Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ
Trong báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán An Bình (ABS) đánh giá thị trường bước vào tháng 11 với nhiều tin tức tích cực hơn so với tháng trước.
Trên thế giới, lạm phát đang diễn biến theo đà giảm tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Anh,… củng cố xu hướng nới lỏng tiền tệ của các nước này. Fed tiếp tục giảm lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản trong tuần đầu tháng 11 và dự báo tiếp tục cắt giảm ít nhất thêm 25 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 12 tới.
Việc ông Trump trúng cử tổng thống Mỹ được kỳ vọng đem đến nhiều thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trước mắt, ngay sau khi ông Trump được tuyên bố trúng cử, các điểm nóng xung đột trên thế giới như Trung Đông đã phần nào hạ nhiệt.
Tuy nhiên, sản xuất và việc làm được chứng kiến tiếp tục thu hẹp tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU… Nhiều nước đã phải chuẩn bị đối mặt với việc Mỹ áp dụng chính sách thương mại thắt chặt với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, có thể khiến kinh tế toàn cầu thêm khó khăn.
Trong nước, sản xuất hồi phục đáng kể với việc các chỉ số IIP và PMI tháng 10 đều tăng mạnh so với tháng 9. Xuất khẩu và vốn đầu tư FDI tiếp tục tích cực. Tăng trưởng tín dụng bứt tốc trong khi thị trường TPDN giảm mạnh phát sinh trái phiếu chậm trả. Đà tăng trưởng dự kiến tiếp tục duy trì tích cực trong 2 tháng còn lại của 2024.
Các biện pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công liên tục được triển khai, nhằm mục tiêu hoàn thành kế hoạch cả năm 2024
Dù vậy, điểm trừ là các diễn biến không mong muốn trên thị trường tài chính với việc lãi suất huy động các NHTM đã đồng loạt tăng trở lại trong nửa đầu tháng 11 trong khi tỷ giá đã tăng trở lại trong 3 tuần gần đây, lên mức cao kỷ lục 25.500 VND/USD, tương đương tăng +4,4% so với đầu năm.
2 kịch bản VN-Index trong tháng 11
Về mặt định giá thị trường chứng khoán, với sự sụt giảm của VN-Index trong tháng 10 và KQKD quý 3 tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, P/E của VN-Index giảm từ 14,05x cuối tháng 9 xuống 13,36x cuối tháng 10, thấp hơn -1 độ lệch chuẩn (Std) của chỉ số này trong 1 năm qua. P/E kỳ vọng cho cả năm 2024 dự kiến ở mức thấp hơn do KQKD cả thị trường được dự báo tiếp tục phục hồi trong quý cuối năm.
Theo nhóm phân tích ABS, các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 đang có định giá P/E là 12,2x, thấp hơn nhiều so với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong VNMID (17,56x) và VNSML (13,06x).
Với các diễn biến nêu trên, ABS Research cho rằng mặc dù triển vọng kinh tế Việt Nam khá tích cực, trong ngắn hạn, thị trường vẫn phải đối mặt với khó khăn về dòng tiền khi vốn ngoại tiếp tục bán ròng trong bối cảnh đồng USD và lợi suất TPCP Mỹ tăng trở lại.
Trước áp lực về tỷ giá, NHNN phải thực hiện hút tiền qua kênh thị trường mở trong khi ngành ngân hàng đang cần thanh khoản để đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao dịp cuối năm. Do đó, đội ngũ phân tích dự báo 2 kịch bản cho thị trường trong tháng 11 như sau:
Kịch bản 1: Thị trường tiếp tục suy giảm với thanh khoản giao dịch yếu (10.000-12.000 tỷ/phiên) về biên dưới của mốc hỗ trợ 1 quanh 1.225 điểm, tín hiệu mua khi đó cần xem trên biểu đồ H1 có nến rút chân tương đối mạnh, nhà đầu tư có thể mở vị thế mua ngắn hạn.
Kịch bản 2: Khi thị trường giảm qua vùng giá 1.125 với thanh khoản lớn và không cho tín hiệu cầu mua chủ động, nhà đầu tư nên chờ giao dịch ở vùng giá Hỗ trợ 2 và Hỗ trợ 3. Đây là các mốc hỗ trợ quan trọng thiết lập bởi vùng đáy cũ ghi nhận trong tháng 4 và tháng 8/2024 và đỉnh của năm 2023, hợp lưu ngưỡng Fibonacci 50%.
Thị trường chung đang cho áp lực điều chỉnh giảm, các kịch bản giao dịch hướng tới các chiến lược mua vào vị thế ngắn hạn khi VN-Index và cổ phiếu tiệm cận về hỗ trợ đáng tin cậy.
"Nhà đầu tư nên quan tâm đến các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ xu hướng vĩ mô như: BĐS khu công nghiệp, Dệt may, Thủy sản, Công nghệ, Thực phẩm… Nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành, có yếu tố cơ bản và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt, thể hiện sức mạnh hơn thị trường chung hoặc các cổ phiếu tạo mô hình đáy", báo cáo nêu rõ.