Giá dầu leo thang, cổ phiếu BSR bứt phá lên đỉnh một năm, vốn hóa Lọc Hoá dầu Bình Sơn tăng 32.000 tỷ đồng sau 10 tháng

Tuệ Giang | 23:00 12/09/2023

Sau khoảng 10 tháng, giá cổ phiếu BSR đã tăng tới 93% lên ngưỡng 21.400 đồng/cp – vùng giá cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.

Giá dầu leo thang, cổ phiếu BSR bứt phá lên đỉnh một năm, vốn hóa Lọc Hoá dầu Bình Sơn tăng 32.000 tỷ đồng sau 10 tháng

Nhóm dầu khí nói chung có tính chất đầu cơ rất cao theo biến động giá dầu và CTCP Lọc Hoá dầu Bình Sơn (mã: BSR) cũng không ngoại lệ. Thị giá BSR duy trì đà hồi phục ổn định kể từ thời điểm chạm đáy ngắn hạn hồi giữa tháng 11/2022 và bứt phá mạnh trong khoảng 2 tuần trở lại đây. Tính chung sau khoảng 10 tháng, giá cổ phiếu đã tăng tới 93% lên ngưỡng 21.400 đồng/cp – vùng giá cao nhất trong vòng 1 năm, vốn hóa tương ứng tăng xấp xỉ 32.000 tỷ đồng, hiện đạt 66.040 tỷ đồng (~2,8 tỷ USD).

Cổ phiếu BSR lên đỉnh 1 năm sau đà tăng gần gấp đôi thì đáy

Sự khởi sắc của BSR có ảnh hưởng một phần từ hiệu ứng giá dầu thế giới. Chỉ trong khoảng 3 tuần, giá dầu Brent đã tăng hơn 10% lên trên ngưỡng 91 USD/thùng, cao nhất trong vòng 10 tháng kể từ giữa tháng 11 năm ngoái.

Giá dầu leo thang trong bối cảnh các nước sản xuất dầu lớn nhiều khả năng sẽ duy trì nguồn cung thắt chặt. Ngày 31/8, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết chính phủ nước này cùng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã nhất trí giảm xuất khẩu dầu thô và dự định sẽ công bố con số chính thức trong tuần tới.

Nga mới đây đã cam kết giảm xuất khẩu dầu thô 500.000 thùng/ngày (5% sản lượng khai thác của nước này) trong tháng 8 và 300.000 thùng/ngày trong tháng 9. Trước đó vào ngày 3/8, Saudi Arabia quyết định gia hạn việc tự nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày thêm 1 tháng, đến hết tháng 9 tới nhằm hỗ trợ các nỗ lực ổn định và cân bằng thị trường dầu mỏ quốc tế.

Kết quả kinh doanh cũng là yếu tố ủng hộ khi sản lượng tiêu thụ 8 tháng đầu năm 2023 của BSR ước đạt 4,6 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm ngoái và thực hiện được 82% kế hoạch sản lượng năm 2023. Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động ở mức 108% – 110% công suất.

Doanh thu của BSR ước đạt 91.600 tỷ, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.400 tỷ. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 96% kế hoạch doanh thu và 270% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023.

Lợi nhuận đã tạo đáy trong quý 2, kỳ vọng giá dầu thô Brent và Crack spread tiếp tục neo cao

Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định sự sụt giảm trong doanh thu nửa đầu năm 2023 của BSR đến từ việc giá dầu Brent thấp hơn 24% so với mức nền cao cùng kỳ năm trước, tác động tiêu cực đến giá bán các sản phẩm của BSR. Đồng thời, biên lãi gộp cũng bị tác động tiêu cực, giảm 76% so với cùng kỳ khi mức chênh lệch giữa giá của một thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu (crack spread) tại châu Á giảm sâu.

Tuy nhiên, động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ đã có hiệu quả khi khiến giá dầu thô Brent tăng khoảng 8% kể từ tháng 4 tới hiện tại. KBSV kỳ vọng giá dầu Brent sẽ duy trì ở mức trên 80 USD/thùng đến hết năm 2023 và crack spread các sản phẩm xăng RON 95 và 92 tại châu Á sẽ diễn biến tích cực trong nửa cuối năm. Đối với nhiên liệu bay Jet A1, KBSV nhận định rằng crack spread của mặt hàng này sẽ duy trì ở mức cao nhờ nhu cầu tăng mạnh trong mùa du lịch và động lực từ Trung Quốc khi quốc gia này đã gỡ bỏ hoàn toàn các giới hạn đường bay quốc tế từ tháng 9/2023. Trong khi đó, crack spread dầu Diesel diễn biến tích cực hơn so với kỳ vọng và vẫn còn tiềm năng hồi phục từ khu vực Mỹ và châu Âu khi tồn kho dầu Diesel duy trì ở mức thấp và các chỉ số vĩ mô của 2 khu vực này đã có dấu hiệu cải thiện. KBSV kỳ vọng lợi nhuận BSR đã tạo đáy trong quý 2 vừa qua và sẽ tăng trưởng mạnh trong nửa sau năm 2023.

Báo cáo của Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dự phóng giá dầu Brent trung bình năm 2023 sẽ đạt 85 USD/thùng, biên lọc dầu của các sản phẩm chủ chốt như Xăng và Dầu diesel có thể giảm đáng kể và duy trì lần lượt ở mức 15 USD/thùng và 14 USD/thùng. PHS đánh giá BSR có thể duy trì biên lợi nhuận khá nhờ các yếu tố như tồn kho xăng dầu toàn cầu giảm và các nhà máy lọc dầu châu Á cắt giảm sản lượng trong nửa cuối năm 2023.

Mặt khác, BSR sẽ thực hiện mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng, dự án này sẽ giúp khỏa lấp nguồn cung thiếu hụt trong nước cũng như đáp ứng yêu cầu chất lượng EURO5 do chính phủ quy định. Theo BSR, dự án này dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, do đó, PHS kỳ vọng sản lượng có thể bật tăng thêm ~16% vào năm 2026.

PHS dự phóng doanh thu thuần trong năm nay của BSR sẽ đạt 135.600 tỷ đồng giảm 19% so với cùng kỳ và LNST đạt 7.300 tỷ đồng, giảm 50%. Biên LN gộp được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt về mức 7% trong năm 2023, giảm đáng kể từ mức đỉnh 10% trong năm trước.

Hưởng lợi từ quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia

Ở khía cạnh khác, theo KBSV, kiểm soát dầu thô đầu vào là yếu tố trọng yếu trong hoạt động của BSR vì giá dầu thô giảm sẽ làm giảm giá các sản phẩm lọc dầu đầu ra đồng thời làm giảm giá trị hàng tồn kho, khiến công ty phải trích lập dự phòng, làm suy giảm lợi nhuận gộp. Do các mỏ dầu nội địa đang suy giảm với tốc độ nhanh, BSR dự kiến sẽ cần nhập khẩu khoảng 30% lượng dầu thô đầu vào từ năm 2025.

Đáng chú ý trong tháng 7/2023, Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt. Mục tiêu của quy hoạch là để đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75-90 ngày nhập ròng. Theo đó, Việt Nam sẽ xây mới 1-2 kho dự trữ dầu thô tại các khu vực gần nhà máy lọc dầu với tổng công suất 1-2 triệu tấn dầu thô. Với quy hoạch này, KBSV kỳ vọng nguồn dầu thô đầu vào của BSR sẽ được ổn định cả về giá và sản lượng trong dài hạn nếu kho dự trữ dầu thô được xây dựng tại khu vực Dung Quất.

Tín hiệu đáng mừng trong câu chuyện chuyển sàn sang HoSE

Cổ đông BSR cũng vừa đón nhận thêm thông tin tích cực về câu chuyện niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE). Được biết, việc chuyển sàn của BSR gặp khó khăn với việc Công ty Nhiên liệu sinh học miền Trung (BSR-BF), công ty con của BSR, đang có khoản nợ quá hạn gần 1.100 tỷ đồng (tương đương 1,5% tổng tài sản của BSR). Điều này khiến BSR không đủ điều kiện để niêm yết cổ phiếu trên HoSE.

Lọc hoá dầu Bình Sơn đã liên tục kiến nghị tháo gỡ gửi các cơ quan có thẩm quyền. Gần nhất, thông tin cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ có cuộc họp trao đổi về sửa quy chế niêm yết của HOSE để các doanh nghiệp bị vướng việc chuyển sàn, niêm yết sang HOSE được gỡ bỏ “nút thắt” với nổi bật là trường hợp của BSR. Nếu được thông qua, dự kiến quá trình chuyển niêm yết của BSR có thể hoàn tất trong quý 4/2023.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Giá dầu leo thang, cổ phiếu BSR bứt phá lên đỉnh một năm, vốn hóa Lọc Hoá dầu Bình Sơn tăng 32.000 tỷ đồng sau 10 tháng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO