Ringgit (tiền tệ của Malaysia) đã tăng lên mức cao nhất trong 30 tháng là 4,1815 ăn 1 USD vào 20/9, kết thúc tuần với tư cách là đồng tiền có hiệu suất cao nhất thế giới, làm dấy lên sự phấn khích cho các thị trường trên toàn thế giới, tờ Malay Mail cho biết.
Theo đó, đồng tiền của Malaysia đã tăng vọt lên mức cao nhất so với đồng bạc xanh kể từ tháng 3 năm 2022, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vượt quá dự báo ban đầu.
Sự gia tăng gần đây nhất chủ yếu là do chính sách cắt giảm lãi suất của Fed. Tuy nhiên, thực tế, ringgit đã mạnh lên so với USD kể từ tháng 1 năm nay, điều mà các nhà phân tích cho là do sự tin tưởng ngày càng tăng của các nhà đầu tư vào nền kinh tế Malaysia khi các khoản đầu tư nước ngoài thúc đẩy nhu cầu về đồng tiền này.
Các cải cách tài chính bao gồm việc hiệu chỉnh lại trợ cấp dầu diesel có thể đảm bảo cam kết của chính phủ trong việc thu hẹp thâm hụt trong khi các kế hoạch kinh tế lớn như Lộ trình chuyển đổi năng lượng và Kế hoạch tổng thể công nghiệp mới đã thúc đẩy dòng vốn chảy vào các công ty trong nước.
Bloomberg đưa tin vào tháng trước rằng các quỹ toàn cầu đã đổ gần nửa tỷ ringgit vào cổ phiếu Malaysia tính đến tháng 8 năm nay.
Một số nhà phân tích cũng cho rằng hiệu suất mạnh mẽ của đồng tiền này là nhờ sự lãnh đạo chính trị ổn định. Một chính phủ ổn định đồng nghĩa các nhà đầu tư không cần lo lắng về sự gián đoạn các chính sách và dự án khi họ lập kế hoạch đầu tư.
Hiệu suất của ringgit là một bất ngờ đối với các nhà phân tích vì nó nằm trong số các loại tiền tệ hoạt động kém trong năm 2023. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Malaysia vẫn khẳng định rằng sự sụp đổ của ringgit vào năm ngoái không phản ánh sức mạnh thực sự của nền kinh tế Malaysia và họ đã dự đoán rằng đồng tiền này sẽ cải thiện vào năm nay.
Đồng tiền này đã hoạt động tốt so với một rổ các loại tiền tệ chính, bao gồm đồng euro và đô la Singapore. Đồng tiền này cũng tăng hơn 12 phần trăm so với đô la Canada, gần 9 phần trăm so với đồng yên Nhật và hơn 5 phần trăm so với đô la Úc, cùng nhiều đồng tiền khác.
Có kích thích từ chính sách mới của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc
Cũng theo Malay Mail, nguyên nhân ringgit tăng giá còn do các biện pháp kích thích đáng kể do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố.
Đánh dấu ringgit là đồng tiền hoạt động tốt nhất trong khu vực trong năm nay, hướng tới hiệu suất mạnh nhất kể từ năm 2017.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp và hỗ trợ tiền tệ rộng rãi cho thị trường bất động sản, dẫn đến sự phục hồi của cả cổ phiếu Trung Quốc và đồng nhân dân tệ, đạt mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2023.
“Các biện pháp kích thích đã tác động đến các loại tiền tệ châu Á, rộng hơn ngoài đồng nhân dân tệ”, Michael Wan, một nhà phân tích tiền tệ cấp cao tại MUFG, được Reuters trích dẫn lời
Ông lưu ý rằng các loại tiền tệ châu Á khác có liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc, như ringgit, đã được hưởng lợi từ những diễn biến này.
Sáng 25/9, ringgit tiếp tục đà tăng so với USD khi mở cửa phiên giao dịch hôm nay, vượt qua mức RM4,14 của tháng 11 năm 2021. Theo đó, tính đến 8 giờ sáng 25/9, ringgit được giao dịch ở mức 4,1490/4,1600 so với USD, cải thiện so với mức đóng cửa của thứ Ba là 4,1550/4,1605, theo Business Today (Malaysia).
Ai sẽ được hưởng lợi từ đợt tăng giá của đồng ringgit?
Chủ yếu là các nhà nhập khẩu giao dịch nhiều bằng USD như ngành công nghiệp ô tô, vận tải, tiêu dùng, truyền thông, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thậm chí cả thực phẩm - đồ uống.
AmInvestment Bank Research cho biết trong một lưu ý ngày 2/8 rằng đồng ringgit mạnh hơn có thể làm giảm chi phí cho hàng hóa nhập khẩu được định giá bằng USD mặc dù phải mất vài tháng trước khi tác động tích cực được cảm nhận vì không được định giá theo tỷ giá thị trường giao ngay.
Đồng ringgit mạnh cũng sẽ giảm bớt một số áp lực cho các công ty có khoản nợ lớn bằng USD. Mặt trái là đồng ringgit mạnh hơn sẽ khiến các nhà xuất khẩu Malaysia kém hấp dẫn hơn đối với người mua.
Hồi tháng 10 năm ngoái, tờ Straits Times (Singapore) chạy dòng tít "Ringgit giảm xuống mức thấp nhất trong 25 năm, là đồng tiền hoạt động kém nhất ở châu Á sau đồng yên vào năm 2023".
Khi đó, đồng ringgit Malaysia đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, đồng tiền này chịu sức ép từ sự tăng giá của đồng USD và chênh lệch tỷ giá ngày càng lớn.