Doanh nghiệp tuyên bố “hết tiền” - ngân hàng “ngồi trên lửa”

Hồng Minh | 17:21 27/02/2023

Cho dù các khoản vay chưa đến lúc đáo hạn, việc doanh nghiệp tuyên bố “hết tiền” và không thể trả nợ gốc, lãi trái phiếu - cũng có thể đẩy ngân hàng vào rủi ro, buộc họ phải hành động ngay lập tức.

Doanh nghiệp tuyên bố “hết tiền” - ngân hàng “ngồi trên lửa”
Trong bất kỳ hợp đồng cấp tín dụng nào cũng đều có điều khoản gọi là Vỡ nợ chéo (cross default)

Nội dung chính:

  • Một loạt doanh nghiệp tuyên bố hoãn thanh toán tiền gốc/lãi trái phiếu khi đến hạn.
  • Các sự kiện tín dụng (credit event) tác động trực tiếp tới các ngân hàng - chủ nợ của các doanh nghiệp.
  • Các ngân hàng phải thắt chặt quản lý rủi ro, tăng chi phí trích lập dự phòng. 

Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố danh sách 54 doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn. Trong số này có những doanh nghiệp từng huy động trái phiếu quy mô lớn như Công ty Đầu tư Quang Thuận, Công ty Sunny World, Tập đoàn Đầu tư An Đông, Bông Sen...

Đặc biệt rất nhiều doanh nghiệp trong số này kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản như Novaland, Hải Phát, Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Nam Land, Đầu tư LGD, Danh Khôi, Hưng Thịnh Incons, Bất động sản Hà An, Apec Land Huế, Đất xanh Miền Nam, Sunny World, Gotec Land…

Ước tính của FiinRatings cho thấy giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 ở vào khoảng gần 158.000 tỷ đồng. 

Với nhiều biến cố bất lợi về tình hình kinh tế vĩ mô, số doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi trái phiếu sẽ không dừng ở con số 54. 

Hành động của các ngân hàng

Về mặt kỹ thuật, trong bất kỳ hợp đồng cấp tín dụng nào cũng đều có điều khoản gọi là Vỡ nợ chéo (cross default) - quy định rằng nếu doanh nghiệp vi phạm bất kỳ nghĩa vụ trả nợ nào hay bị các sự kiện làm khả năng doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ trả nợ là rõ ràng (gọi là Credit Event - sự kiện tín dụng) dù là trong khoản nợ khác thì khoản vay hiển nhiên được coi là đến hạn trả dù hợp đồng tín dụng chưa đến hạn trả. Khi đó, bên cho vay có quyền thu hồi nợ gốc và lãi ngay lập tức.

Các ngân hàng có quyền yêu cầu thu hồi trước một phần nợ hoặc/và bổ sung tài sản bảo đảm… Bất kể hành động nào của ngân hàng đều gây sức ép đáng kể với doanh nghiệp, đặc biệt trong hoàn cảnh dòng tiền bị nghẽn, niềm tin của người tiêu dùng giảm sút dẫn đến hàng hóa không bán được… 

Với các ngân hàng, khi sự kiện tín dụng xảy ra, các khoản nợ của doanh nghiệp tại ngân hàng có thể bị xếp hạng nợ xấu. Thông thường, chỉ cần một khoản nợ của doanh nghiệp tại một ngân hàng bị xếp hạng nợ xấu, các ngân hàng khác là chủ nợ của doanh nghiệp cũng sẽ xếp hạng các khoản vay của doanh nghiệp đó vào nhóm nợ xấu. 

Với nợ xấu, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng (tùy nhóm nợ, tỷ lệ trích lập từ 5% - 100%) - ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của ngân hàng. 

Phân tích mới đây của Phòng Nghiên cứu và Phân tích CTCP FIDT cho rằng với việc Novaland công bố không trả được một lô trái phiếu đến hạn, tất cả dư nợ của Novaland tại tất cả các ngân hàng có nguy cơ cao phải chuyển sang nợ nhóm 3 (nợ xấu), qua đó nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng có thể tăng thêm khoảng 40.000 tỷ đồng. FIDT ước tính dự phòng tăng thêm cho các khoản nợ ngân hàng của Novaland tương đương dự phòng nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong 1,5 quý. 

Novaland không phải là trường hợp duy nhất xảy ra sự kiện tín dụng. Các khoản nợ ngân hàng của 54 doanh nghiệp được công bố có thể lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Nếu toàn bộ các khoản nợ nói trên đều bị xếp vào nợ xấu, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro. 

Nhìn lại khủng hoảng của Evergrande

Tại Trung Quốc, khi ông lớn bất động sản Evergrande lâm vào khó khăn, nhiều tài sản của doanh nghiệp này đã bị các ngân hàng (là chủ nợ) chiếm giữ. Theo nguồn tin của Financial Times, vào tháng 9/2022, tòa cao ốc 26 tầng được định giá từ 1,02 - 1,15 tỷ USD đã bị một nhóm ngân hàng trong nước đứng đầu là China Citic Bank International chiếm giữ. Tòa nhà sau đó được chỉ định giao cho công ty tư vấn tái cấu trúc Alvarez & Marsal mang bán đấu giá.

1000x-1-25.jpg
Tòa nhà trụ sở của Evergrande ở Hồng Kông. Ảnh: Kyle Lam/Bloomberg

Bất động sản này được cho là có liên quan đến khoản vay thế chấp gần 1 tỷ USD của Evergrande tại nhóm ngân hàng kể trên.

Trước đó, từ đầu năm 2022,  quỹ đầu tư chuyên mua nợ xấu Oaktree Capital (Mỹ) đã âm thầm thu giữ hai tài sản trị giá 1 tỷ USD của Evergrande. Một là dự án Project Castle rộng tới 204 nghìn m2 mà Evergrande dự định xây dựng 268 căn biệt thự cao cấp tại Hồng Kông. Hai là dự án nghỉ dưỡng Venice ở Trung Quốc đại lục.

Hãng luật Kirkland & Ellis và ngân hàng đầu tư Moelis & Co thậm chí còn tư vấn cho Evergrande trả nợ bằng tiền cá nhân của tỷ phú Hứa Gia Ân, chủ tịch Evergrande. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Doanh nghiệp tuyên bố “hết tiền” - ngân hàng “ngồi trên lửa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO