Fed phát tín hiệu giữ nguyên lãi suất dù thị trường dự đoán việc cắt giảm sắp diễn ra trong hè này

Anh Dũng | 16:42 01/05/2025

Mối lo ngại của Fed là lạm phát thời gian tới có thể sẽ chuyển biến xấu do thuế quan.

Fed phát tín hiệu giữ nguyên lãi suất dù thị trường dự đoán việc cắt giảm sắp diễn ra trong hè này

Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu rằng sẽ giữ nguyên lãi suất trong thời gian tới. Họ muốn thấy bằng chứng lạm phát đang giảm dần về mục tiêu 2% hoặc thị trường việc làm suy yếu mạnh.  

Tuy nhiên, cho đến hiện tại, dữ liệu vẫn chưa thoả mãn một trong hai kịch bản trên. Giới phân tích cho rằng tác động từ chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump sẽ còn xuất hiện trong thời gian tới. Nhưng hiện vẫn chưa rõ các kế hoạch thuế quan này dẫn đến kết quả ra sao và ảnh hưởng đến giá cả cũng như việc làm thế nào.  

Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland - Beth Hammack nhận định hiện tại có quá nhiều kịch bản có thể xảy ra, trong đó không loại trừ khả năng lạm phát tiếp tục neo cao trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại. Khi đó, Fed có thể sẽ phải chọn lựa giữa hai mục tiêu: kiềm chế lạm phát hoặc hỗ trợ tăng trưởng. 

Dù vậy, giới đầu tư vẫn cược rằng kinh tế Mỹ sẽ suy yếu, buộc Fed phải cắt giảm lãi suất từ tháng 6. Họ dự đoán lãi suất sẽ giảm tổng cộng 1 điểm phần trăm vào cuối năm nay. Dự đoán này được củng cố sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy GDP Mỹ tăng trưởng âm trong quý 1 và chỉ số lạm phát ưa thích của Fed không tăng trong tháng 3. 

Song, các chuyên gia cảnh báo rằng lạm phát hiện vẫn ở mức cao và có thể còn tăng thêm trong ngắn hạn. Nguyên nhân là nhiều nhà bán lẻ đang tăng giá để bù đắp chi phí nhập khẩu tăng mạnh vì thuế. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) đã giảm từ 3% trong tháng 2 xuống còn 2,6% trong tháng 2. 

Các kỳ vọng lạm phát dài hạn vẫn ổn định, nhưng một số quan chức Fed lo ngại rằng kỳ vọng lạm phát ngắn hạn đang tăng mạnh, có thể khiến áp lực giá cả quay trở lại. 

“Fed đang ở thế khó. Lạm phát vẫn vượt mục tiêu. Kỳ vọng lạm phát đang dần mất kiểm soát. Và chúng ta vẫn đang chờ xem tác động từ các loại thuế sẽ ra sao. Hiện tại Fed đang trong trạng thái án binh bất động”, nhà kinh tế trưởng Tom Porcelli  tại PGIM Fixed Income nhận xét.  

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 30/4, sau khi Bộ Thương mại công bố GDP Mỹ bất ngờ giảm trong ba năm trở lại đây. Cùng lúc đó, Fed đang theo dõi khả năng nền kinh tế chững lại vì thuế, kéo theo nguy cơ sa thải lao động. Yếu tố này có thể buộc họ phải hành động nếu lạm phát không quá dai dẳng. 

Quý 1 vừa qua, GDP Mỹ giảm 0,3%. Nguyên nhân chính là các doanh nghiệp Mỹ ồ ạt nhập khẩu hàng hóa trước khi thuế của ông Trump có hiệu lực. Báo cáo cũng cho thấy tiêu dùng cá nhân giảm tốc từ mức tăng 4% xuống 1,8%, trong khi đầu tư doanh nghiệp vẫn tăng mạnh. 

Việc nhu cầu bị đẩy mạnh trong quý 1 có thể dẫn tới tình trạng giảm cầu rõ rệt trong quý 2. Đây sẽ là giai đoạn đáng lo ngại hơn trong quá trình kinh tế giảm tốc. 

Các chuyên gia tại Pantheon Macro cảnh báo: “Nếu giữ nguyên các mức thuế hiện tại, nhiều khả năng kinh tế Mỹ sẽ bước vào giai đoạn trì trệ. Và nếu các mức thuế nhập khẩu mà ông Trump công bố ngày 2/4 thực sự có hiệu lực vào tháng 7, nguy cơ suy thoái sẽ tăng cao”. Tuần này, chính quyền ông Trump đã nới một số mức thuế đối với ngành ô tô, đồng thời cho biết đàm phán thương mại vẫn đang tiếp tục được tiến hành.  

Cuối tuần này, Fed sẽ có thêm dữ liệu mới từ báo cáo việc làm tháng 4. Thị trường dự báo tốc độ tuyển dụng sẽ chậm lại, nhưng tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức 4,2%. 

Fed dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách trong phạm vi 4,25% - 4,50% sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào tuần tới. Thị trường hợp đồng tương lai dự đoán Fed có thể sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 6, với tổng cộng 4 lần giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Năm ngoái, Fed đã giảm lãi suất 3 lần, tổng cộng 100 điểm cơ bản. 

Theo Reuters 


(0) Bình luận
Fed phát tín hiệu giữ nguyên lãi suất dù thị trường dự đoán việc cắt giảm sắp diễn ra trong hè này
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO