FED liệu có đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái?

Anh Dũng | 10:27 09/10/2022

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã tuyên bố sẽ tiếp tục tăng lãi suất đến khi lạm phát được chế ngự. Nhưng trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kiềm chế được lạm phát, việc tăng lãi suất có thể đã gây ra suy thoái hoặc bất ổn tài chính.

FED liệu có đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái?

Thông thường, ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ khi nền kinh tế quá nóng và sẽ dừng hoặc giảm tốc độ tăng lãi suất khi nền kinh tế hạ nhiệt. Tuy nhiên, lần đầu tiên kể từ thập niên 1980, FED đã tăng lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm.

FED đã chậm trễ trong việc đối phó với lạm phát leo thang. Họ cho rằng các vấn đề về đứt gãy chuỗi cung ứng sau đại dịch chỉ là nhất thời. Mặc dù giá cả bắt đầu tăng từ tháng 3/2021, một năm sau FED mới tăng lãi suất. Ban đầu là 25 điểm cơ bản, sau đó là 50 điểm và 75 điểm sau ba cuộc họp vừa qua.

19 tháng trước, lạm phát Mỹ ở gần mức mục tiêu của FED là 2%. Song, giá thực phẩm, gas và chỗ ở tăng chóng mặt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đạt 9,1%, mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Lạm phát giảm, FED vẫn “diều hâu”

Mặc dù CPI giảm xuống mức 8,3% trong tháng 8 có thể là dấu hiệu cho thấy lạm phát đã đạt đỉnh, FED cho biết họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi “quái vật” lạm phát được chế ngự.

Việc FED giữ lập trường diều hâu và những cáo buộc về việc đối phó chậm trễ làm dấy lên lo ngại rằng các biện pháp mạnh tay của FED có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Ông Daragh Maher, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về châu Mỹ tại ngân hàng HSBC, nói với DW: “Sự thật là không ai có thể chắc chắn về mức độ nguy hiểm của suy thoái kinh tế ở Mỹ. Nhưng lạm phát càng cứng đầu chứng tỏ nguy cơ suy thoái càng lớn".

Ông Maher nói thêm rằng tăng trưởng yếu không phải là "tác dụng phụ có thể chấp nhận được của cuộc chiến lạm phát này", mà là "một yếu tố cần thiết".

Các nhà hoạch định chính sách đang lo sợ về viễn cảnh lạm phát đình trệ (stagflation). Đó là sự kết hợp của tăng trưởng kinh tế trì trệ và lạm phát cao kéo dài từng xảy ra trong thập niên 1970 và đầu 1980.

Tiếp tục tăng lãi suất có gây bất ổn thị trường?

Một số người tự hỏi rằng liệu cách tiếp cận gần đây của FED có giống với năm 1979, khi mà Chủ tịch FED Paul Volcker đối phó với lạm phát bằng một loạt các đợt tăng lãi suất kỷ lục. Động thái đó đã châm ngòi cho cuộc suy thoái kéo dài 2 năm, trong đó tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên tới 10%.

Thị trường tài chính hiện đã chuẩn bị tinh thần cho đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào tháng 11 mà một số nhà phân tích dự báo khả năng cao sẽ xảy ra. Bill Zox, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Brandywine Global Investment Management, tin rằng FED sẽ không tạm dừng hoặc thay đổi kế hoạch.

Ngày càng có nhiều chuyên gia cảnh báo phản đối việc tiếp tục tăng lãi suất. Nhà phân tích thị trường kỳ cựu Ed Yardeni cho rằng việc thắt chặt chính sách là công cụ “cùn” có nguy cơ gây bất ổn tài chính. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng FED sẽ tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 11 và vấn đề ổn định tài chính sẽ nổi lên như một mối quan tâm hàng đầu”.

Các dấu hiệu tổn thương đã được phản ánh vào các ngân hàng châu Âu như Credit Suisse và cả việc vận hành đồng bảng Anh, điều buộc ngân hàng trung ương Vương quốc Anh phải can thiệp vào thị trường trái phiếu để bảo vệ quỹ hưu trí của đất nước.

63363002_401.jpg
Ảnh; RT

Phương Tây tăng lãi suất khiến các nước đang phát triển bị ảnh hưởng

Lời cảnh báo hôm 3/10 của Liên Hợp Quốc cũng thể hiện quan điểm rằng việc các quốc gia giàu có nhất thế giới tăng lãi suất có nguy cơ gây ra cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và các quốc gia đang phát triển sẽ chịu tổn thương nhiều nhất.

Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nói rằng việc FED cùng với ngân hàng Anh và ngân hàng trung ương châu Âu thắt chặt tiền tệ có thể phản tác dụng.

UNCTAD cho biết lý do lạm phát cao không phải do nhu cầu hàng hóa và dịch vụ dư thừa, mà là do các vấn đề thương mại kéo dài, cùng với giá thực phẩm và năng lượng tăng.

Ông Maher của HSBC lưu ý lập trường diều hâu của Fed đã khiến các nhà đầu tư toàn cầu tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn bằng đồng USD.

Đồng tiền của Mỹ đã mạnh lên so với hầu hết các loại tiền tệ khác trong năm qua. Điều này đã làm trầm trọng thêm lạm phát ở các nước khác trên thế giới, vì nhiều hàng hóa, bao gồm cả dầu, được định giá bằng USD.

Ông Maher cho biết: “Tiền tệ suy yếu quá mức có thể tạo ra những áp lực khác, ví dụ như đối với hàng nhập khẩu”. Ông nói thêm rằng một số quốc gia, bao gồm cả ở châu Âu, đã chứng kiến ​​cán cân thương mại xấu đi trong khi lạm phát vẫn ở mức cao. Điều đó đồng nghĩa "sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất, ngay cả khi lạm phát chậm lại".

Theo DW

Bài liên quan

(0) Bình luận
FED liệu có đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO