Ế ẩm, nhiều ngân hàng tiếp tục hạ giá bất động sản thế chấp mong sớm "thoát hàng"

Tiểu Bảo (TH) | 15:09 26/02/2024

Từ giữa năm 2023 đến nay, các ngân hàng đẩy mạnh rao bán bất động sản là tài sản thế chấp để xử lý nợ xấu. Dù nhiều tài sản đã giảm giá sâu nhưng vẫn “ế”. Đến nay, một số ngân hàng tiếp tục hạ giá thêm để mong ra được hàng.

Ế ẩm, nhiều ngân hàng tiếp tục hạ giá bất động sản thế chấp mong sớm "thoát hàng"

Trong bối cảnh khó khăn, nhiều ngân hàng liên tục rao bán các bất động sản là tài sản thế chấp, bao gồm căn hộ, nhà nguyên căn, nhà xưởng, … để “thu hồi” các khoản nợ xấu tồn đọng.

Mới đây, ngân hàng BIDV tổ chức đấu giá quyền sử dụng hơn 1.130m2 đất dùng để xây dựng khu thương mại, dịch vụ (tại phường 12, Q.6, TP.HCM) với giá khởi điểm hơn 72,8 tỷ đồng. Đáng nói, đây là lần thứ 14 tài sản này được rao bán.

Kể từ đầu tháng 8/2023 đến nay, Agribank đã có gần 100 thông báo liên quan đến việc xứ lý nợ và tài sản đảm bảo. Trong đó, có nhiều khoản nợ và tài sản đảm bảo giá trị lớn được ngân hàng này rao bán.

Chỉ riêng Chi nhánh Agribank Trung Yên đã thông báo bán đấu giá 4 khoản nợ lớn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Cụ thể, Chi nhánh này đã đăng bán khoản nợ của Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà Hoàng Hải Phú Quốc với giá khởi điểm là hơn 281,6 tỷ đồng. Ba khoản nợ còn lại là của Công ty TNHH đầu tư bất động sản Quang Trung (giá khởi điểm là 71,3 tỷ đồng), Công ty TNHH tư vấn xây dựng Anh Thắng (giá khởi điểm 70,9 tỷ đồng) và Công ty cổ phần thương mại xây dựng Nam Đô (giá khởi điểm 21,2 tỷ đồng).

Trước đó, Agribank đã rao bán 7 khoản nợ của các doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh với tổng dư nợ gần 500 tỷ đồng. Các khoản nợ trên có tài sản đảm bảo là các bất động sản thuộc Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc và Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải nằm trong Tổ hợp quần thể du lịch, giải trí quy mô gần 34 ha và hơn 20 km đường biển tại Bãi Trường, thuộc xã Dương Tơ, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. 

43333.jpeg
Ảnh: Minh hoạ

Mới đây, sau 3 lần rao bán thất bại, ngân hàng Agribank tiếp tục hạ giá tiếp lô đất biệt thự Đà Nẵng để mong bán được. Lô đất biệt thự gần 1.000m2 tại quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng tiếp tục giảm thêm hơn 30% so với giá rao bán cách đây hơn 1 năm.

Đươc biết, đây là tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Công nghiệp Đại Dương tại Agribank CN Nhà Bè theo hợp đồng cấp tín dụng năm 2016. Tài sản được Agribank thu giữ vào tháng 7/2022 sau khi Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Công nghiệp Đại Dương không thanh toán đầy đủ khoản nợ gốc và lãi.

Phiên đấu giá lần thứ tư dự kiến diễn ra ngày 1/3/2024, với mức giá khởi điểm của tài sản là 51,024 tỷ đồng.  Mức giá này giảm mạnh tới 24,61 tỷ đồng (32%) so với giá khởi điểm 75,63 tỷ đồng được Agribank rao bán lần đầu tiên vào tháng 11/2022.

Ở lần rao bán thứ hai và thứ ba diễn ra hồi tháng 6 và tháng 11/2023, giá khởi điểm của tài sản trên lần lượt là 72,63 tỷ đồng và 53,71 tỷ đồng.

Ngoài các tài sản nói trên, Agribank cũng đang rao bán cùng lúc 5 biệt thự tại khu biệt thự Đồi Thuỷ Sản, phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh với giá khởi điểm từ 2,52 đến 4,8 tỷ đồng.

Tương tự, Ngân hàng Vietinbank cũng thông báo bán đấu giá khoản nợ lần thứ 6 của Công ty CP Tấn Lộc với giá khởi điểm hơn 7,2 tỷ (giá đã bao gồm VAT). Tài sản đảm bảo cho khoản nợ gồm các quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột và khu đất tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Tp.HCM. Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, khối tài sản này đã được Vietinbank thông báo đấu giá lần đầu tiên với mức giá khởi điểm hơn 11,74 tỷ đồng, ngang bằng với dư nợ gốc.

Bên cạnh nhóm 4 ngân hàng quốc doanh, một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng liên tiếp đưa ra bán các tài sản đảm bảo là bất động sản. Cụ thể, Ngân hàng Sacombank thông báo bán hàng loạt khoản nợ xấu có giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong đó có các sản phẩm thuộc dự án căn hộ Xi Grand Court ở quận 10 (Tp.HCM) và tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú (Bình Chánh, Tp.HCM). Đây là lần thứ 5 Sacombank đấu giá khoản nợ này.

Như vậy, rủi ro nợ xấu ngày càng gia tăng buộc ngân hàng phải liên tục rao bán hàng nghìn tài sản bảo đảm với mức chiết khấu hấp dẫn nhưng vẫn khó thanh khoản. Việc giảm giá thêm ở các lần đấu giá tiếp theo cũng chưa thấy cửa sáng khi thị trường địa ốc nhìn chung vẫn trầm lắng giao dịch.

Từng chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, hiện tổng trị giá bất động sản thế chấp tại các ngân hàng chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Tại nhiều nhà băng, tỷ lệ này thậm chí lên đến 80-90% và lớn hơn nhiều lần tổng dư nợ cho vay. Do đó, bất động sản thường là tài sản được các tổ chức tài chính đem ra phát mãi nhiều nhất khi khách hàng vay vốn vì nhiều lý do không trả được nợ.


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Sau tuần giá vàng giảm mạnh, giới phân tích và đầu tư bỗng 'chia rẽ' quan điểm
Thị trường vàng đã trải qua một tuần rớt thê thảm khi mất hơn 2%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2023. Mặc dù vậy, nhìn lướt qua biểu đồ giá hàng tuần cho thấy hầu hết mức giảm rơi vào gần cuối tuần, khi các nhà giao dịch bán kiếm lời sau khi giá tăng vào đầu tuần, và tăng trở lại vào thứ Sáu, sau dữ liệu lạm phát của Mỹ.
Ế ẩm, nhiều ngân hàng tiếp tục hạ giá bất động sản thế chấp mong sớm "thoát hàng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO