Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/10, Dow Jones đã tăng 825,43 điểm, tương đương 2,8% lên 30.316,31 điểm. S&P 500 cũng tăng 112,5 điểm, tương đương 3,06% lên 3.790,93 điểm. Riêng Nasdaq tăng tới 360,97 điểm, tương đương 3,34% lên 11.176,41 điểm.
Đã bán tháo kéo dài trên thị trường tài chính Mỹ đã khiến Dow Jones thủng 29.000 điểm trong phiên giao dịch cuối cùng của quý 3. Tuy nhiên, trong 2 phiên giao dịch đầu tiên của quý IV, sắc xanh đã trở lại với chúng khoán Mỹ.
Đây là phiên tăng liên tiếp thứ 2 của thị trường chứng khoán Mỹ với mức tăng khá ấn tượng. Trước đó, trong phiên giao dịch cuối cùng của quý 3, Dow Jones đã thủng mức 29.000 điểm, rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 - thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát.
Kể từ đáy 28.725,51 điểm được xác lập hôm 30/9, Dow Jones đã tăng 1.600 điểm chỉ trong 2 phiên. Trong phiên giao dịch ngày 3/10, Dow Jones đã đóng cửa với mức tăng 765 điểm.
Đà tăng của ngày 4/10 được nhìn thấy ngay từ đầu phiên. Vào lúc 20h50 theo giờ Hà Nội, Dow Jones đã ghi nhận mức tăng lên tới 630 điểm, tương đương 2,14%.
Không chỉ riêng Dow Jones, S&P 500 cũng tăng 88,87 điểm, tương đương 2,42% trong đầu phiên giao dịch 4/10. Nasdaq tăng 301,82 điểm, tương đương 2,79%. Riêng nhóm 2000 cổ phiếu giá trị vốn hóa nhỏ nhất cũng tăng gần50 điểm, tương đương 2,91%.
Bên cạnh chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng tăng mạnh. DAX của Đức tăng 382,87 điểm, tương đương 3,14%. FTSE 100 của London tăng 157,86 điểm (2,28%), CAC 40 của Pháp tăng 209 điểm (3,61%), Euro Stoxx 50 tăng 117,98 điểm (3,5%). Mức tăng gần 3% cũng được nhìn thấy ở chứng khoán Hà Lan, Tây Ban Nha, Italy….
Cú tăng đầu phiên của chứng khoán Mỹ làm dấy lên hy vọng về một đợt phục hồi mạnh mẽ sau chuỗi ngày bị bán tháo. Nếu mức tăng hiện tại được duy trì tới cuối phiên, S&P 500 sẽ có 2 ngày phục hồi tốt nhất kể từ tháng 3/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát và gây ra đợt bán tháo quy mô lớn.
Trong diễn biến khác, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng đã giảm xuống còn 3,615% so với mức 4% của tuần trước. Thậm chí, có lúc lợi suất này còn giảm xuống dưới 3,6% trong phiên.
Tâm lý tích cực cũng đã tác động tới cổ phiếu của Credit Suisse, nhân vật chính của những đồn thổi đang bao trùm thị trường những ngày qua. Theo đó, cổ phiếu này đã tăng hơn 4%.
Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management, cho biết ông tin rằng S&P 500 đã bị bán quá mức. Bên cạnh đó, áp lực bán cuối quý cũng đã không còn khi bước sang quý mới, điều khiến đà bán tháo được kiềm hãm.
“Trong bối cảnh tâm lý thị trường rất yếu, một đợt phục hồi là hoàn toàn có khả năng. Tuy nhiên, thị trường có thể vẫn tiếp tục biến động trong thời gian tới, chủ yếu liên quan đến lạm phát và chính sách tiền tệ của FED”, ông Haefele nói.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng nhà đầu tư không nên vui mừng quá sớm khi chứng kiến đà tăng đầu tháng 10. Họ nói rằng những cú tăng như thế này hiếm khi đánh dấu sự kết thúc của thị trường gấu.
Dựa vào dữ liệu lịch sử, Nicholas Colas của Data Trek Research nói rằng cú tăng 2,6% của S&P 500 trong phiên hôm qua chưa đủ bền vững. Cụ thể, chỉ số này đã tăng bình quân 6,4% trong phiên sau khi xác lập đáy trong những đợt suy thoái năm 2002, 2009 và 2020. Điều đó cho thấy thị trường cần một số đợt phục hồi mạnh mẽ để vượt qua được khó khăn của năm 2022.
Tham khảo: CNBC