức hơn 13%, còn mức tăng trưởng cho thịt lợn chỉ bằng một nửa tỷ lệ này.