Theo nghiên cứu của Ember, các quốc gia Trung và Đông Âu (CEE) có thể triển khai 200 GW điện gió và điện mặt trời vào năm 2030 và sẽ chỉ triển khai một nửa công suất nếu không có thay đổi nào về mặt chính sách năng lượng tái tạo trên toàn khu vực.
CEE hiện chỉ tạo ra 25% điện năng từ năng lượng tái tạo so với 55% từ nhiên liệu hóa thạch. Do đó, đây là một trong những khu vực có giá điện đắt nhất ở EU và khiến khu vực này dễ bị tổn thương do các vấn đề về nguồn cung và chi phí không ổn định.
Trong năm qua, tình hình phát triển của lĩnh vực điện gió và điện mặt trời ở CEE đã có sự thay đổi, với công suất tăng khoảng 28%, cao hơn mức tăng trưởng trung bình toàn EU là 15%. Tuy nhiên, khu vực này vẫn tồn tại một số vấn đề như đặt các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo thấp và vẫn còn các rào cản đối với việc triển khai năng lượng tái tạo trên khắp khu vực.
Theo nghiện cứu của Ember, nếu khắc phục các tồn tại đó bằng các chính sách hỗ trợ và phối hợp có thể giúp khu vực này đạt 63% thị phần năng lượng tái tạo vào năm 2030, chỉ kém mục tiêu 69% của EU đặt ra trong kế hoạch thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga.
Báo cáo này được đưa ra khi những thời hạn quan trọng cho việc lập kế hoạch năng lượng đang đến gần, trong đó các bản cập nhật cho Kế hoạch Khí hậu và Năng lượng Quốc gia (NECP) sẽ được công bố vào giữa năm 2023 và yêu cầu đưa các chương của kế hoạch REPowerEU vào kế hoạch phục hồi và khả năng phục hồi vào mùa xuân này.
Các mục tiêu năng lượng tái tạo hiện tại ở hầu hết các quốc gia CEE đều thấp hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong EU, trong đó Hungary, Slovakia, Bulgaria, Séc và Ba Lan đưa ra các mục tiêu thấp nhất trong số tất cả các quốc gia EU trong các NECP hiện tại của họ.
Việc tăng các mục tiêu về năng lượng gió và năng lượng mặt trời sẽ mang lại những lợi ích quan trọng cho các chính phủ CEE, mở ra cơ hội để nhận được ít nhất 137 tỷ euro vốn tài trợ của EU để đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng.
Nghiên cứu của Ember cho thấy khu vực này có thể tạo ra lượng điện xanh giá rẻ dư thừa, thu hút đầu tư mới và tăng khả năng cạnh tranh kinh tế. Với 200 GW điện gió và điện mặt trời, CEE có thể xuất khẩu 23 TWh điện vào năm 2030, so với nhập khẩu 7 TWh vào năm 2022.
Tiến sĩ Paweł Czyżak, Nhà phân tích dữ liệu khí hậu và năng lượng cao cấp tại Ember cho biết:“Báo cáo này cho thấy những gì có thể xảy ra đối với Trung và Đông Âu: một khu vực thịnh vượng, có tính kết nối cao được cung cấp bởi nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió dồi dào.
Điện gió và điện mặt trời không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn là một công cụ cực kỳ quan trọng để xây dựng an ninh năng lượng do lịch sử của khu vực và sự gần gũi với Nga. CEE cần hướng đến động lực phát triển năng lượng sạch đang lan rộng khắp châu Âu, nếu không làm như vậy sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và an ninh.”
Stepan Chalupa, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng tái tạo Séc cho biết:
“Một phần lớn các nước Trung và Đông Âu đã ngủ quên trong việc triển khai năng lượng tái tạo.Tuy nhiên, ngay cả các quốc gia phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong lịch sử như Cộng hòa Séc hiện đang bắt đầu nhận thấy những lợi ích của quá trình chuyển đổi năng lượng. Nhưng việc dỡ bỏ các rào cản đối với năng lượng tái tạo phải được hoàn thành càng sớm càng tốt: quá trình chuẩn bị cho một dự án, chẳng hạn như tua-bin gió, không được kéo dài 10 năm trở lên, mà chỉ nên tối đa là một hoặc hai năm”.