Diễn biến tài chính Công ty CP Phát triển nông nghiệp GFS thuộc Tập đoàn GFS của ông Nguyễn Thành Công có gì mới?

Quang Minh - Bảo Châu | 09:25 03/04/2024

Không có chuyển biến về kinh doanh trong nhiều năm qua liệu Công ty CP Phát triển nông nghiệp GFS Việt Nam (gọi tắt là Nông nghiệp GFS) là công ty con của Tập đoàn GFS liên tục có bước kinh doanh thụt lùi.

Diễn biến tài chính Công ty CP Phát triển nông nghiệp GFS  thuộc Tập đoàn GFS của ông Nguyễn Thành Công có gì mới?
Tập đoàn GFS đang chuyển hướng sang phát triển nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao

Theo tìm hiểu của Markettimes, Công ty CP Phát triển nông nghiệp GFS Việt Nam có trụ sở tại Số 508 Đường Trường Chinh, Phường Ngã Tư Sở, Quận Đống đa, Hà Nội. Đại diện theo pháp luật của Công ty nêu trên là Nguyễn Hồng Hạnh, Giám đốc là Lê Quang Hưng.

Trong đăng ký sáng lập, Công ty CP Phát triển nông nghiệp GFS Việt Nam có vốn 110 tỷ đồng với các cổ động Tổng công ty vật tư nông nghiệp CTCP nắm 26% (nhà nước), CTCP Quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất nắm 57%, CTCP Five Star GFS nắm 17%.

Trong đăng ký kinh doanh, ông Nguyễn Hồng Hạnh là chủ sở hữu của Công Ty Cổ Phần Phát Triển Nông Nghiệp GFS Việt Nam đồng thời là chủ sở hữu của CTCP Quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất là đơn vị góp vốn với quyền chi phối tại GFS Nông nghiệp. CTCP Five Star GFS (MST: 0106463329) là đơn vị thuộc tập đoàn GFS được đại diện bởi Phạm Thành Công có vốn điều lệ 120 tỷ đồng và ngành nghề đăng ký kinh doanh là Xây dựng dân dụng.

Theo báo cáo kinh doanh trong nhiều năm qua, kết quả kinh doanh dường như không thay đổi nhiều, nhưng qua các năm tài sản hao mòn đang là vấn đề đáng lưu ý của Công này.

Cụ thể, tổng tài sản của Công ty CP Phát triển nông nghiệp GFS Việt Nam trong 3 năm 2020, 2021, 2022, giảm đều từ hơn 114 tỷ đồng còn 113,9 tỷ đồng kéo theo đó sự dịch chuyển tài sản dài hạn và ngắn hạn không đáng kể, và sự tăng trưởng tổng tài sản qua các năm đang ở mức âm.

Trong các năm 2020, 2021, 2022 lợi nhuận của Công ty khá eo hẹp ở mức 399 triệu đồng, 725 triệu đồng và 615 triệu đồng.

Hàng tồn kho của Công ty giữ nguyên trong các năm 2020, 2021, 2022 là 16.156.721 đồng. Giá trị hao mòn lũy kế của Công ty trong năm 2022 là -2,1 tỷ đồng. Tựu chung, tổng nguồn vốn của Công ty nêu trên đang giảm dần đều qua các năm.

Hệ sinh thái của GFS có gì?

Tập đoàn GFS tiền thân là Trung tâm Quan hệ quốc tế - Đầu tư, thành viên của Tổng công ty Công trình giao thông 8 (CIENCO 8) thuộc Bộ Giao thông Vận tải, được lập ra năm 1997. Lĩnh vực hoạt động của Trung tâm khi đó là lắp ráp và sản xuất xe máy.

Sau khi được cổ phần hóa vào năm 2005, GFS đã chuyển đổi hoạt động theo mô hình đầu tư chuyên nghiệp. Đến hết năm 2020, tập đoàn này đã có tổng cộng 12 đơn vị thành viên, hoạt động trong 3 lĩnh vực mũi nhọn là tài chính, xây dựng, năng lượng. Ngoài ra, tập đoàn cũng đầu tư vào một số lĩnh vực như bất động sản, khoa học - công nghệ, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao.

Pháp nhân trung tâm của Tập đoàn GFS là Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất (viết tắt là CIRI), có trụ sở chính tại số 508 đường Trường Chinh, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.

Chủ tịch HĐQT của CIRI là ông Phạm Thành Công. Ông Công cũng đồng thời giữ chức danh lãnh đạo của nhiều đơn vị thành viên trong hệ thống Tập đoàn GFS.

