Việc triển khai chính sách thuế quan một cách thiếu nhất quán dưới thời Tổng thống Donald Trump đang đặt Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào một tình thế khó xử chưa từng có: Giữ lãi suất để kiềm chế lạm phát và chấp nhận nguy cơ suy thoái hoặc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng nhưng đối mặt với nguy cơ lạm phát cao kéo dài – một viễn cảnh được gọi là “stagflation” (lạm phát kèm suy thoái).
Tại cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày trong tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức khác dự kiến sẽ tiếp tục duy trì chiến lược “kiên nhẫn theo dõi". Đây là cách tiếp cận nhằm tránh những điều chỉnh vội vàng có thể làm chệch hướng cuộc chiến chống lạm phát mà Fed theo đuổi suốt hơn hai năm qua. Tuy nhiên, sự kiên nhẫn này đang gặp thách thức nghiêm trọng bởi các chính sách thương mại chưa rõ ràng.
Ông Powell từng mô tả tình thế của Fed như tình huống của một thủ môn phải đoán hướng sút penalty: “Chúng tôi sẽ phải đưa ra một quyết định cực kỳ khó khăn,” ông nói vào tháng trước.
Nếu Fed hành động quá sớm để ngăn suy thoái bằng cách hạ lãi suất, điều đó có thể khiến lạm phát ngắn hạn tăng thêm – do giá cả hàng nhập khẩu tăng vì thuế quan hoặc do thiếu hụt nguồn cung. Ngược lại, nếu chờ đợi cho đến khi các chỉ báo suy thoái trở nên rõ ràng, Fed có thể đối mặt với một cuộc suy thoái sâu và lan rộng.
Richard Clarida, cựu Phó Chủ tịch Fed và hiện là cố vấn cấp cao tại công ty quản lý tài sản Pimco, cho rằng Fed sẽ không cắt giảm lãi suất để ‘phòng ngừa’ như trước đây. Theo ông, ngân hàng trung ương sẽ cần nhìn thấy dữ liệu cụ thể, đặc biệt là về thị trường lao động.
Điều đó cũng có nghĩa là Fed sẵn sàng chấp nhận một khoảng thời tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể trước khi hành động. Cựu Thống đốc Fed Lael Brainard cho biết: “Trong 7 năm qua, Fed dưới thời Powell thường hành động chậm nhưng dứt khoát. Nếu thị trường lao động xấu đi đáng kể, họ sẽ sẵn sàng phản ứng.”
Fed từng có lúc đặt mục tiêu tối đa hóa kết quả tích cực – như khi cắt giảm lãi suất vào năm ngoái vì lạm phát giảm. Nhưng cũng có lúc họ phải hành động để tránh kịch bản tồi tệ nhất, ví dụ như tăng lãi suất mạnh trong giai đoạn 2022-2023 nhằm ngăn lạm phát ăn sâu vào nền kinh tế, dù biết hậu quả có thể dẫn đến suy thoái.
Kịch bản hiện tại, đối diện với rủi ro từ các biện pháp thuế quan, có thể buộc Fed phải quay lại hướng đi thứ 2: Chấp nhận tăng trưởng sụt giảm ngắn hạn để tránh lạm phát leo thang. Thuế nhập khẩu có thể đẩy giá cả tăng trong ngắn hạn, trong khi sự bất ổn do các chính sách thương mại thiếu rõ ràng có thể làm chững lại hoạt động đầu tư và tiêu dùng – 2 yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng.
Một thách thức lớn với Fed lúc này là đánh giá mức độ và thời gian ảnh hưởng của lạm phát do thuế quan gây ra. Nếu người tiêu dùng và doanh nghiệp tin rằng lạm phát sẽ sớm giảm, kỳ vọng đó sẽ giúp ổn định giá cả. Nhưng nếu kỳ vọng lạm phát không được kiểm soát, chi phí kéo lạm phát xuống sẽ cao hơn nhiều.
Brainard cảnh báo, sau giai đoạn lạm phát cao kéo dài gần đây, kỳ vọng về lạm phát có thể không còn được duy trì tốt như trước. “Fed rõ ràng nhận thức được điều đó,” bà nói.
Trong khi đó, ông Trump không ngần ngại công kích chiến lược thận trọng của Powell. Điều này càng làm phức tạp thêm nỗ lực của Fed trong việc truyền đạt chiến lược chính sách một cách nhất quán và hiệu quả.
Nếu Fed tỏ ra quá ôn hoà, điều đó có thể không giúp tránh được suy thoái nếu nguyên nhân đến từ các cú sốc giá như thuế quan. Nhưng nếu Fed cứng rắn, họ có thể vô tình tác động đến tình hình giá cả và xu hướng trả lương, từ đó làm tăng lạm phát kỳ vọng.
Một số quan chức như Thống đốc Fed Christopher Waller cho rằng lạm phát do ảnh hưởng thuế quan chỉ là tạm thời và không kéo dài quá năm nay. Ông là người hiếm hoi công khai kêu gọi Fed nên chuẩn bị tinh thần để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, nhiều người khác, đặc biệt là những người chưa từng tham gia các cuộc họp tăng lãi suất mạnh năm 2022, vẫn còn hoài nghi.
Chủ tịch Fed Cleveland, Beth Hammack, cho rằng: “Tôi thà hành động chậm mà đúng hướng còn hơn hành động nhanh nhưng sai lầm.” Bà nhậm chức chưa đầy 1 năm và đại diện cho thế hệ lãnh đạo mới của Fed với quan điểm thận trọng.
Cựu Chủ tịch Fed Boston, Eric Rosengren, cho rằng việc hạ lãi suất sớm có thể không hiệu quả nếu nguyên nhân suy thoái đến từ gián đoạn nguồn cung – điều mà chính sách tiền tệ khó xử lý. Ông dự đoán Fed có thể sẽ không hành động trong 2 hoặc 3 cuộc họp sắp tới, và nếu cần cắt giảm, họ có thể sẽ phải giảm mạnh tới nửa điểm phần trăm.
“Khi giá cả leo thang vì thuế quan, còn nhu cầu thì trì trệ, việc hạ lãi suất sớm có thể chẳng giúp ích được gì,” Rosengren nói.
Tham khảo WSJ