Với những người đang trong quá trình rải CV tìm “bến đỗ” mới, có lẽ chẳng có gì đáng mong chờ và mang lại niềm vui tột độ bằng chiếc mail xác nhận qua vòng ứng tuyển, vào vòng phỏng vấn.
Lúc này, nếu chưa có nhiều kinh nghiệm đi xin việc, rất có thể khoảnh khắc tay click vào chiếc mail ấy cũng là lúc nụ cười vụt tắt trên môi.
“Đứng hình” vì bị yêu cầu trưng bảng lương ở công ty cũ, lên mạng hỏi thì phần lớn mọi người đều coi đó là chuyện bình thường?
Mới đây trên nền tảng MXH Threads, một bạn trẻ đã kể lại câu chuyện đi phỏng vấn xin việc của mình, kèm theo câu hỏi “dạo này HR có vụ bắt ứng viên share payslip hoặc screenshot số tiền lương nữa hả?”.
Nếu bạn chưa biết: Payslip có nghĩa là bảng lương/phiếu lương thể hiện thông tin thu nhập cá nhân bao gồm các thông tin về mức lương cơ bản, các khoản thưởng/hoa hồng, các khoản khấu trừ và số tiền thực nhận hàng tháng.
Trong ảnh chụp màn hình phía trên, có thể thấy trong mail hẹn phỏng vấn mà bạn trẻ này được nhận, công ty có yêu cầu bạn gửi bảng lương chi tiết của 3 tháng gần nhất ở công ty cũ, cùng ảnh chụp màn hình/giấy tờ sao kê chứng minh số tiền lương chuyển khoản của 3 tháng tương ứng trong payslip.
Bản thân bạn trẻ này cảm thấy những yêu cầu đó có phần không ổn, nên mới chia sẻ lại câu chuyện và xin ý kiến của CĐM.
Phần lớn mọi người đều cho rằng việc HR yêu cầu ứng viên cung cấp bảng lương ở công ty cũ là chuyện bình thường. Tuy nhiên, việc ứng viên có cung cấp bảng lương hay không lại là chuyện hoàn toàn khác.
3 việc cần lưu ý khi được yêu cầu trưng bảng lương ở công ty cũ khi lúc đi xin việc
Đương nhiên, bạn có quyền từ chối yêu cầu cung cấp bảng lương, tin nhắn lương về tài khoản khi đi phỏng vấn xin việc. Nhưng dù quyết định thế nào đi chăng nữa, đây vẫn là 2 việc bạn cần làm để tránh những rắc rối cho bản thân về sau, cũng như không bỏ lỡ công việc tốt chỉ vì một yêu cầu nhỏ, có thể khéo léo xử lý.
1 - Kiểm tra lại xem công ty cũ có yêu cầu NDA hay không
Nếu bạn chưa biết: NDA là viết tắt của Non-disclosure agreement (Thỏa thuận không tiết lộ). Tùy vào quy định và điều khoản của từng công ty/doanh nghiệp, mà việc bảo mật lương (đồng nghĩa với việc ký cam kết NDA) có thể có hoặc không. Trong trường hợp bạn không chắc chắn về vấn đề này, hãy đọc lại một lần hợp đồng lao động với công ty cũ hoặc liên hệ với HR ở công ty cũ để hỏi.
Nếu công ty cũ yêu cầu bảo mật lương, rõ ràng bạn hoàn toàn có cơ sở để từ chối yêu cầu cung cấp bảng lương chi tiết của HR của nơi bạn đang phỏng vấn xin việc. Ngay cả khi bạn sẵn sàng cung cấp bảng lương chi tiết đi chăng nữa, thì cũng không nên làm vậy nếu NDA với công ty cũ là vô thời hạn.
“Cẩn tắc vô áy náy”, nhớ nhé!
2 - Không nên phản ứng gay gắt với HR chỉ vì yêu cầu cung cấp bảng lương chi tiết ở công ty cũ
Tiền nong vốn luôn là chuyện nhạy cảm, tiền lương đương nhiên không phải ngoại lệ. Dẫu vậy, bạn cũng nên hiểu rằng HR yêu cầu bạn cung cấp bảng lương chi tiết ở công ty cũ một phần vì đó là quy định của công ty, một phần vì đó là cơ sở để họ offer mức lương phù hợp với mong muốn và năng lực của bạn.
Hiểu được điều đó, ngay cả khi không sẵn sàng cung cấp những gì họ yêu cầu, bạn cũng sẽ tự khắc thấy yêu cầu ấy là bình thường. Bạn có thể từ chối khéo với lý do công ty cũ yêu cầu NDA lương thưởng, và gợi ý HR liên hệ trực tiếp với người tham chiếu để hỏi và xác nhận các thông tin về vấn đề này nếu cần thiết.
Vậy là tiện cả đôi đường.
3 - Đừng “khai khống” về mức lương ở công ty cũ
Chúng ta đi làm kiếm tiền, chắc chắn ai cũng muốn bản thân có được mức lương đủ sống. Nhưng cũng đừng vì thế mà “khai khống” mức lương ở công ty cũ nhằm deal được mức lương như kỳ vọng ở công ty mới.
Bạn cần biết rằng nhà tuyển dụng luôn có cách và có mối quan hệ đủ rộng để kiểm tra được những thông tin bạn cung cấp trong quá trình phỏng vấn. Dù bạn không cung cấp bảng lương chi tiết ở công ty cũ đi chăng nữa, họ hoàn toàn có thể “check VAR” năng lực cũng như quá trình làm việc của bạn, từ đó áng chừng được số lương bạn được nhận ở công ty cũ.
“Khai khống” mức lương hoặc kinh nghiệm làm việc đều là những điểm trừ rất lớn, cũng rất dễ bị phát hiện. Làm vậy chẳng khác nào đang tự chặn đường kiếm cơm của bản thân, nên đừng dại nhé!