Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến tham vấn cộng đồng đối với Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với dự án nhà máy Uniben tại KCN VSIP II-A, Tân Uyên, Bình Dương.
Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ Phần Uniben có địa chỉ tại số 32 VSIP II-A, đường số 30, KCN Việt Nam – Singapore II-A, phường Vĩnh Tân, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Doanh nghiệp do ông Vũ Tiến Dung làm Tổng Giám đốc.
Theo nội dung dự án được trình bày tại báo cáo ĐTM, Uniben đang lên kế hoạch nâng công suất và lắp đặt bổ sung dây chuyền sản xuất nước giải khát (có ga và không có ga) từ 470.000.000 sản phẩm/năm - tương đương 220.000.000 lít/năm lên 700.000.000 sản phẩm/năm - tương đương 320.000.000 lít/năm.
Bên cạnh đó, Uniben cũng sẽ sản xuất mì ăn liền với công suất 77.400 tấn/năm - tương đương 1.300.000.000 sản phẩm/năm.
Đáng chú ý, tại báo cáo ĐTM, Uniben cũng có kế hoạch sản xuất nước mắm với công suất đến 75.000.000 sản phẩm/năm tương ứng 28.750.000 lít/năm.
Về Công ty Cổ Phần Uniben, theo các thông tin tự giới thiệu, doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động sau khi được Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 4382714703, cấp lần đầu ngày 24/05/2016 và được thay đổi lần thứ 5 ngày 11/10/2023.
Nhà máy sản xuất của Uniben được đặt tại số 32 VSIP II-A, đường số 30, KCN Việt Nam - Singapore II-A, phường Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Là một doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm được nhiều người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng và tin dùng với các thương hiệu quen thuộc và phủ sóng toàn quốc như: mì ăn liền 3 Miền;phở, hủ tiếu, cháo mang thương hiệu 3 Miền; nước mắm.
Theo Uniben, doanh nghiệp đã và đang không ngừng đẩy mạnh, cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước khẳng định vị trí của mình đối với thị trường trong nước và Quốc tế.
Liên quan đến dự án đang được tham vấn Báo cáo ĐTM, năm 2021, Uniben đã được Bộ TN&MT cấp giấy phép môi trường số 258/GPMT- BNTNMT ngày 24 tháng 7 năm 2023 và đã hoàn thành vận hành thử nghiệm theo Giấy phép môi trường được cấp cho dự án “Nhà máy Uniben (Xây dựng thêm nhà xưởng và lắp đặt bổ sung dây chuyền sản xuất nước giải khát 470.000.000 sản phẩm/năm - tương đương 220.000.000 lít/năm; tăng công suất sản xuất mì ăn liền từ 69.000 tấn/năm lên 77.400 tấn/năm - tương đương 1.300.000.000 sản phẩm/năm)”.
Với nhu cầu thị trường thay đổi liên tục cùng với kế hoạch, mục tiêu phát triển của Uniben, Uniben đã nghiên cứu và quyết định thực hiện Dự án nói trên. Đây là dự án bổ sung dây chuyền sản xuất mới, điều chỉnh công suất sản xuất, Uniben cho biết đã thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép đầu tư và đã được Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư số 4382714703, lần thứ 5 ngày 11/10/2023.
Theo Báo cáo ĐTM đang được tham vấn, trong giai đoạn này, Uniben sẽ tiến hành điều chỉnh thay đổi nội dung gồm: Lắp đặt bổ sung một (01) dây chuyền sản xuất các sản phẩm nước giải khát có ga, nâng tổng công suất dây chuyền sản xuất nước giải khát (có ga và không có ga) từ 220 triệu lít/năm lên 320 triệu lít/năm.
Lắp đặt bổ sung một module hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 1.000 m3/ngày, nâng tổng công suất HTXLNT từ 1.000 m 3 /ngày lên 2.000 m 3 /ngày và lắp đặt bổ sung một lò hơi công suất 25 tấn/giờ.
Đơn vị tư vấn lập Báo cáo ĐTM của dự án là Công ty Cổ phần Dịch vụ Tư vấn Môi trường Hải Âu được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy đăng kí kinh doanh mã số doanh nghiệp 0309387095 lần đầu ngày 04/09/2009, cấp thay đổi lần thứ 10 ngày 19/01/2021.
Cũng theo Báo cáo ĐTM đang được tham vấn của dự án, nguồn phát sinh, quy mô, tính chất nước thải phát sinh trong giai đoạn vận hành sẽ gồm 2 nguồn chính:
Thứ nhất, nước thải sinh hoạt phát sinh từ hoạt động công nhân, nhà ăn. Tổng lưu lượng nước thải phát sinh khoảng 60 m 3 /ngày, thành phần ô nhiễm chủ yếu gồm các chất chất rắn lơ lửng (SS), BOD5, COD, nitơ (N), phốt pho (P), dầu mỡ động thực vật, chất hoạt động bề mặt và coliform.
Thứ hai, nước thải sản xuất bao gồm: nước thải phát sinh từ qua trình vệ sinh các dây chuyền sản xuất mì ăn liền (150 m 3 /ngày), dây chuyền nước mắm (48 m 3 /ngày); Quy trình CIP, nước rửa thiết bị sản xuất (249,6 m 3 /ngày), dây chuyền rửa ngược thiết bị lọc RO (499,2 m 3 /ngày), nước xả đáy lò hơi (5,5 m 3 /ngày), Nước thải Chiller giải nhiệt và nước ngưng hệ thống điều hòa (12 m 3 /ngày), nước vệ sinh nhà xưởng, thiết bị (90 m 3 /ngày). Tổng lưu lượng thải phát sinh khoảng 1.084,3 m 3 /ngày đêm, thành phần ô nhiễm chính chủ yếu là chất rắn lơ lửng (SS), BOD5, COD, nitơ (N), phốt pho (P), dầu mỡ động thực vật, chất hoạt động bề mặt và coliform.