Trong đó, câu chuyện thủ tục hành chính được các doanh nghiệp “kiến nghị” nhiều nhất và đây vẫn là điểm nghẽn chính dẫn đến việc các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Một số Hiệp hội doanh nghiệp thẳng thắng kiến nghị Trung ương và Hà Nội miễn, giảm và giãn nộp các loại thuế, phí…
Ông Thân Đức Việt - Giám đốc Công ty CP May 10
Chúng tôi có dây chuyền sản xuất công nghiệp, trải dài trên 9 tỉnh, thành phố trong cả nước nên trong bối cảnh dịch bệnh chúng tội bị ảnh hưởng lớn. Thậm chí đơn vị của chúng tôi có cơ sở y tế tương đương cấp huyện nhưng chưa chủ động trong tổ chức kiểm soát dịch.
Tôi đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn đối với doanh nghiệp có y tế cơ sở để doanh nghiệp chủ động xử lý các ca mắc Covid-19, không làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh. Như trong tháng 8 vừa qua chúng tôi có 1 ca F0 nhưng nhờ có bệnh viện của doanh nghiệp nên đã xử lý kịp và vẫn duy trì sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG
Thành phố tiếp tục đẩy nhanh thủ tục giải quyết thủ tục hành chính, qua đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng, khởi công các dự án, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa thành ngành công nghiệp kinh tế, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế Thủ đô. Hiện ngành này đang chiếm 3% GDP, riêng Hà Nội chiếm 3,7% GRDP là chưa xứng với tiềm năng của Thủ đô . Do đó, Thành phố cần đưa du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế của Thủ đô.
Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse
Thành phố cần đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mặt bằng cho doanh nghiệp. Thực tế hiện nay doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất nhưng thủ tục cấp đất còn rất chậm. Cụ thể là Sunhouse đang mua lại một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quốc Oai, nhưng lại gặp nhiều vướng mắc về luật để có thể xây dựng, mở rộng phạm vi đầu tư.
Thành phố cần nghiên cứu, tiến tới số hoá hệ thống giải quyết thủ tục hành chính để các doanh nghiệp có thể theo dõi thuận tiện. Thực tế là nhiều vấn đề giải quyết của doanh nghiệp, thành phố giao cho quận, huyện nhưng nhiều khi các vấn đề quận huyện không giải quyết thì hệ thống quản trị số hóa sẽ phản hồi để còn đôn đốc thực hiện. Còn như hiện nay, giải quyết bằng công văn giấy tờ bằng giấy nhiều khi bị quên và rơi vào quên lãng.
Ông Phạm Quang Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hanel Mirolin
Công ty chúng tôi hiện đang gặp vướng mắc trong triển khai Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng (huyện Phú Xuyên). Mặc dù doanh nghiệp đã hoàn thành 100% giải phóng mặt bằng từ tháng 5/2021 nhưng do vướng mắc về pháp luật nên dự án hiện vẫn chưa được giao đất. Ngay cả thủ cập phép xây dựng cũng chưa rõ là thẩm quyền thuộc về Sở Xây dựng hay UBND Huyện…
Phạm Văn Khương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup
Điều các doanh nghiệp mong muốn là những cải cách, chuyển biến trong giải quyết thủ tục thực chất hơn, làm sao để doanh nghiệp nhận được văn bản trả lời trong thời gian sớm nhất. Các sở ngành cũng cần có mối liên thông trong làm việc, tránh kéo dài thời gian giải quyết thủ tục đến vài tuần, bởi thiếu thủ tục thì doanh nghiệp không làm gì được.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội
Mọi chính sách đều hướng đến người dân, doanh nghiệp. Song, qua kết quả khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.
Chúng tôi với Trung ương và các bộ ngành, trước tiên, tiếp tục tổ chức các chương trình hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc với nhiều hình thức phù hợp để kịp thời giải quyết và sau đó đánh giá thực chất kết quả xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác về hỗ trợ doanh nghiệp năm 2021 và giai đoạn đến năm 2025. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục, chú trọng các dự án đầu tư lớn nguồn vốn cả trong và ngoài ngân sách.
Riêng với Hà Nội, chúng tôi kiến nghị các sở, ngành triển khai đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của đề án, chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sở, ngành quản lý để chỉ số PCI của Hà Nội luôn nằm trong tỉnh thành được cộng đồng DN đánh giá tốt.
Nghiên cứu, tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc cho phép chậm nộp các loại thuế cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, logistic, công nghiệp, dệt may, da giày, khu công nghiệp, bất động sản…
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm các chi phí mặt hàng thiết yếu như: Điện, nước, xăng dầu, các nguyên liệu đầu vào. Thu hút đầu tư; đẩy nhanh giải ngân, nhất là vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả…
Ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực Hà Nội
Thành phố cần nhanh chóng có ngay các giải pháp cụ thể hoá Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ . Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vaccine đối với các doanh nghiệp; có các hướng dẫn cụ thể hơn về y tế tại chỗ, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi phát hiện có các ca F0, F1, tránh tình trạng bị đóng cửa toàn bộ nhà máy…
Bên cạnh đó là bố trí nguồn lực để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất thông qua các chính sách tài chính, tài khóa như việc miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, giãn nợ, xóa nợ, cơ cấu lại nguồn vay, giãn nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí Công đoàn, rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu xuống 15 năm, tiến tới xuống 10 năm…
Thành phố cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa các cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta đã tham gia mang lại.