Giá dầu đã tăng khoảng 2% trong tuần qua, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kết thúc tuần ở mức 81,25 USD/thùng, trong khi dầu Brent giá 84,80 USD/thùng. Mức giá này hiện cao hơn nhiều so với mức trung bình 70 USD/thùng của 2 thập kỷ vừa qua (tới năm 2022).
Chỉ trong vòng 2 tháng qua, giá dầu WTI đã tưng 22%, trong khi dầu Brent tăng 20%. Xu hướng tăng mạnh bắt đầu từ cuối tháng 7, khi thị trường lo ngại việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh cắt giảm sản lượng gây khan hiếm nguồn cung đúng vào mùa nhu cầu xăng tăng cao điểm (mùa Hè). Nguồn cung càng trở nên khan hiếm khi số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên của Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã giảm 6 tuần liên tiếp.
Diễn biến giá dầu Brent và các ‘chất xúc tác’.Bộ trưởng năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, vào tháng 6 đã kêu gọi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh bao gồm Nga (OPEC+) gia hạn cắt giảm sản lượng, thậm chí bản thân Saudi Arabia còn tự nguyện giảm nguồn cung ra thị trường thêm 1 triệu thùng/ngày để làm gương.
Câu hỏi đặt ra lúc này là: Liệu xu hướng tăng giá dầu có tiếp tục kéo dài?
Giá dầu đã tăng khoảng 2% kể từ sau động thái của Saudi Arabia, nhưng thị trường luôn trong tình trạng ‘giằng xé’ giữa 2 làn tác động, vì vậy kế hoạch của Saudi Arabia được giới phân tích đánh giá không phải là một chiến thắng được đảm bảo.
Theo thỏa thuận vào tháng 6, OPEC+ đồng ý kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2024 và Saudi Arabia tiếp tục cắt giảm nguồn cung của chính mình tùy thuộc vào việc gia hạn hàng tháng. Vương quốc này trong tháng 6 cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện trong tháng 7 và sau đó đã mở rộng sang tháng Tám và tháng Chín. Saudi Arabia thông báo với OPEC rằng họ đã cắt giảm sản lượng 943.000 thùng/ngày trong tháng 7 xuống 9,013 triệu thùng/ngày, đưa tổng sản lượng của OPEC giảm 836.000 thùng/ngày xuống 27,31 triệu thùng/ngày.
OPEC đã dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 2 triệu thùng mỗi ngày trong năm nay và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo nhiều lần rằng nguồn cung dầu thô sẽ không theo kịp nhu cầu của thế giới. Nếu các thương nhân tin vào điều đó, họ lẽ ra phải đẩy giá dầu thô vượt xa mức phổ biến 75 USD/thùng trong tháng Năm và tháng Sáu. Nhưng các nhà đầu cơ thậm chí còn lo lắng hơn về nguy cơ khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ, hoặc việc Trung Quốc mở cửa trở lại nhưng tình trạng kinh tế vẫn thất vọng. Các nhà đầu tư thậm chí còn cảnh giác với việc nền kinh tế toàn cầu suy yếu, có nghĩa là mặc dù giá dầu đang tăng mạnh nhưng OPEC+ vẫn chưa thể yên tâm.
May mắn cho OPEC+ là kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp lãi suất tăng cao. Kỳ vọng lạm phất giảm đã cho phép Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong cuộc họp tháng Bảy đã báo hiệu khả năng sắp kết thúc chu ỳ tăng lãi suất, làm dấy lên kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh nhẹ nhàng trong giai đoạn Saudi Arabia bắt đầu các đợt cắt giảm sản lượng bổ sung. Các thương nhân cũng vui mừng trước sự sụt giảm trong kho dầu của Mỹ.
Thực tế là các kho dự trữ đã giảm ở Bờ Vịnh Mỹ, nơi có cơ sở hạ tầng xuất khẩu của đất nước, là một dấu hiệu đặc biệt đáng khích lệ về nhu cầu ngày càng tăng. Tuy nhiên, dữ liệu của Chính phủ ngày 10 tháng 8 cho thấy lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 3,2% trong 12 tháng tính đến tháng 7, cao hơn mức tăng 3,0% của tháng Sáu (khi lạm phát tăng thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2021). Mục tiêu của Fed là lạm phát ở mức 2%.
Với việc lạm phát nóng trở lại, thị trường lo ngại Fed vẫn chưa hoàn thành việc tăng lãi suất để giải quyết lạm phát. Chi phí vay tăng cao có thể cản trở tăng trưởng kinh tế và do đó làm giảm nhu cầu chung về dầu mỏ.
Các yếu tố theo mùa cũng đóng một vai trò nhất định, và những yếu tố này có thể sớm suy yếu. Một mùa hè nóng bất thường đã khiến nhiều người Mỹ đổ xô ra đường đi du lịch. Điều này mang lại lợi ích cho các nhà cung cấp nhiên liệu vì nguồn cung ở các trạm xăng Mỹ cạn kiệt.
Giá xăng tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong năm nay, với giá bán lẻ trung bình trên toàn quốc hiện ở mức 3,88 USD/gallon, cao hơn 7% so với một tháng trước đây, trong đó có nơi như California và Washington giá đã tăng lên trên 5 USD/gallon.
Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán giá xăng bán lẻ tại Mỹ sẽ còn tiếp tục tăng lên trung bình 3,9 USD/gallon trong tháng này do hoạt động của nhà máy lọc dầu chậm lại, thậm chí hàng loạt nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động do nhiệt độ quá cao trong khi nhu cầu mạnh mẽ. Tuy nhiên, qua mùa Hè thì nhu cầu xăng dầu theo mùa ở Mỹ sẽ giảm xuống.
Hiện tượng thời tiết El Nino đang gây ra những biến động lớn về nhiệt đột ở khắp thế giới, có khả năng xảy ra có thể mang đến một mùa đông lạnh hơn, thúc đẩy nhu cầu về khí đốt và dầu mỏ. Tuy nhiên, điều đó cũng có thể dẫn đến gián đoạn kinh tế và lạm phát cao hơn, cả hai đều làm tổn hại đến nhu cầu dầu. Các nhà phân tích của Goldman Sachs vẫn đang dự đoán 20% khả năng Mỹ sẽ suy thoái trong 12 tháng tới.
Trong khi đó, Trung Quốc đã chìm trong giảm phát khi mà các gói kích thích vẫn chưa thành hiện thực. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã hạ lãi suất để kích thích kinh tế, nhất là lĩnh vực bất động sản đang suy yếu, nhưng tác động kinh tế thực sự từ chính sách nới lỏng tiền tệ vẫn chưa xảy ra. Cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng ở Trung Quốc làm tăng thêm lo ngại về sự phục hồi kinh tế chậm chạp của nước này và làm giảm ham muốn rủi ro của các nhà đầu tư trên khắp các thị trường.
Như vậy, mối lo ngại của các nhà đầu tư trên thị trường dầu mỏ vẫn đang tập trung vào căng thẳng giữa tăng trưởng toàn cầu chậm lại và nguồn cung dầu toàn cầu vẫn khan hiếm.
Các nhà phân tích dự báo giá dầu trong những tháng tới sẽ giao dịch trong khoảng từ 75 USD đến 90 USD/thùng trong những tháng tới.
Trong trường hợp giá dầu giảm trở lại, OPEC và các đồng minh của họ không còn nhiều lựa chọn giải pháp nữa. Saudi Arabia đã gia hạn cắt giảm sản lượng thêm một triệu thùng mỗi ngày cho đến tháng Chín. Nhưng vương quốc sẽ khó có thể tiếp tục kéo dài thời gian tự nguyện cắt giảm sang năm tới mà không làm tổn hại đến tài chính của chính mình.
Và một động thái như vậy sẽ làm căng thẳng mối quan hệ với Tổng thống Mỹ Joe Biden, đặc biệt là khi gần đến cuộc bầu cử. Mặt khác, những nước OPEC khác cũng khó có thể duy trì việc giảm xuất khẩu kéo dài, chẳng hạn như Iran đang bận rộn khai thác càng nhiều dầu càng tốt. Do vậy, các nhà đầu tư không còn quá lo ngại về nguồn cung của OPEC+ khan hiếm.
Tham khảo: Reuters