Ngày 24/12, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Lễ khánh thành 4 công trình giao thông quan trọng trong đó có công trình cầu Mỹ Thuận 2. Cầu Mỹ Thuận 2 là dự án trọng điểm quốc gia trên tuyến đường huyết mạch từ thành phố Hồ Chí Minh đi thành phố Cần Thơ, kết nối 2 tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang. Đây là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
Cầu Mỹ Thuận 2 (Ảnh: Báo Chính phủ)
Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt. Tổng mức đầu tư của dự án là 5.003 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước.
Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài 6,61 km, cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350 m về phía thượng lưu.
Cầu chính có chiều dài khoảng 1,9 km, quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Cầu có nhịp chính dài 350 m, 2 trụ tháp cao hơn 125 m. Nhịp chính với kết cấu dây văng khẩu độ 350 m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m, bề rộng mặt cầu 28 m.
Lần đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế cho đến thi công.
Đơn vị thi công dự án là liên danh nhà thầu Trung Nam E&C - Trung Chính - VNCN E&C trong đó Trung Nam E&C là nhà thầu đứng đầu.
Trung Nam E&C là công ty thành viên của Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) - 1 tập đoàn tư nhân đa ngành lớn tại Việt Nam gồm 5 lĩnh vực hoạt động: Năng lượng, Hạ tầng - Xây dựng, Bất Động sản, Công nghiệp thông tin điện tử.
Trung Nam E&C được thành lập ngày 23/05/2008 và đã tham gia thi công nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn cả nước. Trung Nam E&C đã thực hiện các dự án Thủy điện Đồng Nai 2, công suất 70 MW (1.760 tỷ đồng) ; Thủy điện Krông Nô 2&3 (1.230 tỷ đồng); Thủy điện tích năng Bác Ái (5.401 tỷ đồng); nhà máy Điện gió Ninh Thuận (1.420 tỷ đồng); Tòa nhà Trung Nam 11 tầng; dự án Golden Hills (2.992 tỷ đồng); Khu công nghệ cao Đà Nẵng (954 tỷ đồng); cầu vượt nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế (922 tỷ đồng); các trụ T29, T30, T31 dầm chính dây văng cầu Bạch Đằng - Hải Phòng (1.409 tỷ đồng); 7 gói thầu thuộc dự án giải quyết chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 tại TP.HCM (6.564 tỷ đồng); ...
Cầu Bạch Đằng (Ảnh: Trungnam Group)
Trung Chính là một trong những công ty xây dựng và phát triển Giao thông được thành lập vào 2007, đến năm 2017, doanh thu của Trung Chính rơi vào khoảng 2.000 tỷ đồng. Trung Chính đã tham gia thi công nhiều công trình giao thông như Cầu Bạch Đằng; cầu Hao Hao, Thanh Hóa; cầu Hoàng Văn Thụ, Hải Phòng; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gói thầu 3B; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng Cầu B1-01; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng Cầu B1-03; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng gói thầu EX1A; ...
Còn CTCP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C, tiền thân là phòng Tư vấn đầu thầu và quản lý dự án, trực thuộc Tổng công ty Vinaconex. Đến năm 2007, Vinaconex E&C được thành lập theo mô hình công ty cổ phần, đảm nhận việc thi công và quản lý các dự án có quy mô lớn như Nhà máy xi măng Nghi Sơn, Tòa nhà Vinaconex, Nhà ở cho Công nhân tại Kim Chung, Dự án Cầu Giẽ-Ninh Bình…
Đến năm 2012, Vinaconex E&C trở thành công ty cổ phần tư nhân hoàn toàn sau khi Tổng CTCP Vinaconex hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn đầu tư tại công ty. Và đến năm 2019, công ty đổi tên thành CTCP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C như hiện tại.
Trong quá trình hoạt động VNCN E&C đã trúng thầu và triển khai thi công một loạt các dự án lớn ở khắp các miền Bắc, Trung, Nam như Gói thầu CW1B-Cầu Cao Lãnh, Gói thầu A1, Gói thầu A3 và Gói thầu J1, Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, Dự án Cầu Nhật Tân, gói thầu số 6 Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Nam…