Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những khó khăn cần tháo gỡ.
Vẫn vướng mắc pháp lý
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, năm 2022, thị trường bất động sản (BĐS) đã có nhiều biến động và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó, vướng mắc chủ yếu, cốt lõi là về vấn đề pháp lý.
Trước những khó khăn của thị trường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp, nhiều văn bản đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành như Nghị quyết số 33/NQ-CP.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, lĩnh vực bất động sản trong quý II/2023 đã từng bước được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhưng vẫn có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, đồng thời còn nhiều khó khăn thách thức.
Về tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, ông Tú cho rằng, có nhiều dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS rất đa dạng. Trước những khó khăn về nguồn vốn, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 04 lần các mức lãi suất điều hành của NHNN trong 6 tháng đầu năm với mức giảm 0,5-2,0%/năm; điều đó tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.
Đánh giá về thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP, Chủ tịch HĐQT Sun Group Đặng Minh Trường cho biết, sự ra đời của Nghị quyết và một số Nghị định đã tháo gỡ được rất nhiều pháp lý liên quan đến các công trình xây dựng gắn với đất sử dụng vào mục đích thương mại, cụ thể ở đây là các condotel, biệt thự nghỉ dưỡng.
Đối với Tập đoàn Sun Group, ông Trường chia sẻ doanh tập trung vào lĩnh vực bất động sản du lịch, do đó Nghị quyết này có tác động tích cực đến thu hút khách du lịch quốc tế và việc khởi công, khánh thành một loạt hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng du lịch đã tạo lực đẩy, thúc đẩy phát triển bất động sản, các ngành dịch vụ, thương mại.
“Vừa rồi tôi đến Phan Thiết, hầu như các khách sạn, nhà hàng kín chỗ vào những dịp cuối tuần. Đấy là tín hiệu rất vui cho bất động sản du lịch và du lịch nói chung”, ông Đặng Minh Trường chia sẻ.
Ông Lê Tự Minh, Chủ tịch Công ty CP đầu tư IMG đánh giá, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản nằm ở 3 vấn đề: Thứ nhất, chống đầu cơ đất, lũng đoạn thị trường BĐS đang ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Thứ hai, hạ lãi suất trung hạn xuống dưới 10%. Thứ ba, tháo gỡ vướng mắc pháp lý và xử lý hành chính.
Đề xuất có Nghị định về việc phân quyền và trách nhiệm
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, các doanh nghiệp BĐS đã kiến nghị Chính phủ nhiều nội dung quan trọng. Theo đó:
Chủ tịch Công ty CP đầu tư IMG kiến nghị, để chống đầu cơ đất, Ban soạn thảo Luật Đất đai bổ sung và áp dụng mức thuế 2% thuế đất hằng năm và áp dụng thuế luỹ tiến khi các khu đất không đưa vào kinh doanh, không sinh lời, giống như nước ngoài đang thực hiện.
Đối với lãi suất trung hạn còn cao, lãnh đạo IMG đề xuất giảm lãi suất trung hạn xuống dưới 10% vì với lãi suất trung hạn trên 10% thì không có nền kinh tế nào khoẻ mạnh. Kiến nghị, nên hạ lãi suất trung hạn xoay quanh 8,5% cộng trừ như 2 năm trước đây.
Với những khó khăn về pháp lý, ông Lê Tự Minh cho rằng, khó khăn nhất hiện nay của các doanh nghiệp BĐS là pháp lý chứ không phải vấn đề ngân hàng. “Pháp lý có sự chồng chéo, cùng 1 vấn đề, 1 quy định nhưng nhiều cách hiểu, cấp thực thi không thực hiện và không dám làm, chủ yếu là cấp địa phương. "Lệ làng" ở nhiều nơi rất to, không làm cũng không sao và các doanh nghiệp rất cơ cực”, ông Tự nhấn mạnh.
Do đó, ông Tự đề xuất, Chính phủ nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp lý để cán bộ yên tâm làm việc. Cần có Nghị định rõ ràng về việc phân quyền và trách nhiệm của các cấp, trong đó quy định rõ: nội dung hoàn thành, thời gian hoàn thành, trách nhiệm nếu để quá hạn.
Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Corp đề xuất, khó khăn đối với doanh nghiệp xây dựng là giấy phép xây dựng. “Chúng tôi mong rằng các cơ quan ban ngành từ Chính phủ đến các tỉnh, thành có giải pháp hỗ trợ đặt mục tiêu doanh nghiệp được cấp phép xây dựng để đưa dự án vào triển khai”, ông Trung kiến nghị.
Bên cạnh đó, ông Trung đề xuất, trong ngắn hạn Ngân hàng cần điều chỉnh điều kiện cho vay linh hoạt theo từng giai đoạn như dự án có chấp thuận chủ trương đầu tư thì có thể được phép tiếp cận vốn vay. Những vấn đề này giúp doanh nghiệp, ngân hàng, người tiêu dùng luân chuyển dòng tiền, tạo thành khoản... tạo ra công ăn việc làm, tăng chi tiêu của người dân.
Liên quan đến triển khai 1 triệu căn nhà ở xã hội, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã đăng ký tham gia, tuy nhiên, vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, cần phải cho phép người mua NOXH được phép chuyển nhượng bất động sản của mình tự do. Trường hợp này có thể quy định bên nhận chuyển nhượng lại phải nộp thêm khoản tiền tương ứng phần giá trị tiền sử dụng đất.
Cuối cùng, đối với phương pháp xác định tính tiền sử dụng đất, hiện phương pháp thặng dư là tốt nhất,trong đó việc áp dụng chỉ số CPI trong tính tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư là hợp lý. Tuy nhiên nhiều địa phương không áp dụng chỉ số CPI của địa phương mà áp dụng theo CPI quốc gia.
“Chúng tôi kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nên tính tới giải pháp sử dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (phương pháp hệ số K). Với phương pháp này, doanh nghiệp có thể tính toán được tiền sử dụng đất mình phải đóng trước khi quyết định đầu tư và hợp tác đầu tư. Nhà nước vừa không khó khăn trong việc định giá đất và vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách, hài hoà lợi ích”, ông Trung nhấn mạnh.