Ngày 24/2/2025, Tập đoàn FPT ký kết với Cranes Varsity - một trong những tổ chức đào tạo công nghệ hàng đầu tại Ấn Độ, chuyển giao Chương trình đào tạo Phát triển phần mềm ô tô thông minh (Automotive). Sự kiện đánh dấu sự ra đời của Cranes FPT, chương trình đào tạo Phát triển phần mềm ô tô thông minh ngắn hạn chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.
Cranes FPT chính thức tuyển sinh từ tháng 3/2025 tại Hà Nội và TP.HCM. Học sinh tốt nghiệp THPT, sinh viên, người đi làm muốn nâng cao chuyên môn hoặc chuyển đổi ngành nghề là đối tượng phù hợp theo học chương trình này.
Chương trình kéo dài trong 2 năm, gồm 4 học kỳ, cung cấp nền tảng từ cơ bản đến nâng cao về lập trình, mô phỏng, kiểm thử phần mềm và ứng dụng các tiêu chuẩn công nghiệp. Sinh viên được đào tạo theo mô hình EEE (Giáo dục - Phát triển - Việc làm), 70% là thực hành, hàm lượng AI chiếm gần 30% chương trình học.
FPT cho biết, sinh viên sẽ học cùng doanh nghiệp, làm việc trực tiếp với chuyên gia hàng đầu, để có thể sẵn sàng làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Ngoài kiến thức chuyên môn, Cranes FPT còn rèn luyện kỹ năng mềm, quản lý dự án, giúp sinh viên cạnh tranh trên thị trường lao động toàn cầu.

Sau khi hoàn thành chương trình học 2 năm, sinh viên sẽ được cấp Chứng chỉ Advanced Diploma in Automotive Software Development (ADAS) do Cranes Varsity cấp. Đây là chứng chỉ có giá trị quốc tế, giúp sinh viên đáp ứng các tiêu chuẩn tuyển dụng của các doanh nghiệp công nghệ ô tô trong và ngoài nước.
Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể lựa chọn các vị trí việc làm: Kỹ sư phát triển phần mềm ô tô, Kỹ sư nhúng cho hệ thống ô tô, Chuyên gia kiểm thử phần mềm ô tô, Kỹ sư phát triển hệ thống thông tin giải trí ô tô, Chuyên gia phát triển ứng dụng…
Cranes Varsity là một trong những viện đào tạo kỹ thuật hàng đầu thế giới, trực thuộc Cranes Software International Ltd. với hơn 25 năm kinh nghiệm trong giáo dục công nghệ, đã đào tạo hơn 100.000 kỹ sư và hỗ trợ 70.000 kỹ sư có việc làm tại các doanh nghiệp lớn trên thế giới.
“Ngành công nghiệp ô tô đang trải qua sự chuyển đổi mạnh mẽ và cần số lượng nhân sự khổng lồ, với nhiều chuyên môn khác nhau. Trong bối cảnh như vậy, hợp tác quốc tế sẽ đưa Việt Nam đến một cuộc chơi lớn.
Với sự kết hợp giữa kinh nghiệm đào tạo của Cranes Varsity và và năng lực công nghệ của FPT, chúng ta tự tin sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam và thế giới trong thời gian ngắn nhất”, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ.

Theo báo cáo của McKinsey & Company, thị trường phần mềm và điện tử ô tô toàn cầu dự kiến sẽ đạt 462 tỷ USD vào năm 2030. Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm mới trong chuỗi cung ứng phần mềm ô tô toàn cầu, tạo ra nhu cầu lớn về kỹ sư phần mềm có chuyên môn cao.
Do đó, sự hợp tác giữa FPT và Cranes Varsity sẽ giúp đào tạo thế hệ nhân lực mới, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực phần mềm ô tô thông minh trong nước và quốc tế, góp phần đưa Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên số.
Tại Đại hội đồng cổ đông tháng 4/2024, ông Trương Gia Bình công bố chiến lược chủ đạo của FPT là AI - Bán - Xe - Số - Xanh (trí tuệ nhân tạo – bán dẫn – ô tô – chuyển đổi số - chuyển đổi xanh). Công nghệ phần mềm ô tô là một trong những chiến lược mũi nhọn của tập đoàn trong thời gian tới.
FPT sẽ nâng cao năng lực trong lĩnh vực này, với mục tiêu tăng trưởng 50% và đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2030. Nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của Tập đoàn và thị trường, FPT cũng mở ngành chuyên ngành đại học về ô tô số từ tháng 1/2024. Việc ký kết chuyển giao chương trình học với đối tác Ấn Độ là bước đi chiến lược tiếp theo để hiện thực hóa mục tiêu trên.