Doanh nghiệp chính là mối dây kết nối để thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Hải Sơn | 16:54 27/09/2023

Theo Phó Chủ tịch VCCI, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có nhiều lợi thế và tiềm năng nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả. “Đất có lành, chim mới đậu”, liên kết vùng sẽ đem đến động lực phát triển và sự kết nối từ chính mối dây doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chính là mối dây kết nối để thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Liên kết vùng sẽ đem đến động lực phát triển và sự kết nối từ chính mối dây doanh nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn “Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung Du và miền núi Bắc Bộ” vừa diễn ra chiều 27/9/2023, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế, thuận lợi kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN.

Trong đó, tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biên mậu, là vùng giàu tài nguyên, khoáng sản; thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; hội tụ đầy đủ nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc; đặc biệt, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.

Tuy nhiên, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Trong đó, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là "vùng trũng" trong phát triển kinh tế và là "lõi nghèo" của cả nước, liên kết vùng còn chưa chặt chẽ.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 37 và ban hành Nghị quyết số 11 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện và là hình mẫu phát triển xanh của cả nước.

Theo đó, Nghị quyết của Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng GRDP vùng đạt 8,0-9,0%/năm; đến năm 2030, quy mô kinh tế vùng đạt khoảng 2.100 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành); GRDP bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành); tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 190.000 tỷ đồng. “ Đây là những con số ấn tượng và khả thi có thể đạt được”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Cũng theo chia sẻ của Phó chủ tịch VCCI, trong Nghị quyết của Đảng và Nhà nước nói tới rất nhiều điểm “mới”. Với tư duy mới, tầm nhìn mới, lộ trình phát triển mới, vận hội mới… chính là nền tảng quan trọng, giúp “vùng lõi nghèo” miền núi Bắc Bộ phát triển đột phá trong thời gian tới.

Tư duy mới là khi không chỉ Chính phủ, các cơ quan hoạch định chính sách, mà từng địa phương đều hiểu rõ rằng, liên kết là để phát triển và muốn phát triển thì phải liên kết.

“Liên kết chặt chẽ là khi không chỉ chính quyền mà ngay cả doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng một quy hoạch chung cho toàn vùng”, ông Hoàng Quang Phòng khẳng định.

Liên kết để hình thành một số cực tăng trưởng và trung tâm kinh tế của Vùng, song hành với phát triển hành lang kinh tế, gắn với không chỉ hệ thống giao thông kết nối, mà còn với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng, tránh cạnh tranh lẫn nhau bằng mọi giá.

Chính sự liên kết toàn diện này sẽ giúp các địa phương trong vùng biến thách thức thành cơ hội, biến tiềm năng thành tiềm lực, biến tiềm lực thành nguồn lực. Nếu liên kết vùng tại tất cả các vùng được đẩy mạnh, thì tình hình kinh tế - xã hội của từng vùng và của cả nước chắc chắn sẽ có bước đột phá. Quan trọng hơn cả, khi liên kết nội vùng được phát triển, doanh nghiệp sẽ tìm thấy sức hút riêng có của Vùng.

“Đất có lành, chim mới đậu”, liên kết vùng Trung du miền núi Bắc Bộ sẽ đem đến động lực mới cho vùng và sự kết nối từ chính mối dây doanh nghiệp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Doanh nghiệp chính là mối dây kết nối để thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO