Khi tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80 km, với tổng vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng thông xe vào tháng 9/2022, một cột mốc mới được xác lập cho tỉnh Quảng Ninh. Đây là tuyến cuối cùng được hoàn thành của tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh với tổng chiều dài 176 km, chiếm 16,8% tổng chiều dài đường cao tốc hiện có của cả nước (176 km/1.046 km); giúp cho Quảng Ninh là địa phương duy nhất cả nước sở hữu tuyến cao tốc dài nhất, hiện đại nhất Việt Nam.
Tuyến cao tốc kết thúc tại Km 175+820 - đoạn giao với đường tỉnh 335 và đường dẫn cầu Bắc Luân II tại thành phố Móng Cái – nơi địa đầu Tổ quốc.
Cửa ngõ Trung Quốc - ASEAN
Móng Cái không chỉ là thành phố thứ hai được thành lập tại tỉnh Quảng Ninh, sau Hạ Long; mà còn là thành phố cửa khẩu quốc tế duy nhất trong cả nước có đường biên giới cả trên bộ, trên biển với Trung Quốc.
Nếu như kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái năm 2000 đạt 136,6 triệu USD thì đến những năm gần đây đã tăng gấp 29 lần, đạt trên 4 tỷ USD/năm – dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2000 là 565 USD/người, thì đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 9 lần, đạt 5.051 USD/người, vẫn cao hơn mức bình quân cả nước (3.526,27 USD).
Một trong những “mũi tiến công” về kinh tế của mảnh đất này chính là Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Đây là khu kinh tế có diện tích lớn nhất trong các khu kinh tế của Việt Nam, trên diện tích khoảng 121.197ha; là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm của quốc gia.
Mới đây, ngày 1/11, Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, một trong 6 đề án trọng tâm là xây dựng các cơ chế, chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Ninh).
Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc bộ, của Vành đai kinh tế ven biển Bắc bộ và Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành (Trung Quốc); là trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp và cảng biển, logistics, dịch vụ tổng hợp của tỉnh Quảng Ninh và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, hết năm 2022, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đã thu hút được 110 dự án đầu tư, trong đó có 16 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 223,94 triệu USD và 94 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 30.119 tỷ đồng.
Hiện nay, khu kinh tế đang hội tụ đầy đủ các lợi thế hạ tầng giao thông khi kết nối thẳng tuyến cao tốc hơn 570 km từ Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái. Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2024) có năng lực đón tàu trọng tải 2 vạn tấn sẽ là điểm trung chuyển hàng nông sản từ miền Nam ra, kết nối tuyến vận tải biển xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc không chỉ cho khu vực trong nước mà còn cả các nước ASEAN.
Đại diện lãnh đạo TP Móng Cái từng thông tin địa phương đã dành quỹ đất 1.300 ha, giáp với TP Đông Hưng (Trung Quốc) và nằm giữa cửa khẩu Bắc Luân II với đường dẫn và cầu Bắc Luân III. Khu vực này kết nối thẳng tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái và rất thuận lợi trong việc kết nối giao thương, phát huy lợi thế vị trí địa lý để mở rộng hoạt động hợp tác, thu hút đầu tư, thương mại, chế biến, chế tạo công nghệ cao, giao lưu hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác của Đông Hưng (Trung Quốc).
Trong một diễn biến liên quan, cuối tháng 10, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt phương án thí điểm quản lý xe du lịch tự lái Trung Quốc vào TP Móng Cái, TP Hạ Long và phối hợp quản lý xe du lịch tự lái Việt Nam sang Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Cụ thể từ 6/11, dịch vụ du lịch bằng xe tự lái giữa TP Móng Cái (Quảng Ninh) và TP Đông Hưng (Trung Quốc) sẽ được triển khai thực hiện qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (khu vực cầu Bắc Luân II). Việc thí điểm loại hình du lịch đặc biệt này bắt đầu từ cuối tháng 9/2023 và kéo dài đến hết ngày 30/9/2026.
Trong bối cảnh Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, khi tiêu thụ đến hơn 1/4 giá trị xuất khẩu nhóm nông, thủy sản của Việt Nam; đồng thời là quốc gia đứng thứ 2 đầu tư tại Việt Nam thì việc phát triển toàn diện khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là cơ hội cho địa phương này tiếp tục bứt phá.