Giám đốc điều hành Nguyễn Đỗ Quyên cho biết thực tế con số 60.000 nhà thuốc là giai đoạn trước dịch Covid-19, hiện nay thị trường bán lẻ dược phẩm Việt nam chỉ còn 45.000 nhà thuốc. Trong đó, bao gồm cả quầy thuốc.
Đặc thù của quầy thuốc là vốn ít, không đủ tiền thuê mặt bằng nên thường sử dụng nhà riêng để làm quầy thuốc. Hơn nữa, quầy thuốc chỉ bán sản phẩm đơn giản, như thuốc trị hắt hơi, xổ mũi.. và có doanh thu rất thấp (khoảng 1-2 triệu đồng/ngày).
Do đó, Long Châu không có ý định thay thế các quầy thuốc có mô hình quá nhỏ này.
Còn so với nhà thuốc, doanh thu Long Châu đang vào khoảng 1,1 tỷ/tháng/cửa hàng, tức gấp 5-8 lần các nhà thuốc tư nhân hiện tại. Như vậy, nếu mở đến 3.000 cửa hàng thì quy mô doanh thu đã chiếm hơn nửa thị trường (nhân lên sẽ tương đương doanh thu của 15.000 – 20.000 nhà thuốc tư nhân).
Khi được hỏi lo ngại về việc bị “bắt chước”, bà Quyên cho biết không dễ. Bởi, mỗi năm Long Châu sẽ có nhiều loại thuốc mới và kê toa luôn thay đổi. Việc đủ thuốc phải thu thập thông tin mỗi ngày, do đó đối thủ có thể bắt chước vài lần nhưng để bắt chước mỗi ngày là điều không dễ dàng.
Mặt khác, khi vận hành hàng nghìn cửa hàng thì phải quản lý được lượng thông tin và lượng hàng tồn kho rất lớn, lợi thế của Long Châu chính là có Tập đoàn mẹ FPT, từ đó áp dụng AI, bigdata… để xử lý. Công nghệ cũng giúp Long Châu phân tích được nhu cầu khách hàng, ví dụ khi khách hàng hỏi 10 loại thuốc thì chuỗi có thể đáp ứng 9,5 loại mà không cần phải tăng hàng tồn kho quá nhiều.
Về Long Châu, đây được xem là “ván cược” lớn của FRT và đến nay đã cho những thành công nhất định.
Từ 4 cửa hàng nhà thuốc mua lại từ năm 2017, hiện Long Châu đã bứt phá mở rộng lên gần 1.500 cửa hàng, đứng đầu chuỗi bán lẻ dược phẩm xét về quy mô. Con số cửa hàng hiện tại của Pharmacity và An Khang lần lượt là 932 và 527.
Đây cũng là chuỗi dược đầu tiên công bố đạt được lợi nhuận hoạt động, trong khi các doanh nghiệp cùng ngành loay hoay tìm kiếm mức hòa vốn. Năm 2023, mảng dược phẩm mang về 15.925 tỷ đồng, vượt FPT Shop và chính thức đóng góp chính (50% doanh thu) cho Tập đoàn.
Giữa giai đoạn “sung sức” của chuỗi dược, Long Châu tuyên bố định hướng thành Hệ sinh thái Health Care - một hệ sinh thái về sức khoẻ.
Theo “nữ tướng” Nguyễn Bạch Điệp thì đây là một mảng rộng, đi theo vòng đời sức khoẻ một con người, gồm: Y tế dự phòng, đến khi có dấu hiện bệnh thì đi khám, chuẩn đoán và điều trị, sau đó là theo dõi tại nhà cho đến các gói bảo hiểm sức khoẻ.
Riêng khâu đầu tiên Y tế dự phòng là một mảng cực kỳ quan trọng, giúp người dân phát hiện sớm bệnh và đỡ rất nhiều chi phí điều trị. Ví dụ, bệnh nhân bị viêm gan nếu không chuẩn đoán và điều trị sớm thì sẽ bước vào giai đoạn ung thư. Lúc này, để chữa ung thư sẽ tốn rất nhiều tiền và điều trị cũng rất khó. Do đó, mảng Y tế dự phòng sẽ hỗ trợ tiết kiệm rất nhiều chi phí, công sức cho người dân.
Theo FRT, quy mô y tế dự phòng hiện đã lên đến hàng tỷ USD. Long Châu cũng vừa bước chân vào lĩnh vực tiêm chủng với hai trung tâm đầu tiên vào tháng 7/2023. Đến nay, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, chuỗi tiêm chủng này đã vượt mốc 50 trung tâm, năm 2024 kế hoạch mở rộng lên 100 trung tâm.
Long Châu còn có công nghệ khám chữa bệnh từ xa, tức dịch vụ 247 chăm sóc tại nhà (sắp tới sẽ làm). Dịch vụ này dự rất hữu ích cho các người lớn tuổi. Bởi, "các bạn trẻ bây giờ thích ở riêng nhưng vẫn lo lắng cho cha mẹ có tuổi, điều này để Long Châu lo”. Với dịch vụ 247, thì mỗi ngày cha mẹ chỉ cần chụp hình, FPT Long Châu thông qua đó sẽ chuẩn đoán được tình trạng hôm nay có tốt không, có dấu hiệu gì đáng lưu ý không…? Nếu có, FPT Long Châu sẽ tự động gửi cho người thân.