Dự kiến làm đường ven sông Sài Gòn - Đồng Nai trước năm 2030

Tiểu Bảo | 11:32 14/02/2025

Việc quy hoạch đường ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có ý nghĩa quan trọng nhằm khai thác tiềm lực về kinh tế ven sông, cảng, du lịch, giao thông thủy.

Dự kiến làm đường ven sông Sài Gòn - Đồng Nai trước năm 2030

Theo Sở Giao thông vận tải Tp.HCM, hiện đường ven sông Sài Gòn đã được thể hiện trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và Quy hoạch Tp.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Thời gian tới, UBND Tp.HCM sẽ chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch và quy chế phối hợp triển khai đầu tư đường ven sông Sài Gòn – Đồng Nai trong giai đoạn 2025-2030 để tăng cường kết nối giao thông, giảm ùn tắc giao thông, đồng thời phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và du lịch sinh thái giữa các địa phương.

Sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn thành phố Biên Hòa có chiều dài khoảng 4km. Với đặc điểm chảy xuyên qua lòng đô thị Biên Hòa, sông Đồng Nai từ lâu đã được đánh giá là trục chính để phát triển hạ tầng, cảnh quan, tạo động lực phát triển kinh tế và đô thị ven sông với quy mô ngày càng lớn trong thời gian tới.

c5556.jpg
Đường ven sông Sài Gòn - Đồng Nai dự kiến làm trước năm 2030. 

Trong phê duyệt quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, phương án liên kết không gian của tỉnh Đồng Nai được xây dựng trên cơ sở phát triển 6 hành lang và 3 vành đai.

Theo quy hoạch, Đồng Nai sẽ phân 5 vùng du lịch gồm: vùng du lịch Biên Hòa - sông Đồng Nai; vùng du lịch, vui chơi, giải trí kết hợp mua sắm thuộc Nhơn Trạch - Long Thành; vùng du lịch sinh thái Tân Phú - Vĩnh Cửu - Định Quán - Trảng Bom; vùng du lịch văn hóa tín ngưỡng - du lịch nông nghiệp Long Khánh - Xuân Lộc - Cẩm Mỹ - Thống Nhất; vùng du lịch hồ Trị An.

Trong đó, khu vực hành lang sông Đồng Nai sẽ lấy sông Đồng Nai làm trục phát triển kinh tế năng động của tỉnh. Kế thừa, duy trì, tối ưu hóa cấu trúc mạng lưới kênh rạch ven sông Đồng Nai; xây dựng tuyến đường ven sông; xúc tiến xây dựng các cầu qua sông liên kết mạnh mẽ với Tp.HCM và tỉnh Bình Dương.

Đồng thời, bảo vệ và phát triển cân bằng, hợp lý cảnh quan xanh toàn tuyến ven sông kết hợp các mô hình phát triển dịch vụ, đô thị, du lịch sinh thái có chọn lọc. Liên kết hài hòa tuyến cảnh quan ven sông với tuyến TOD liên đô thị. Phát triển giao thông đường thủy phục vụ du lịch và dân dụng, cùng các hoạt động vui chơi giải trí nước đa dạng.

Như vậy, quy hoạch phát triển du lịch đường sông Đồng Nai là phát huy lợi thế của hệ thống kênh, rạch từng bước hình thành lên những khu đô thị sông nước để khai thác du lịch. Với vai trò là hạt nhân trong liên kết du lịch vùng, tỉnh tập trung phát triển du lịch đường sông làm cơ sở để Tp.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai cùng nhau khai thác tiềm năng này, qua đó tạo nên những giá trị mới cho ngành du lịch vùng Đông Nam bộ

Hiện nay, phía Tp.HCM đã có quy hoạch, hình thành nhiều dự án dọc sông. Tuy nhiên, phía Đồng Nai vẫn còn khiêm tốn. Trước đó, theo UBND Tp.HCM, thành phố sẽ ưu tiên đầu tư làm đường ven sông kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ. Trong đó, đường ven sông Sài Gòn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (DT789) đang được đầu tư, dự kiến đưa vào khai thác năm 2025. Còn đường ven sông Sài Gòn – Đồng Nai được Tp.HCM dự kiến đầu tư trước năm 2030.

Theo Tp.HCM, việc làm đường ven sông Sài Gòn để kết nối với vùng Đông Nam bộ sẽ mở ra hướng mới để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điểm nhấn về cảnh quan sông nước, phát triển du lịch, dịch vụ ven sông, phát triển kinh tế ven sông. Đồng thời, khai thác các quỹ đất dọc sông Sài Gòn, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương phục vụ tái đầu tư, phát triển.

Ngoài ra, đường ven sông Sài Gòn kết nối với các tuyến vành đai 2, vành đai 3 và vành đai 4 và các tuyến cao tốc khác của phía Nam sẽ góp phần tang cường liên kết giữa các địa phương, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông liên vùng phía Nam.


(0) Bình luận
Dự kiến làm đường ven sông Sài Gòn - Đồng Nai trước năm 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO