Các ông lớn bất động sản rục rịch dự án mới
Năm 2023 dự báo nguồn cung bất động sản tiếp tục khan hiếm. Tuy vậy, nếu đầu năm thị trường im ắng vì chủ đầu tư nghe ngóng, lùi lịch mở bán thì từ giữa năm 2023 nguồn cung bất động sản có dấu hiệu hồi phục. Các tín hiệu bung dự án của một số doanh nghiệp cho thấy, từ nay đến cuối năm, thị trường bất động sản có thể tạo điểm nhấn mới.
Đáng chú ý, thời điểm này thị trường tiếp tục ghi nhận động thái bung hàng từ các doanh nghiệp quy mô lớn trên thị trường bất động sản phía Nam.
Chẳng hạn, mới đây, Nam Long Group cho biết, trong quý 2/2022, doanh nghiệp sẽ giới thiệu dòng sản phẩm nhà ở xã hội EHomeS Cần Thơ thuộc khu đô thị tích hợp Nam Long II Central Lake, giá khoảng từ 620 triệu/ căn (đã gồm VAT). Cùng với đó, khu đô thị Izumi City tại Biên Hoà, Đồng Nai của đơn vị này cũng đang triển khai ra thị trường.
Vạn Phúc Group cũng đang chuẩn bị các công tác cuối cùng để bung dòng sản phẩm căn hộ cao cấp tại khu đô thị Vạn Phúc City (Tp.Thủ Đức, Tp.HCM). Giá căn hộ này dự kiến khoảng trên dưới 100 triệu đồng mỗi m2.
Hưng Thịnh Land cũng rục rịch giới thiệu dự án 9X An Sương tại khu Tây Bắc Tp. HCM ra thị trường. Dự án có quy mô hơn 9ha, với gần 800 căn hộ từ 1 tới 3 phòng ngủ.
Theo thông tin từ chủ đầu tư Phú Đông Group, doanh nghiệp đang chuẩn bị bung thị trường dự án mới là Phú Đông SkyOne tại Dĩ An, Bình Dương. Dự án thuộc phân khúc giá trung cấp trên dưới 1.5 tỉ đồng/căn.
Mới đây, Tập đoàn BĐS Thắng Lợi ra mắt dự án The Diamond City tại Long An. Dự án có gần 600 sản phẩm bất động sản thấp tầng.
Tương tự, Cát Tường Group công bố dự án Cát Tường Park House tại thị xã Chơn Thành (Bình Phước). Dự án có quy mô 8,3ha với mức đầu tư lên tới 22 triệu USD. Đây cũng là nguồn cung mới tinh tại thị trường khu vực này thời điểm đầu năm 2023.
Tín hiệu “đảo chiều”?
Ghi nhận cho thấy, suốt thời gian qua, thị trường bất động sản khu vực phía Nam khá trầm lắng về cả nguồn cung lẫn giao dịch. Thời điểm cuối năm 2022, một số ông lớn có kế hoạch chào bán dự án mới. Tuy nhiên, sau đó, các chủ đầu tư hoãn lại, chờ thêm các tín hiệu của thị trường bất động sản.
Đến nay, mặc dù thị trường còn nhiều thách thức, khó khăn, nhưng động thái ra hàng của các chủ đầu tư cho thấy nhưng điểm lạc quan, ít nhất là về nguồn cung. Đại diện một doanh nghiệp địa ốc chia sẻ, nếu cứ chờ thị trường thì rất khó cho doanh nghiệp. Việc đưa sản phẩm ra thị trường trong bối cảnh khó khăn về nguồn cầu như hiện nay, bản thân doanh nghiệp không kì vọng quá nhiều vào giao dịch. Thế nhưng, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều hi vọng sức cầu sẽ ổn định dần vào cuối năm nay. Khi đó, các chính sách tín dụng, lãi suất và tâm lý thị trường sẽ dần ổn định.
Hơn nữa, các thông tin về dòng vốn tín dụng, các cuộc họp gỡ khó gần đây của Chính Phủ phần nào thấy được sự lạc quan trong tâm lý nhà đầu tư. Đáng chú ý, mới đây, 12 nhà băng đưa ra cam kết giảm lãi suất cho vay. Dù chưa kì vọng quá nhiều vào việc tác động mạnh đến thị trường bất động sản nhưng ít ra, đây là các thông tin tích cực ở thời điểm này.
Hay, những thông tin về nguồn cung nhà ở xã hội tăng cường thời gian gần đây dự báo sẽ khơi thông thanh khoản thị trường bất động sản. Bộ Xây dựng đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 trên cả nước hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Giai đoạn 2021-2025, Bộ Xây dựng xác định mục tiêu 570.000 căn nhà ở xã hội. Đây sẽ là chìa khoá để giải bài toán thanh khoản cho thị trường. Phân khúc bình dân và trung cấp sẽ được quan tâm và phát triển mạnh mẽ bởi loại hình luôn có nhu cầu cao trên thị trường.
Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho hay, mặc dù thị trường bất động sản vừa trải qua một quãng thời gian đầy khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, thị trường năm 2023 có rất nhiều điều kiện, cơ hội để phát triển an toàn, lành mạnh. Những tín hiệu về nguồn cung ra thị trường cũng cho thấy, các chủ đầu tư đã nắm rõ tâm lý người mua, đón nhịp phục hồi của thị trường trong giai đoạn sắp tới.
Tuy vậy, theo bà Dung, thị trường bất động sản cũng cần được giải phóng khỏi những vướng mắc về pháp lý, chính sách cơ chế. Việc thành lập Tổ công tác để khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản cũng như những chính sách được ban hành trong thời gian tới sẽ giúp cho các địa phương, các doanh nghiệp xử lý được các tồn tại, khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản trong thời gian qua, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, xây dựng nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
“Các tháo gỡ này cần được thực thi sớm để thị trường bất động sản tịnh tiến về sự phát triển ổn định, lành mạnh”, bà Dung nhấn mạnh.