Dừa Việt - ‘Ngôi sao mới nổi’ trong CLB xuất khẩu nông sản tỷ đô: Đấu tay bo với dừa Thái ở xứ Trung, vượt ngàn chông gai chinh phục thị trường Mỹ

Quỳnh Như | 11:10 21/12/2024

Cả ngành dừa Việt Nam đang hân hoan với việc được chính thức gia nhập ‘CLB nông sản tỷ đô’, nhờ được phép xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang Trung Quốc từ tháng 8/2024. Chông gai tiếp theo mà ngành dừa Việt Nam phải vượt qua là lấy lại vị thế ở thị trường Mỹ như trước năm 2022 và tiếp tục chiến đấu trực diện với người Thái trên các kệ hàng khắp thế giới.

Dừa Việt - ‘Ngôi sao mới nổi’ trong CLB xuất khẩu nông sản tỷ đô: Đấu tay bo với dừa Thái ở xứ Trung, vượt ngàn chông gai chinh phục thị trường Mỹ
Các sản phẩm dừa tươi của Betrimex trưng bày tại một hội chợ ở Trung Quốc trong năm 2024.

Ngành dừa chính thức gia nhập “CLB nông sản tỷ đô”

Theo nhiều dự đoán của các cơ quan chức năng, thì kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ trái dừa trong năm 2024 sẽ đạt từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ USD. Theo đó, trái dừa đã chính thức gia nhập “CLB nông sản tỷ đô’ như sầu riêng, tiêu… Thành quả này có sự đóng góp lớn từ việc Trung Quốc đã cho phép các DN Việt Nam nhập khẩu chính ngạch dừa tươi từ tháng 8/2024. Theo đó, xuất khẩu dừa tươi có thể mang về 250 triệu USD cho Việt Nam.

Trong khi dừa tươi ở Việt Nam bán 30.000 đến 40.000 đồng thì đến thị trường Trung Quốc sẽ tăng lên 90.000 đến 120.000 đồng. Người dân Bến Tre không thể đói, nếu biết phát triển cây dừa đúng cách; bởi với cây dừa, chúng ta có thể sử dụng được tất cả các bộ phận từ rễ đến trái cho tiêu dùng – sản xuất nguyên vật liệu nông nghiệp/công nghiệp.

Theo quan điểm của tôi, chế biến sâu trong ngành dừa của Việt Nam mới đi được giai đoạn đầu, vẫn chưa có nhiều DN thật sự nghiên cứu để biến chiết xuất tinh túy từ trái dừa trở thành những sản phẩm dược mỹ phẩm cao cấp”, TS Huỳnh Kỳ Trân - CEO Thorakao tiết lộ trong Tọa đàm: “Nâng cao chuỗi giá trị dừa trong xu hướng xanh hóa nền kinh tế”.

Vậy nên, con số trên chắc chắn không phải là ‘đỉnh cao nhất’ mà ngành dừa Việt Nam có thể đạt được, mà có thể là khởi đầu của một thời kỳ vàng son. Với tiềm năng của cây dừa Việt Nam cộng với sự năng động của các DN trong ngành cộng với nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của thế giới, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu của loại trái cây này sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn trong vài năm tới.

tu-dong-hoa.jpg
TS Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM

Ngành công nghiệp dừa toàn cầu tập trung ở một số quốc gia, với Philippines, Indonesia và Ấn Độ chiếm gần 75% tổng sản lượng. Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng thứ 6 thế giới trong ngành dừa về vùng trồng và sản lượng. Tuy nhiên, chất lượng dừa của Việt Nam khá nổi trội, ngay cả người Indonesia cũng đánh giá chất lượng dừa của Việt Nam chúng ta cao hơn họ.

Nhu cầu về các sản phẩm dừa trên thế giới tăng 5% mỗi năm và thị trường dừa hữu cơ sẽ tăng 7%/năm”, TS Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM, cung cấp thông tin.

Theo thống kê, nước ta hiện có 200.000 ha diện tích trồng dừa. Có hai vùng trồng dừa trọng điểm là Đồng bằng sông Cửu Long (175.000ha) với các tỉnh tiêu biểu như Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và duyên hải Nam Trung Bộ như Ninh Thuận. Trong đó, 30% diện tích dừa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 30% được cấp mã số vùng trồng.

Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng – CEO T&T, mỗi vùng trồng khác nhau sẽ cho ra chất lượng dừa khác nhau. Trong tất cả, dừa Bến Tre cho chất lượng tốt nhất cả về hình thức lẫn hương vị, rồi đến các tỉnh lân cận. Dừa Bến Tre khi gọt ra hiếm khi bị nứt vỏ hoặc nước bị chua.

Số liệu từ Hiệp hội Dừa Việt Nam cho thấy: hiện cả nước có khoảng 800 doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa và liên quan dừa; trong đó có khoảng 90 doanh nghiệp chuyên xuất khẩu. Những doanh nghiệp đầu ngành dừa tại miền Nam có thể kể đến Betrimex, T&T, Dừa Lương Qưới, Vietcoco…

screen-shot-2024-12-20-at-6.52.39-pm.png
Ảnh Betrimex

Hiện tại, biến đổi khí hậu đang khiến sản lượng dừa của nhiều cường quốc giảm sút, ví dụ như các cơn bão đã khiến sản lượng dừa của Philippines giảm 10%. Tất nhiên, ngành dừa của Việt Nam cũng không thể đứng ngoài tác động xấu của biến đổi khí hậu và để tiếp tục đi tới, chúng ta cần hành động ngay bây giờ.

Đầu tiên, chúng ta phải chuyển sang các giống dừa mới phù hợp với thời tiết sau khi khí hậu biến đổi. Nghiên cứu đến câu chuyện xen canh với cacao và cà phê, vừa đa dạng hóa nguồn doanh thu vừa tốt cho đất. Phát triển thêm vùng trồng hữu cơ – điều mà cường quốc dừa Ấn Độ mỗi năm cho ra 20 tỷ trái đang làm mạnh.

Thứ hai, đầu tư vào canh tác chính xác. Việc dùng drone và censor để tự động hóa sản xuất có thể tăng năng suất cây trồng lên 30% và giảm sử dụng điện nước 20%. Nông dân và doanh nghiệp cũng nên lưu ý tới các công nghệ 4.0 như blockchain ứng dụng trong truy suất nguồn gốc. Năm 2023, thị trường nước dừa trị giá khoảng 4,2 tỷ USD, nhưng sản phẩm muốn bán được phải minh bạch về nguồn gốc và nuôi trồng có đạo đức.

Cuối cùng, liên kết tốt hơn đơn lẻ, các HTX lúc nào cũng thỏa thuận giá với DN và thương lái tốt hơn từng nông hộ”, ông Lê Hoài Quốc khuyến nghị.

Việt Nam đang đấu sòng phẳng với người Thái ở thị trường Trung Quốc

Trung Quốc và Mỹ luôn là 2 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, ở mảng xuất khẩu dừa và các sản phẩm liên quan cũng thế. Tuy nhiên, dù đã có rất nhiều cố gắng, song các sản phẩm của dừa Việt Nam – từ dừa tươi cho đến chế biến đều đang lép vế trước Thái Lan ở tất cả các thị trường.

Thái Lan – Indonesia đang là bá chủ trong ngành nhập khẩu dừa tại thị trường Trung Quốc, nhưng với việc Việt Nam đã chính thức được nhập khẩu chính ngạch vào đây, thì tương lai chưa biết ‘mèo nào cắn mỉu nào’.

tt2.jpeg
tt3.jpeg
T&T đang chuẩn bị những lô dừa tươi đầu tiên để xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc.

Với ngành công nghệ chế biến mạnh, Trung Quốc thường không nhập sản phẩm đã qua chế biến mà thường nhập nguyên liệu tươi – ví dụ như trong ngành dừa. Theo Hải quan Trung Quốc, dù nhu cầu về dừa và các sản phẩm dừa của họ rất lớn, nhưng Hải Nam chỉ cung cấp được 10% sản lượng, nên hàng năm Trung Quốc phải nhập khẩu 4 tỷ trái dừa, trong đó có khoảng 2,6 tỉ dừa tươi, còn lại phục vụ chế biến.

Cụ thể hơn, trong giai đoạn 2019 - 2023, nhập khẩu dừa của nước này tăng trưởng bình quân 22,71%/năm; trong 2 năm 2022 và 2023, lượng dừa nhập khẩu liên tục đạt mức cao kỷ lục, lần lượt là 1,095 triệu tấn và 1,22 triệu tấn.

Còn trong 7 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu dừa của nước này đạt 492,32 nghìn tấn, trị giá 249,95 triệu USD, giảm 29,7% về lượng và giảm 33,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc nhập khẩu dừa từ 7 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, đang chiếm 96,51% thị phần.

Việt Nam là nguồn cung dừa lớn thứ 3 cho Trung Quốc, đạt trên 111,1 nghìn tấn; đứng thứ hai là Thái Lan với 158,5 nghìn tấn và đứng nhất là Indonesia 205,4 nghìn tấn. Đây là những thống kê khi Việt Nam chưa được cấp phép nhập khẩu dừa tươi chính ngạch.

Nói về khả năng cạnh tranh của dừa tươi Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, CEO T&T cho hay: Trái dừa tươi xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu là giống dừa xiêm, còn Thái Lan xuất khẩu chủ yếu giống dừa dứa. Dừa dứa có kích cỡ lớn nhưng độ đường cao, vị thơm nồng. Trong khi đó, dừa xiêm có vị ngọt thanh hơn nên uống vào thấy mát hơn. 

Gian nan thị trường Mỹ

Cũng như vậy, ở thị trường Mỹ, thương hiệu dừa Thái cũng đang rất mạnh. Cuộc chiến của DN Việt Nam tại đây sẽ gian nan hơn Trung Quốc, bởi chúng ta vẫn đang yếu hơn người Thái trong công nghệ chế biến – bảo quản – logistics, những thứ quyết định thành bại khi xuất khẩu trái cây sang thị trường xa và khó như Mỹ.

dua-my1(1).jpeg
Dừa 'kim cương'

Ngoài Trung Quốc, thì các thị trường khác cũng có nhu cầu lớn với dừa Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ… Trước đây, tất cả đều xuất theo dạng dừa ‘kim cương’ - tức là gọt phần vỏ xanh ở ngoài chỉ còn phần xơ lõi trắng được gọt theo hình kim cương.

Trong tất cả, Thái Lan chính là đối thủ lớn nhất của ngành dừa Việt Nam. Chúng ta đang cạnh tranh trực tiếp với người Thái trên các kệ hàng ở Mỹ, châu Âu, Úc… Hiện tại, dừa Thái vẫn nhỉnh hơn dừa Việt Nam một chút về giá và sự ưa chuộng của người tiêu dùng bởi họ đã có danh tiếng từ lâu ở các thị trường này”, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.

Trong tất cả, Mỹ đang là thị trường khiến các DN xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam đau đầu nhất. Trước năm 2022, dừa ‘kim cương’ của Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ vẫn còn được xem là trái cây tươi và khá dễ làm. Sau đó, Mỹ cho rằng, phần xơ trắng còn lại của dừa ‘kim cương’ tiềm ẩn có côn trùng, nên không cho xuất nữa.

Sau đó, Chính phủ của cả hai phải ngồi lại đàm phán trong 8 tháng và ra được kết quả là: dừa của Việt Nam không nằm trong danh mục trái cây tươi mà qua phần trái cây đã chế biến và phải gọt gần hết phần xơ trắng - ít nhất 75% vỏ, chỉ để lại phần xọ trong cùng. 

Trước năm 2022, mỗi tháng, T&T xuất dừa tươi qua Mỹ trung bình 20 container và có tháng tới 40. Hiện chúng tôi đang quay lại thị trường Mỹ, nhưng với những quy định mới, lần này sẽ không dễ như trước 2022, vì sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong vấn đề bảo quản. Mã số vùng trồng mới được áp dụng cho thị trường Trung Quốc, chưa áp dụng cho thị trường Mỹ”, CEO T&T khẳng định.

Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong 8 tháng đầu năm 2024, Mỹ đã chi 47,35 triệu USD để nhập khẩu khoảng 44.910 tấn dừa tươi đã bóc vỏ hoặc chưa bóc vỏ (trừ phần vỏ bên trong).

Theo đó, Mỹ nhập khẩu dừa từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với nguồn cung chủ yếu đến từ Mexico, Thái Lan, Việt Nam, Costa Rica...Mỹ đã nhập khẩu 10.970 tấn dừa từ Thái Lan – tương đương thị phần 24,4%; nhập khẩu 3.860 tấn dừa của Việt Nam – tương đương thị phần 8,59%.

Trong một sự kiện năm 2022, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng: nếu Chính phủ chúng ta đàm phán để quay lại được như trước 2022 thì tốt, nếu không thì các DN cũng cần phải tuân thủ, vì ‘Thái Lan họ vẫn xuất khẩu dừa bị gọt tới tận sọ được thì sao Việt Nam lại không?’. Nếu họ làm được mà chúng ta không làm được, tức công nghệ bảo quản của mình không bằng họ.

Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng, các DN xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam đang thiếu trầm trọng các công nghệ bảo quản và vận chuyển tốt. Với những thị trường xa và khó tính như Mỹ - châu Âu, đây là vấn đề sống còn! Bởi nếu chỉ cần lúc tới nơi, 1 thùng dừa khô mọc mầm hoặc dừa tươi bị mốc, thì đối tác sẽ trả về Việt Nam cả container chứ họ không coi từng thùng.

tt.jpg
Ông Nguyễn Đình Tùng – CEO T&T

Hiện tại, mỗi DN Việt Nam dùng 1 công nghệ bảo quản – hóa chất và logistic khác nhau, không ai giống ai, tùy vào loại công nghệ mà họ tiếp cận được cũng như khả năng tài chính.

T&T luôn bảo đảm nhiệt độ tầm 2 độ C trong các container dừa tươi của mình khi xuất khẩu sang Mỹ, nhưng có DN thì chọn 3 độ và thông gió khoảng 20%. Có DN thậm chí còn cài censor vào các container để theo nhiệt độ - độ ẩm, khi đến nơi thì đối tác sẽ gửi lại các censor theo đường hàng không về lại Việt Nam.

Có công nghệ bảo quản dừa được 1 tháng, có công nghệ đến 2 - 3 tháng. Nói chung là ai bảo quản được dài lâu thì dễ bán và được khách hàng ưa chuộng hơn. Có thể nói, DN nào áp dụng được tiến bộ công nghệ tốt hơn thì sẽ thắng lớn.

Như đã nói ở trên, tùy theo từng công ty áp dụng công nghệ - kỹ thuật khác nhau, thì bảo quản lạnh cũng khác nhau, không ai giống ai, nên không nên đi theo người khác. Với các DN mới thì phải có sự khảo sát - ít nhất 3 tháng, rồi mới tính đến chuyện xuất khẩu và nếu có thể, thì nên mua bảo hiểm cho các lô hàng dừa tươi xuất khẩu.

Trên thị trường, tôi từng thấy một vài DN nhỏ xuất dừa qua Mỹ - châu Âu và sau khoảng 20 ngày, nó đã lên mốc không thể bán được. Có DN thì dùng lưu huỳnh để bảo quản dừa tươi, khiến khi mở kho ra mùi bốc lên nồng nặc, chảy cả nước mắt. Có DN thì dùng hóa chất bảo quản khiến mái tôn – kèo cột trong nhà kho rỉ sét nhanh chóng chỉ sau 6 tháng, vì như chúng ta biết, hóa chất có tính axit ăn mòn rất mạnh. Nên khi làm kho, chúng ta nên cân nhắc về cơ sở hạ tầng kỹ càng”, CEO T&T nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Dừa Việt - ‘Ngôi sao mới nổi’ trong CLB xuất khẩu nông sản tỷ đô: Đấu tay bo với dừa Thái ở xứ Trung, vượt ngàn chông gai chinh phục thị trường Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO