Theo hãng tin CNBC, công ty xe điện Rivian Automotive đã phải sa thải 6% lao động của mình để duy trì ngân sách cho cuộc chiến dìm giá được khơi mào bởi Tesla.
Hãng Rivian đã có đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) rất thành công vào năm 2021 với 12 tỷ USD gọi vốn. Thế nhưng kể từ đó đến nay, doanh nghiệp này đã mất gần 90% giá trị vốn hóa, khiến ban lãnh đạo phải suy nghĩ lại về kế hoạch mở rộng trong bối cảnh cần có lợi nhuận.
Tính đến cuối tháng 9/2022, công ty này có khoảng 13,8 tỷ USD tiền mặt và lỗ đến 5 tỷ USD trong 3 quý đầu năm trước. Vào tháng 12/2022, Rivian cũng cho biết hãng không thể đạt mức sản lượng mục tiêu 25.000 chiếc cho cả năm.
Hiện công ty này có khoảng 14.000 lao động và đợt sa thải trên sẽ tương đương khoảng 840 nhân viên bị đuổi việc.
Hãng tin CNBC nhận định đây là bằng chứng mới nhất cho thấy cuộc chiến dìm giá của Tesla đang có tác động tiêu cực đến ngành xe điện.
Lấy thịt đè người
Đồng quan điểm, hãng tin Reuters nhận định Tesla đang dựa vào vị thế dẫn đầu thị trường xe điện cũng như nguồn lợi nhuận khổng lồ từ đó để dùng làm vũ khí tấn công, dìm giá đối thủ.
Theo Reuters, Tesla đang dẫn đầu thị trường về mức lợi nhuận bình quân trên mỗi chiếc xe điện bán ra. Số liệu quý III/2022 cho thấy đế chế nhà Elon Musk kiếm được 15.653 USD lợi nhuận ròng bình quân mỗi chiếc xe được bán, cao gấp đôi so với Volkswagen, gấp 4 lần so với Toyota và 5 lần so với Ford.
Chính điều này đã làm nên lợi thế cực lớn cho Elon Musk khi quyết định dùng đòn dìm giá để đè bẹp những người chơi mới tham gia thị trường. Theo Reuters, động thái này đã ảnh hưởng mạnh đến chiến lược ưu tiên lợi nhuận hơn là mở rộng sản lượng của các hãng như GM, vốn đã thực hiện từ sau cuộc khủng hoảng 2008 và tăng cường trong đại dịch, trên thị trường xe hơi.
Để có thể hạ chi phí sản xuất xuống hơn nữa, Tesla đã đầu tư mạnh tay cho công nghệ sản xuất như áp dụng các khuôn đúc khung lớn thay cho việc sản xuất từng bộ phận nhỏ. Hãng cũng mua lại các nhà máy sản xuất ắc quy cùng nhiều công ty cung ứng linh kiện khác trong chuỗi cung ứng, qua đó chuẩn hóa được chất lượng, thiết kế cho việc sản xuất số lượng lớn.
Trên thực tế, chiến lược áp dụng lợi thế chi phí sản xuất để dìm giá không hề mới trong ngành xe hơi.
Nhà sáng lập Henry Ford đã từng giảm giá mẫu Model T của mình vào đầu thế kỷ 20 khi cuộc cải tiến quy trình sản xuất của ông làm gia tăng được sản lượng. Trong thập niên 1980-1990, Toyota đã cắt giảm được chi phí nhờ quy trình sản xuất tinh gọn, đúng thời gian và địa điểm (Lean Production System), nhờ đó tạo được mức giá cạnh tranh với những đối thủ Mỹ.
Tuy nhiên, yếu điểm của quy trình sản xuất tinh gọn trên là rất dễ bị tổn thương khi chuỗi cung ứng toàn cầu gặp sự cố. Bất chấp điều đó, hãng tin Reuters nhận định hiện Toyota đang phải thúc đẩy lại chiến lược này trước sức ép từ Tesla.
Trước đó trong năm 2022, cầu vượt cung trên thị trường xe điện đã thúc đẩy hàng loạt hãng xe tham gia thị trường, trong khi nhiều mẫu xe tăng giá vì cầu quá lớn. Ví dụ như Ford đã phải tăng giá bán xe bán tải điện F150 của mình thêm 40% trong năm qua.
Vinfast cũng sẽ giảm giá?
Theo Reuters, năm 2023 sẽ là năm được ăn cả ngã về không của ngành xe điện khi hàng loạt hãng tham chiến, chấp nhận đốt lợi nhuận để mở rộng thị phần. Tuy nhiên chính điều này lại khiến cung dần vượt cầu và đây là lúc người tiêu dùng sẽ phải lựa chọn thương hiệu nào được sống sót.
Trả lời hãng tin Reuters, chuyên gia Warren Browne của ngành xe điện dự đoán nhu cầu thị trường Bắc Mỹ sẽ đạt 2,8 triệu chiếc/năm tính đến năm 2026. Tuy nhiên tại thời điểm này, sản lượng các nhà máy ô tô điện ở Bắc Mỹ đã lên tới hơn 4,5 triệu chiếc/năm.
Tại Trung Quốc, việc chính phủ chấm dứt các khoản hỗ trợ ngành xe điện sẽ nhanh chóng khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành lao vào cuộc chiến dìm giá với Tesla khi Elon Musk đã giảm giá tới 2 lần tại đây trong năm 2022.
“Tesla đã lựa chọn đòn đánh mạnh tay, lấy thịt đè người để bắt nạt người chơi mới, qua đó đẩy những doanh nghiệp có mức lợi nhuận biên kém ra khỏi thị trường xe điện. Miếng bánh thị trường khá lớn nhưng cũng có quá đông người tham gia, bởi vậy càng ít người chơi thì kẻ thắng mới có cơ hội tăng lợi nhuận”, chuyên gia Bill Russo của hãng tư vấn Automobility tại Thượng Hải nhận định.
Thương hiệu xe điện Xpeng tại Trung Quốc từng hưởng lợi vì mức giá quá cao của Tesla thì nay cũng phải giảm giá để giữ chân khách hàng, thế nhưng tình hình tài chính của công ty này thì không được ổn.
Báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận ròng trên bình quân mỗi chiếc xe bán ra quý III/2022 của Xpeng chỉ vào khoảng 4.565 USD/chiếc, còn nếu tính lợi nhuận thuần (Net Profit) thì công ty này lỗ 11.375 USD cho mỗi sản phẩm bán ra.
“Chúng tôi hy vọng nhiều người hơn nữa sẽ tiếp cận sản phẩm của công ty khi hãng đã hạ giá”, thông cáo của Xpeng ghi rõ.
Tương tự, Vinfast của Việt Nam cũng cho biết sẽ sử dụng chiến lược giá để đấu lại Tesla.
Trái ngược lại, hãng xe điện hàng đầu Trung Quốc là BYD đã tuyên bố nâng giá sản phẩm kể từ ngày 1/1/2023 sau khi nước này chấm dứt những ưu đãi cho ngành ô tô điện.
Mặc dù BYD chưa có động thái gì đáp trả đòn dìm giá của Tesla nhưng với mức lợi nhuận ròng 5.456 USD/chiếc xe bán ra, công ty này chắc chắn còn nhiều dư địa để tham chiến hơn Volkswagen, GM hay Toyota.
*Nguồn: CNBC, Reuters