Fed mạnh tay hạ lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm, 'mở đường' cho hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu nới lỏng chính sách

Vu Lam | 11:08 19/09/2024

Việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hạ lãi suất là tín hiệu an toàn đối với các ngân hàng trung ương khác vốn đang lo ngại về tăng trưởng kinh tế trong nước.

Fed mạnh tay hạ lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm, 'mở đường' cho hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu nới lỏng chính sách

Một số ngân hàng trung ương có ảnh hưởng nhất thế giới, như ở EU, Anh và Canada, đã bắt đầu hạ cắt giảm lãi suất trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, một số ngân hàng khác, bao gồm Ấn Độ, Hàn Quốc và Nam Phi, vẫn giữ nguyên lãi suất. Động thái của Fed có thể sẽ thúc đẩy họ đưa ra quyết định mới. 

Với nhiều ngân hàng trung ương, việc hạ lãi suất trước Fed có rủi ro làm suy yếu đồng nội tệ. Khi lãi suất ở quốc gia đó giảm so với lãi suất ở Mỹ, đồng nội tệ của họ sẽ sụt giá. Điều này sẽ làm tăng giá hàng nhập khẩu, tạo ra làn sóng áp lực lạm phát mới. 

Nam Phi đã rơi vào tình trạng này. Ngân hàng trung ương của Nam Phi có thể là ngân hàng tiếp theo hạ chi phí đi vay, khi cuộc họp chính sách sẽ diễn ra vào ngày 19/9. 

Một số ngân hàng trung ương vẫn chưa hạ chi phí đi vay là ở châu Á, nơi lạm phát tăng chậm hơn so với các khu vực khác trên thế giới và ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách ở mức độ ít hơn. 

Khi lạm phát dự kiến sẽ chậm lại và rủi ro đồng tiền tệ mất giá đã giảm bớt khi Fed nới lỏng chính sách, nhiều quốc gia đã sẵn sàng để đưa ra hành động tương tự. Các nhà kinh tế của JPMorgan dự kiến ngân hàng trung ương Ấn Độ sẽ hạ chi phí đi vay vào tháng tới, trong khi Hàn Quốc và Thái Lan sẽ hành động trước khi kết thúc năm. 

Trong một động thái bất ngờ, ngân hàng trung ương Indonesia đã hạ lãi suất vào ngày 18/9, đi trước Fed. Ngân hàng này lưu ý rằng các nhà đầu tư hiện kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm mạnh hơn so với hồi đầu năm và điều này sẽ hỗ trợ đồng nội tệ của họ. 

Đối với nhiều ngân hàng trung ương ở Mỹ Latinh và những nơi khác đã bắt đầu hạ lãi suất, bước đi của Fed đã giúp loại bỏ rủi ro mà họ phải đối mặt. Bank of America nhận định rằng, hầu hết các ngân hàng trung ương dường như đang “ăn mừng” việc Fed cắt giảm. 

screenshot-2024-09-19-at-09.11.21.png
Các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất ở mức độ như thế nào? (điểm phần trăm).

Tuy nhiên, một số ngân hàng trung ương hàng đầu chỉ ra rằng việc Fed nới lỏng chính sách vẫn chưa thay đổi cách tiếp cận của họ ngay lập tức. Cả ECB và BOE đều phát tín hiệu rằng họ vẫn thận trọng. Đó là bởi mối lo ngại về tốc độ tăng trưởng tiền lương và thị trường lao động gặp khó khăn không liên quan nhiều đến tình hình kinh tế toàn cầu hay tỷ giá hối đoái. 

BOE dự kiến sẽ dự kiến giữ nguyên lãi suất sau cuộc họp vào thứ Năm tuần tới, sau khi đã cắt giảm lãi suất vào tháng 8. Điều này có thể cho thấy ngân hàng này không vội hạ lãi suất thêm một lần và thị trường đang kỳ vọng đợt cắt giảm tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 11. 

Nhiều ngân hàng trung ương nhận thấy lạm phát đã hạ nhiệt. Song, những ngân hàng khác lại không chắc chắn như vậy. Những ngân hàng phải đối mặt với các vấn đề lạm phát bền vững có thể sẽ không đưa ra hành động cho đến năm 2025. 

Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) phát tín hiệu rằng sẽ không hạ lãi suất cho đến năm sau dù kinh tế đang giảm tốc. Ngân hàng trung ương Na Uy (Norges) cho biết một thời gian nữa mới có thể cắt giảm.

Các ngân hàng khác thì đang phải đối mặt với những thách thức riêng. Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất vào tuần trước. Lạm phát ở quốc gia này đã tăng vọt khi nền kinh tế đang gặp khó khăn để đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình với hàng hoá và dịch vụ.

Trong khi đó, ngân hàng trung ương Brazil có thể trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên tăng lãi suất ngay sau khi Fed đưa ra bước đi mới. Năm 2021, Brazil là một trong số những quốc gia đầu tiên tăng chi phí đi vay khi lạm phát bắt đầu tăng tốc và họ nằm trong số những người đầu tiên hạ chi phí đi vay khi giá tiêu dùng hạ nhiệt vào năm 2023. Song, lạm phát tăng trở lại trong những tháng gần đây khi tăng trưởng được thúc đẩy bởi chi tiêu của chính phủ. 

Wall Street Journal nhận định, đợt cắt giảm đầu tiên sau 4 năm của Fed có khả năng sẽ đẩy nhanh việc gỡ bỏ rào cản với người đi vay trên toàn thế giới trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. Điều này có thể diễn ra đúng thời điểm để ngăn chặn xu hướng giảm tốc của kinh tế toàn cầu, như kinh tế châu Âu ảm đạm, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại và ngay cả Mỹ dường như cũng đang hạ nhiệt. 

Tham khảo WSJ


(0) Bình luận
Fed mạnh tay hạ lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm, 'mở đường' cho hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu nới lỏng chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO