Doanh nghiệp e dè tuyển dụng: Hàng trăm nghìn lao động mất việc trong 6 tháng, một nghề hot cũng giảm 35% nhu cầu

Hoàng Thùy | 08:52 24/07/2023

Thị trường tuyển dụng đang chứng kiến sự chênh lệch đáng kể giữa nguồn cung nhân lực quá mức và nguồn cầu lao động hạn chế, dẫn đến một thị trường việc làm vô cùng cạnh tranh.

Doanh nghiệp e dè tuyển dụng: Hàng trăm nghìn lao động mất việc trong 6 tháng, một nghề hot cũng giảm 35% nhu cầu

Mặc dù được kỳ vọng sẽ phục hồi nhưng thị trường lao động và việc làm tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 không có nhiều khởi sắc. Theo ghi nhận của Adecco Việt Nam, toàn cảnh nhu cầu tuyển dụng giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái khi nền kinh tế tái khởi động sau ảnh hưởng của đại dịch.

Một số lĩnh vực như Tín dụng, Bất động sản và Bán lẻ, đã trải qua sự sụt giảm đáng kể trong tuyển dụng do các chính sách hạn chế của Chính phủ và xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng.
Các lĩnh vực khác như Dược Phẩm, Chăm sóc sức khỏe và Bán hàng kĩ thuật ghi nhận nhu cầu tuyển dụng cao hơn đối với các vị trí chuyên gia có kinh nghiệm ngành.

Thị trường tuyển dụng ảm đạm

Theo Tổng cục thống kê, lực lượng lao động, số người có việc làm Quý II/2023 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao hơn so với quý vừa rồi.

Tình trạng hàng trăm nghìn lao động mất việc, bị sa thải kéo dài từ quý IV/2022 đến nay và có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức, cho thấy thị trường lao động việc làm phục hồi nhưng chưa bền vững. Song song với đó, nhu cầu tuyển dụng từ phía doanh nghiệp cũng rất hạn chế và giảm sút đáng kể.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng khu vực Hà Nội, Adecco Việt Nam, chia sẻ: “Bối cảnh nền kinh tế trong nước và trên thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến việc các doanh nghiệp đẩy mạnh tinh gọn cơ cấu nhân sự, tập trung tuyển dụng các vị trí thay thế hoặc áp dụng cách tiếp cận có chọn lọc hơn trong việc lấp đầy các vị trí trống và giảm tối đa việc tuyển mở rộng các vị trí mới. Những vị trí tuyển mới chủ yếu thuộc những dự án đã được lên kế hoạch trong giai đoạn trước và đang trong tiến độ thực thi. Những xu hướng này đang xảy ra ở nhiều ngành công nghiệp, gây ra sự chênh lệch đáng kể giữa nguồn cung nhân lực quá mức và nguồn cầu lao động hạn chế, dẫn đến một thị trường việc làm vô cùng cạnh tranh".



Những cải tiến công nghệ đang điều hướng thị trường lao động

Mặc dù số lượng vị trí tuyển dụng của các công ty ngành CNTT giảm 35% so với cùng giai đoạn năm 2022, yêu cầu về kĩ năng CNTT lại dần trở nên phổ biến ở các doanh nghiệp thuộc hầu hết các lĩnh vực. Các công ty gia tăng nhu cầu tìm kiếm những chuyên gia có chuyên môn về phát triển phần mềm quản trị doanh nghiệp, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, phát triển trên nền tảng kỹ thuật số và phân tích dữ liệu để đáp ứng nhu cầu thích ứng với chuyển đổi số.

99324945-f95c-49b1-a9d8-a25fe217352b-9283.jpeg
(Ảnh minh họa) 

Bà Trương Thiên Kim, Phó Giám đốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng, Adecco Việt Nam cho biết: “Việc sụt giảm đáng kể đơn hàng trong ngành Sản xuất Công nghiệp dẫn đến tình trạng sa thải lớn lực lượng lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực Điện tử/Bán dẫn, Dệt may, Nội thất và Hóa chất,... Xu hướng các nhà máy đang tập trung vào số hóa, tự động hóa, sản xuất tinh gọn và chính sách zero-carbon đã dẫn đến sự thay đổi trong yêu cầu lao động, trong đó nhu cầu đối với lao động thủ công có kỹ năng thấp ngày càng giảm. Nhu cầu đang dịch chuyển sang tìm kiếm nhân lực có chuyên môn về robot, tự động hóa quy trình và công nghệ sản xuất tiên tiến".

Chung tình trạng thiếu đơn hàng, nhiều công ty lĩnh vực Tìm nguồn cung ứng (Sourcing Office) buộc phá sản hoặc đóng cửa văn phòng tại Việt Nam trong khi số khác dè dặt trong kế hoạch tuyển dụng hơn bao giờ hết.

“Doanh nghiệp nước ngoài mong muốn xây dựng đội ngũ tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam để giúp trụ sở chính tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế với giá cả cạnh tranh và tiêu chuẩn tốt hơn tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, có một số hạng mục mà các nhà cung cấp Việt Nam không thể cạnh tranh về chất lượng và giá cả với các thị trường khác như thép không gỉ/nhựa/ép phun,... Do đó, nguồn ứng viên ngành Sourcing giàu kinh nghiệm trong các hạng mục này là vô cùng hạn chế”, bà Kim nói thêm.

Đối với ngành Bán lẻ, do sự chuyển đổi trong xu hướng mua hàng của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp tập trung vào tối ưu hóa kênh hiện diện trực tuyến của mình, dẫn đến việc giảm nhu cầu tuyển dụng các vị trí truyền thống tại cửa hàng. 

41144196-7e7e-491c-b1bb-ae36f881566e.jpg
(Ảnh minh họa) 

Trong khi ngành Marketing và Truyền thông vẫn duy trì nhu cầu tuyển dụng, các hình thức truyền thông truyền thống chứng kiến sự sụt giảm trong cơ hội việc làm. Thay vào đó, các vị trí liên quan đến truyền thông số, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), tiếp thị qua công cụ tìm kiếm (SEM), truyền thông mạng xã hội, sáng tạo nội dung và phân tích dữ liệu được các nhà tuyển dụng ưu tiên quan tâm.

Thị trường trên đà phục hồi cũng bổ trợ cho sự ổn định trong nhu cầu tuyển dụng của ngành Tài chính ngân hàng. Các vị trí được chú trọng tìm kiếm thuộc lĩnh vực tài chính, kế toán, quản lý rủi ro và phân tích đầu tư. Hơn nữa, sự xuất hiện của các công ty fintech đã tạo thêm cơ hội việc làm trong mảng này.

Ngành Chăm sóc sức khỏe và Dược phẩm có nhu cầu ngày càng tăng đối với nhân sự có tay nghề cao trước mục tiêu cải thiện cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe của Chính phủ và nhu cầu tăng lên của khách hàng. Lĩnh vực này tìm kiếm các chuyên gia trong các vai trò khác nhau, bao gồm bác sĩ, quản lí nhãn hàng và chuyên viên thông tin y khoa. Ứng dụng công nghệ vào việc nâng cấp trải nghiệm khám chữa bệnh cũng đang là xu hướng ảnh hưởng đến yêu cầu nhân sự của ngành.

Trong khi đó, ngành Xây dựng và Bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi với nhu cầu tuyển dụng ở mức rất thấp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Doanh nghiệp e dè tuyển dụng: Hàng trăm nghìn lao động mất việc trong 6 tháng, một nghề hot cũng giảm 35% nhu cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO