Theo nhà kinh tế từng đạt giải Nobel Paul Krugman, nước Mỹ đang ngày càng tiến gần hơn đến việc vỡ nợ, và trần nợ nên bị bãi bỏ.
“Khả năng chính phủ liên bang sẽ sớm cạn kiệt tiền để có thể duy trì các hoạt động thường ngày đang trở nên rất chân thực”, ông cảnh báo trong 1 bài luận đăng trên tờ New York Times số ra ngày 7/5.
Tuy nhiên, theo Krugman, đừng nhầm lẫn rằng tình hình tài chính của nước Mỹ bết bát như các nước đã bị vỡ nợ, ví dụ như Hy Lạp năm 2009. Thay vào đó, “nếu Mỹ vỡ nợ thì đó là bởi vì các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang cố gắng sử dụng trần nợ như 1 công cụ để yêu sách mà họ không bao giờ có cơ hội làm như vậy trong quá trình hành pháp thông thường”, ông bổ sung thêm.
Krugman còn nhắc lại ý tưởng mà ông đã đề xuất từ lâu: đồng xu 1.000 tỷ USD, thứ có thể giúp chính quyền của Tổng thống Joe Biden tránh được kịch bản vỡ nợ mà tuyệt nhiên sẽ không tạo ra lạm phát.
Cụ thể, Bộ Tài chính có thể sử dụng thẩm quyền của mình để đúc những đồng xu bạch kim (platinum coins), tạo ra đồng xu có mệnh giá 1.000 tỷ USD. Đồng xu này sẽ được gửi tại Cục dự trữ liên bang và sử dụng để thanh toán hóa đơn, tiếp tục thanh toán cho các dịch vụ an sinh xã hội hay chương trình bảo hiểm y tế toàn quốc Medicare.
Với đồng xu 1.000 tỷ USD, chính phủ Mỹ có thể tiếp tục vay mượn nếu như các nhà làm luật không thể giải quyết bất đồng để nâng trần nợ.
Thực ra thì ý tưởng đồng xu nghìn tỷ đã xuất hiện từ năm 2011 và được một số người ủng hộ. Trong khi đó phe phản đối cho rằng ý tưởng này bất khả thi, phi thực tế, hơn nữa có thể khiến lạm phát tăng vọt. Tuy nhiên, Krugman cho rằng Fed chắc chắn sẽ vô hiệu hóa những tác động lên nguồn cung tiền, bằng cách bán bớt lượng trái phiếu khổng lồ đang nắm giữ.
Nước Mỹ đang ngày càng tiến gần hơn đến hạn chót. Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen ước tính chính phủ có thể cạn tiền sớm nhất vào ngày 1/6 tới. Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu các nhà hoạch định chính sách vẫn tiếp tục tranh cãi về các điều kiện nâng trần nợ, nước Mỹ sẽ đối mặt với 1 cuộc khủng hoảng tài chính.
Một ý tưởng khác được Krugman đưa ra là phát hành “trái phiếu bạch kim” (platinum bond) với giá bán cao hơn mệnh giá. Theo ông, nếu làm như vậy Mỹ cũng không phải là nước đầu tiên sử dụng chiêu trò để “bóp méo nợ”. Đến tận năm 2015, một phần nợ của Anh vẫn là những trái phiếu có trả lãi coupon nhưng không bao giờ đáo hạn.
“Có thể bạn sẽ tự hỏi tại sao lại cần trần nợ làm gì nếu như chính phủ có thể thao túng khái niệm nợ. Câu trả lời là chúng ta không nên sử dụng trần nợ, hãy bãi bỏ nó. Chính phủ nên đưa ra những quyết định về chi tiêu và thuế cũng như xem xét các vấn đề tài khóa, thay vì tạo ra thêm 1 điểm nghẽn có thể bị các đảng phái biến thành vũ khí”, ông bổ sung thêm.