GFS nói chung và CIRI nói riêng bước chân vào lĩnh vực bất động sản tương đối muộn, bắt đầu từ năm 2014 với dự án Five Star Garden. Sau thành công của dự án này, GFS mở rộng đầu tư và hiện sở hữu thêm ít nhất 5 dự án nhà ở khác tại Thủ đô với thương hiệu “Five Star” gồm: Five Star Mỹ Đình, Five Star Residence, Five Star Hà Đông, Five Star West Lake và Five Star Trường Chinh. Trong số các dự án này, Five Star West Lake được xem là dự án cao cấp nhất (quy mô một tòa nhà cao 14 tầng với chỉ 32 căn hộ bán).

 Điều đáng nói, dù là chủ đầu tư bất động sản, nhưng thực tế CIRI lại sống nhờ vào đầu tư tài chính. 

Cụ thể, trong giai đoạn 2017 – 2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của CIRI giảm liên tục, từ 631 tỷ đồng xuống 508 tỷ đồng rồi xuống 463 tỷ đồng. Biên lãi gộp “mỏng” với lợi nhuận gộp thực đạt chỉ đạt: 7,7 tỷ đồng, 5,3 tỷ đồng và 3,6 tỷ đồng.

 Ở chiều ngược lại, công ty ghi nhận các khoản chi phí lớn và liên tục gia tăng (như chi phí tài chính tăng từ 50 tỷ đồng lên 85 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng từ 8,7 tỷ đồng lên 35,5 tỷ đồng), khoản lợi nhuận gộp khó có thể bù đắp

Tuy nhiên, “cứu tinh” cho toàn bộ hoạt động kinh doanh của CIRI là các khoản đầu tư tài chính. Trong giai đoạn trên, doanh thu tài chính của công ty "đột biến" đạt 378,8 tỷ đồng vào năm 2017, nhưng sau đó giảm mạnh vào các năm 2018-2019 còn 127,6 tỷ đồng và 127,8 tỷ đồng.  

Do doanh thu tài chính suy giảm liên tục, lãi trước thuế của CIRI cũng giảm mạnh từ 328,6 tỷ đồng xuống 68 tỷ đồng, rồi chỉ còn 10,4 tỷ đồng. Tính ra trong 3 năm, lãi trước thuế của công ty giảm hơn 30 lần.

Một điều đáng chú ý khi xem xét tình hình kinh doanh của CIRI là vấn đề dòng tiền. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy trong giai đoạn 2017 – 2019, dòng tiền kinh doanh của công ty chỉ dương vào năm 2017, còn 2 năm sau đó đều rơi vào tình trạng âm nặng, lần lượt là -278 tỷ đồng và -51 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Dòng tiền âm có nghĩa rằng công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ không thu được tiền về. Để bù đắp dòng tiền, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, hoặc giảm chi đầu tư, hoặc thanh lý tài sản, hoặc tăng cường đi vay.

CIRI đã chọn giảm chi đầu tư (rõ nhất vào năm 2018) và tăng cường đi vay. Đây cũng là nguồn cơn dẫn đến việc nợ vay của công ty tăng mạnh trong các năm 2018 – 2019.

Bức tranh tài sản của CIRI cũng là điều đáng quan tâm khi xem xét cơ cấu tài sản CIRI có tốc độ gia tăng chóng mặt của các khoản phải thu ngắn hạn, từ 322 tỷ đồng (2017) lên 1.205 tỷ đồng (2019), tức tăng gấp 4 lần.

Trong vòng 3 năm, tỷ trọng của các khoản phải thu ngắn hạn trong tổng tài sản đã tăng một mạch từ 17,6% lên hơn 51%. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn của CIRI cũng giảm mạnh từ 964 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của CIRI trong cùng giai đoạn trên tăng mạnh từ 1.283 tỷ đồng lên 1.707 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu tăng từ 541 tỷ đồng lên 646 tỷ đồng.

Do vốn chủ sở hữu tăng chậm hơn, trong khi nợ phải có giá trị rất lớn (chiếm 2/3 tổng tài sản tính đến 2019) nên hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty ngày càng bị “đội” lên, từ 2,3 lần (năm 2017) lên 2,6 lần (năm 2019).

Chỉ xét riêng về nợ vay, tổng nợ vay của CIRI năm 2019 cũng đã đạt 1.058 tỷ đồng, gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Đây là một hệ số khá cao, ngay cả với những ngành thâm dụng vốn như bất động sản.

Tình hình vay nợ của CIRI cho thấy doanh nghiệp này đã tăng cường vay nợ một cách đều đặn trong các năm 2017 – 2019, trong đó vay ngắn hạn tăng từ 178 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng, vay dài hạn tăng từ 517 tỷ đồng lên 808 tỷ đồng. Dòng tiền vay - trả của doanh nghiệp này trong giai đoạn trên dao động trong khoảng 600 – 800 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, trong hệ sinh thái GFS Group của ông Phạm Thành Công, có những doanh nghiệp doanh thu cả trăm tỷ nhưng lãi không nổi 1 tỷ, lại có doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên tới hàng chục lần. Cá biệt có doanh nghiệp còn âm vốn chủ sở hữu nhiều năm liên tiếp.

Ví dụ như Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Nam: được thành lập năm 2001, có trụ sở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội. Người đại diện hiện tại là ông Nguyễn Văn Dũng.

Trong giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu của công ty này biến động rất lớn. Cụ thể, nếu năm 2016, doanh thu đạt 4,9 tỷ đồng thì sang năm 2017 lại bất ngờ không ghi nhận. Đến năm 2018, doanh thu đột ngột tăng tới 168 tỷ đồng, song đến năm 2019 lại giảm mạnh xuống chỉ còn 97,8 tỷ đồng.

Điều đáng nói là trong suốt giai đoạn trên, lợi nhuận sau thuế của công ty lúc nào cũng chỉ dưới 1 tỷ đồng, đã vậy lại còn suy giảm qua các năm, lần lượt là: 1 tỷ đồng, 563 triệu đồng, 780 triệu đồng và 388 triệu đồng. Tính chung 4 năm, lợi nhuận sau thuế đã giảm 2,5 lần.

Về tài sản, trong các năm 2016 – 2018, tổng tài sản tăng đều đặn từ 241 tỷ đồng lên 419 tỷ đồng. Song tới năm 2020 đà tăng này bị bẽ gẫy, tổng tài sản quay đầu giảm còn 371 tỷ đồng.

Hầu hết tài sản của công ty giai đoạn này được tài trợ bằng nợ phải trả, lên tới hơn 90%. Trong cùng giai đoạn nêu trên, nợ phải trả đã tăng từ 218 tỷ đồng lên 346 tỷ đồng, tương đương tăng 58%. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu lại gần như không đổi (dao động 23 – 24 tỷ đồng). Vì thế, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty những năm qua luôn ở mức cao, lần lượt là: 9,5 lần (2016), 9,2 lần (2017), 16,2 lần (2018) và 14 lần (2019).

Tại Công ty Cổ phần Cơ kim khí Hà Nội, một doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái GFS có kết quả kinh doanh kém tích cực là Công ty Cổ phần Cơ kim khí Hà Nội.

Doanh nghiệp này thành lập từ năm 2002, trụ sở tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất cơ khí, xuất khẩu & nhâp khẩu máy móc thiết bị, vật tư hàng hóa phục vụ cho ngành mạ, kim. Chủ tịch HĐQT hiện tại của doanh nghiệp là ông Lê Minh Tú, Tổng giám đốc là ông Nguyễn Huy Thành.

Về tình hình kinh doanh, những năm 2016 – 2019, doanh thu của công ty tăng trưởng đều đặn, song giá trị không lớn, lần lượt là: 2,3 tỷ đồng, 4,9 tỷ đồng, 5,3 tỷ đồng và 6,2 tỷ đồng.

Biên lợi nhuận gộp khá cao, trung bình 50%, nhưng giá trị lãi sau thuế lại không tốt. Cụ thể, những năm 2016 – 2017, công ty báo lỗ sau thuế lần lượt là -1,5 tỷ đồng và -388 triệu đồng. Phải tới giai đoạn 2018 – 2019, lãi sau thuế mới là số dương, lần lượt là: 469 triệu đồng và 716 triệu đồng.

Trong suốt giai đoạn 2016 – 2019, công ty Cơ kim khí Hà Nội chìm trong cảnh âm vốn chủ sở hữu kéo dài với mức âm lần lượt là: -8,3 tỷ đồng, -8,5 tỷ đồng, -8,1 tỷ đồng và -7,4 tỷ đồng.

Về tài sản, trong cùng giai đoạn nêu trên, tài sản giảm từ 4,8 tỷ đồng xuống còn 3,4 tỷ đồng. Nợ phải trả cũng giảm từ 13,2 tỷ đồng xuống 10,8 tỷ đồng. Diễn biến đáng lưu ý là trong khi nợ ngắn hạn có xu hướng giảm (từ 11 tỷ đồng xuống 5 tỷ đồng) thì nợ vay dài hạn tăng mạnh từ 1,9 tỷ đồng lên 5,6 tỷ đồng.

 

 

 




(0) Bình luận
Diễn biến tài chính Công ty CP Phát triển nông nghiệp GFS thuộc Tập đoàn GFS của ông Nguyễn Thành Công có gì mới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO