Đây là Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom).
Chiều qua (13/1), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Alexey Likhachev, Tổng Giám đốc của Rosatom đang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của Liên bang Nga đối với Việt Nam trong việc đào tạo các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; thiết kế, vận hành Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt; cũng như phát triển Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga; cung cấp dược chất phóng xạ cho chẩn đoán, điều trị ung thư…
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam phải phát triển tăng tốc để đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đặc biệt, Việt Nam chủ trương khởi động lại dự án điện hạt nhân để bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ phát triển đất nước và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Vì vậy, Thủ tướng mong muốn Nga và Tập đoàn Rosatom tiếp tục hợp tác hợp tác, hỗ trợ Việt Nam không chỉ dừng lại ở phát triển năng lượng điện hạt nhân mà phát triển ngành khoa học công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình và phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, để Việt Nam phát triển ngành công nghệ hạt nhân, Thủ tướng mong muốn phía Nga và Rosatom hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực; chuyển giao công nghệ; giúp Việt Nam khai thác, tận dụng tối đa khả năng của mình trong lĩnh vực này; chuyển giao khoa học quản trị, nâng cao năng lực quản trị…
Thủ tướng cho biết giao các nhiệm vụ "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm" cho các bộ, ngành, cơ quan phối hợp chặt chẽ với phía Nga nhằm khẩn trương triển khai các công việc hợp tác cụ thể, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Vui mừng được gặp lại Thủ tướng lần thứ 3 trong vòng 6 tháng qua, Tổng Giám đốc Rosatom Alexey Likhachev cho biết, Rosatom là tập đoàn hàng đầu về năng lượng hạt nhân và có bề dày hợp tác với Việt Nam trong nhiều năm. Với nền tảng tốt đẹp, kinh nghiệm hợp tác lâu năm, Rosatom mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam và hiện thực hóa các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước.
Lãnh đạo Rosatom cho biết, tập đoàn sẵn sàng hợp tác, giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân; xây dựng trung tâm hạt nhân mới, hiện đại; chuyển giao công nghiệp; nội địa hoá các sản phẩm hạt nhân cho Việt Nam; phát triển ngành khoa học, công nghiệp hạt nhân… với tầm nhìn hàng trăm năm, đồng thời sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội như Thủ tướng đã đề cập.
Tổng thống Putin từng chỉ đạo Rosatom hỗ trợ Việt Nam
Trước đó, nhân dịp chuyến thăm chính thức đến Việt Nam, trong bài viết đăng trên báo Nhân dân ngày 19/6/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá năng lượng là lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược trong hợp tác song phương.
Tổng thống Putin nói: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng Rosatom luôn sẵn sàng hỗ trợ các đối tác Việt Nam trong xây dựng ngành năng lượng nguyên tử quốc gia, bao gồm cả việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực".
Ngày 20/6/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn thông báo về việc hai nước đã ký bản ghi nhớ về xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân ở Việt Nam. Người đứng đầu nước Nga khẳng định, phát triển năng lượng nguyên tử hòa bình là lĩnh vực hứa hẹn trong việc mở rộng hợp tác song phương giữa Nga và Việt Nam. Theo đó, một trong những chủ đề trong chương trình nghị sự là dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân tại Việt Nam, do Tập đoàn Rosatom tiến hành và đào tạo các chuyên gia nguyên tử Việt Nam ở những trường đại học chuyên ngành của Nga.
Rosatom được coi là tập đoàn hàng đầu thế giới hiện nay trong lĩnh vực công nghiệp hạt nhân. Tính đến nay, tập đoàn này có 450 công ty thành viên, với tổng số nhân lực trên 350.000 người. Rosatom đang hoạt động tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tập đoàn nổi tiếng của Nga hiện đứng đầu thế giới về danh mục dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài, với 34 tổ máy. Các nhà máy điện hạt nhân của Tập đoàn Rosatom đang cung cấp 19,9% điện năng cho nền kinh tế tại Nga.