Doanh nghiệp trong “ma trận” chuyển đổi số

Xuân Hồng | 23:46 29/11/2021

"Các doanh nghiệp đang rối trong ma trận các ứng dụng từ các lời mời chào, không biết chọn ứng dụng nào cho phù hợp…", TS. Nguyễn Tuấn Hoa, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ.

Doanh nghiệp trong “ma trận” chuyển đổi số
Đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa lập được chiến lược chuyển đổi số.

Ngày 29/11 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Doanh nghiệp tái khởi động sau đại dịch: Chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc và những vấn đề pháp lý cần lưu ý".

Nghĩ lớn nhưng làm cụ thể

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC nhận định, mặc dù Chính phủ và toàn xã hội đang nỗ lực không ngừng để kiềm chế dịch bệnh, từng bước chuyển sang giai đoạn bình thường mới và duy trì các hoạt động kinh tế-xã hội nhưng các chỉ số về ca nhiễm mới và tử vong vẫn tiếp tục khiến cho công cuộc kiểm soát dịch bệnh, tái cơ cấu và phục hồi nền kinh tế trở nên khó khăn hơn.

Mặc dù nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tiến trình phục hồi đang không ngừng được thúc đẩy ở Việt Nam và thị trường cũng đã có nhiều tín hiệu khả quan. Các chuỗi cung ứng toàn cầu đang được định hình lại… nhưng thực tế còn rất nhiều khó khăn.

“Sự phục hồi đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế không phải là việc trở lại trạng thái của ngày hôm qua, của thời kỳ trước đại dịch, mà tất cả các doanh nghiệp và nền kinh tế phải bắt đầu một diện mạo mới, một mô hình kinh doanh mới theo hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và tăng cường khả năng chống chịu…”, ông Vũ Tiến Lộc lưu ý.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần triển khai một số giải pháp như cắt giảm chi phí hoặc chỉ giữ lại những phần quan trọng nhất để hoạt động như nhân sự. Các doanh nghiệp cũng đã tính tới việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi cách thức tương tác mới với nhân viên, khách hàng, thị trường.

Nghiên cứu việc chuyển đổi sản phẩm, nhu cầu thị trường gắn với xu thế tiêu dùng và ứng xử linh hoạt thị trường. Tiếp cận thị trường ngay khi có điều kiện để khai thác thị trường trong nước nhằm duy trì quan hệ, tìm hiểu đối tác, thị trường mới.

Để thích ứng với bối cảnh mới, các doanh nghiệp cũng đã đẩy mạnh liên kết để xây dựng quan hệ cho việc trả chậm, chia sẻ đơn hàng, hàng đổi hàng....

“Không phải cứ chuyển đổi số là hiệu quả. Số doanh nghiệp thành công khi chuyển đổi số không quá 50%. Do đó, có những bài học về chuyển đổi số mà doanh nghiệp cần ghi nhớ là: Nghĩ lớn nhưng làm cụ thể. Doanh nghiệp phải chuyển đổi bắt đầu từ sản phẩm, phải tương tác với khách hàng và thị trường để tạo ra dòng tiền, từ dòng tiền ấy tiếp tục đầu tư vào chuyển đổi số ở những khía cạnh khác nhau…”, TS. Võ Trí Thành lưu ý.

Rất ít doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp số

TS. Nguyễn Tuấn Hoa, Trọng tài viên VIAC cũng cho rằng, chuyển đổi số là con đường tất yếu để doanh nghiệp phát triển bền vững.

“Có một lối tư duy sai lầm trong quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp đó là đa số doanh nghiệp hiểu rằng cứ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số là thành doanh nghiệp số. Hiện các doanh nghiệp rối trong ma trận các ứng dụng từ các lời mời chào, không biết chọn ứng dụng nào cho phù hợp. Điều đáng nói là tuyệt đại đa số doanh nghiệp chưa lập được chiến lược chuyển đổi số", TS. Nguyễn Tuấn Hoa nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Tuấn Hoa nói thêm, trên thực tế, một số ít doanh nghiệp đã đạt tới giai đoạn cuộc cách mạnh công nghệ 4.0 như doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, ngân hàng, giao thông vận tải... Tuy nhiên, chỉ một số doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp số. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp còn đang ở giai đoạn cách mạnh công nghệ 3.0. Tuyệt đại đa số cả chính quyền và doanh nghiệp đang ở giữa cuộc cách mạnh công nghệ 3.0 - tức là đi chậm hơn thế giới khoảng 20 năm.

Do đó, nếu chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam chỉ áp dụng quy trình chuyển đổi số như quốc tế thì luôn đi sau họ. Nhưng nếu có chiến lược riêng thì chúng ta nhanh chóng vượt lên, sẽ có nhiều doanh nghiệp đạt trình độ doanh nghiệp số trong vòng 5 đến 10 năm.

Doanh nghiệp cần xác định mình đang ở đâu. Cùng với việc mô tả chi tiết quy trình sản xuất hiện tại, doanh nghiệp phải xác định những khâu nào cần thay đổi, những khâu nào cần máy móc thực hiện. Sau đó, doanh nghiệp chọn đối tác và công nghệ, và tiếp đến là lập kế hoạch và lộ trình triển khai.

“Chuyển đổi số không hề đắt, thậm chí là rất rẻ, quan trọng là doanh nghiệp phải tìm đúng đối tác và giải pháp. Tìm được đối tác tin cậy, doanh nghiệp sẽ có giải pháp thực sự mang lại hiệu quả và kết nối được với mọi hệ thống khác. Còn nếu có đối tác tri kỷ, doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ giải pháp đảm bảo giá trị gia tăng và chia sẻ từ giá trị tăng thêm”, Theo TS. Nguyễn Tuấn Hoa chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Doanh nghiệp trong “ma trận” chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO