Dự kiến sáp nhập, một địa phương mới sẽ có 2 sân bay, loạt cảng biển quan trọng

Dy Khoa | 12:58 02/04/2025

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, việc sáp nhập này là cơ hội lịch sử để xây dựng một trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu của khu vực.

Dự kiến sáp nhập, một địa phương mới sẽ có 2 sân bay, loạt cảng biển quan trọng

Đà Nẵng-Quảng Nam sẽ trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ tỉnh Quảng Nam, chiều 29/3, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thông tin những định hướng về sắp xếp, tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18. 

Đối với Quảng Nam và Đà Nẵng, trong lịch sử, hai địa phương vốn là một nên việc hợp nhất hai địa phương cũng phù hợp nhằm mở rộng không gian phát triển, cùng nhau tạo ra sức mạnh phát triển mới. 

Theo Báo điện tử Chính phủ, Tổng Bí thư đã nêu một số gợi ý, định hướng xây dựng Đà Nẵng-Quảng Nam mới bảo đảm trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam và là một trong những thành phố có năng lực cạnh tranh cao của quốc gia và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Một Đà Nẵng-Quảng Nam mới cần định vị không chỉ là trung tâm kinh tế-xã hội của miền Trung, mà còn thể hiện vai trò tiên phong trong quá trình phát triển hiện đại.

Cũng tại buổi làm việc trên, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng báo cáo GRDP giai đoạn 2012-2025 ước tăng 6,8%/năm; dự kiến quý 1/2025 tăng trưởng trên 11%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2025 ước đạt 5.007 USD. 

Còn Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết nêu, giai đoạn 2020 - 2025, GRDP (giá so sánh 2010) tăng trưởng bình quân của Quảng Nam khoảng 4,6%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước tỉnh hơn 134.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 2,0%/năm, trong đó thu nội địa tăng khoảng 2,8%/năm. 

Quy mô nền kinh tế (giá hiện hành) năm 2025 ước tính đạt hơn 147.000 tỷ đồng, tăng 48.600 tỷ đồng so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người năm 2025 khoảng 96 triệu đồng, tăng 30 triệu đồng so với năm 2020. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,56%...

2022-11-04-09-14-02-543-min.jpg

TP Đà Nẵng và Quảng Nam là hai địa phương giáp ranh nhau, thuộc miền Trung nước ta. Trước đây, Quảng Nam - Đà Nẵng (hay còn gọi là tỉnh Quảng Đà) là một tỉnh, tồn tại từ năm 1975 đến năm 1996. Đến năm 1996, Quốc hội khóa 9 ra Nghị quyết chia tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng để tái lập tỉnh Quảng Nam và thành lập TP Đà Nẵng trực thuộc trung ương.

Đà Nẵng là mắt xích chiến lược trên Hành lang kinh tế Đông - Tây

Sau gần 30 năm, cả hai địa phương đều có những bước tiến vượt bậc về kinh tế, trong đó có cơ sở hạ tầng.

Với hạ tầng giao thông, Đà Nẵng sở hữu đầy đủ 4 loại hình là đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường thủy, tạo lợi thế đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm giao thương, du lịch, logistics của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Đà Nẵng có hệ thống cảng biển nước sâu thuận lợi, đó là cảng Tiên Sa, cảng Thọ Quang và đang tiếp tục đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu. Lợi thế này đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm vận tải hàng hải lớn của Việt Nam; là đầu mối logistics quan trọng, mắt xích chiến lược trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng là sân bay lớn thứ 3 cả nước, hàng ngày đón hàng trăm chuyến bay từ khắp nơi trên thế giới. Song song với đó, nhiều tuyến đường bộ huyết mạch như cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng, Đà Nẵng - La Sơn; các tuyến đường quốc lộ 1A, 14B, 14G đi qua Đà Nẵng được đầu tư, nâng cấp đã kết nối thuận tiện Đà Nẵng với khu vực.

Quảng Nam hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Còn theo quy hoạch Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ 5 loại hình giao thông theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng quy hoạch quốc gia; bảo đảm kết nối nội vùng và liên vùng theo các trục hành lang kinh tế ven biển, Hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối đồng bộ với cả nước và liên thông quốc tế.

tam-ky-18-1-.jpg

Lấy các đầu mối giao thông Cảng hàng không Chu Lai, cảng biển Quảng Nam, cửa khẩu quốc tế Nam Giang làm trọng điểm; sớm khắc phục yếu kém của các trục quốc lộ kết nối Đông - Tây như 14D, 14B, 14E, 40B, 14G và hoàn thiện các trục kết nối Bắc - Nam.

Quảng Nam sẽ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm 3 tuyến cao tốc với tổng chiều dài qua địa bàn khoảng 234,9 km, tăng thêm 143,6 km.

Đầu tư, nâng cấp 10 tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên mở rộng và phát triển thêm các trục giao thông theo hướng vận tải hàng hóa có khối lượng lớn trên trục hành lang kết nối Đông - Tây, gắn với với các trục đường Bắc - Nam để hình thành mạng lưới giao thông trọng yếu liên kết vùng từ đồng bằng đến miền núi, kết nối thông suốt giữa Khu kinh tế mở Chu Lai với Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Nam Giang và khu vực Tây Nguyên.

Cùng đó, tỉnh này đã có chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Chu Lai đáp ứng tiêu chí cảng hàng không quốc tế của vùng đạt cấp 4F, là trung tâm công nghiệp - dịch vụ hàng không quốc tế với các hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa; sửa chữa bảo dưỡng các loại máy bay, thiết bị bay; gắn kết với khu phi thuế quan, hình thành trung tâm sản xuất, chế tác, gia công các sản phẩm công nghệ cao, tăng giá trị xuất nhập khẩu bằng đường hàng không.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Dự kiến sáp nhập, một địa phương mới sẽ có 2 sân bay, loạt cảng biển quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO