Dịch vụ giặt giày cực hot ở Trung Quốc: Quẹt điện thoại là có người tới cửa lấy giày giặt sạch sẽ thơm tho, thợ gen Z lương cao hơn tân cử nhân

Thùy An | 09:48 01/12/2022

Chỉ cần quẹt điện thoại, sẽ có người tới tận nhà nhận giày đem đi giặt, hong khô, khử trùng, phục chế lại từ A đến Z.

Dịch vụ giặt giày cực hot ở Trung Quốc: Quẹt điện thoại là có người tới cửa lấy giày giặt sạch sẽ thơm tho, thợ gen Z lương cao hơn tân cử nhân

Trong vài năm trở lại đây, ‘nền kinh tế lười’ ở Trung Quốc đang ngày một trỗi dậy. Dịch vụ giặt giày cũng vì thế mà cũng ngày càng ‘hot’, quy củ và chuyên nghiệp hơn trước. Người trẻ theo làm nghề này không ít và cũng đạt được mức thu nhập đáng kể. Trong mùa cao điểm, một gen Z nếu xử lý được 200 đôi giày mỗi ngày thì lương tháng có thể đạt hơn 10.000 Nhân Dân Tệ (NDT) (khoảng gần 35 triệu đồng (VNĐ))(Theo trang Statista, lương trung bình của sinh viên mới ra trường ở Trung Quốc năm 2021 là gần 6.000 NDT, tương đương khoảng 20 triệu VNĐ).

Vì sao dịch vụ giặt giày lại ‘hot’ ở Trung Quốc?

Do mức sống tăng cao nhưng lịch trình mỗi ngày lại bộn bề, gần đây người tiêu dùng bắt đầu để ý đến những loại máy móc tiết kiệm thời gian cho họ, ví dụ như máy giặt giày. Chiếc máy này đã giúp cuộc sống của họ tiện lợi hơn vì nếu giặt tay thì vừa tốn thời gian mà lại không sạch.

Trong thời đại ‘nền kinh tế lười’, tiếp bước ấm trà sạc điện, nồi chiên không dầu, máy lau sàn nhà, thì máy giặt giày là một mặt hàng ‘hot’ vì giúp ‘giải phóng đôi tay’. Thị trường Trung Quốc nhộn nhịp với đủ loại mẫu mã như máy giặt giày gia dụng, chuyên dụng, tự động toàn bộ, vừa giặt vừa hong khô, giặt bằng sóng siêu âm, vân vân với giá dao động từ 200 NDT (khoảng 700.000 VNĐ) đến 800 NDT (khoảng 2,7 triệu VNĐ). Cá biệt có cả loại trên 1.000 NDT (gần 3,5 triệu VNĐ). Theo số liệu của nền tảng thương mại điện tử JD của Trung Quốc, trong vòng ba ngày trước ngày 1 tháng 10 (quốc khánh của nước này), doanh số máy giặt giày tăng 700% so với cùng kỳ. Từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2022, số lượng máy giặt giày trên thị trường đã vượt qua 300.000 chiếc.

Tuy nhiên, công nghệ máy giặt giày hãy còn nhiều hạn chế, đôi khi lại trở thành khoản đầu tư lỗ cho người tiêu dùng. Mỗi đôi giày lại có chất liệu khác nhau, không phải máy nào cũng phù hợp hay giặt sạch được hết. Đôi khi, vẫn cần tới bàn tay thủ công.

Những người trong giới chơi giày nước này cho biết, họ từng gặp nhiều phiền hà vì lỡ làm hỏng những đôi giày trị giá vài nghìn NDT trong khi tự giặt tay ở nhà. Do đó, tìm đến dịch vụ giặt giày chuyên nghiệp là một cách để bảo vệ đôi giày đắt tiền yêu quý của mình.

Chưa kể, có những người bận rộn đến mức không có thời gian mà chọn mua, vận hành và bảo trì một chiếc máy giặt giày tại nhà. Vì thế, không ít người quyết định mang ra tiệm giặt giày cho nhanh. Do vậy, tiềm năng thị trường của dịch vụ này cứ ngày một lớn.

‘Giặt giày’ - từ khóa ‘hot’ trên mạng xã hội Trung Quốc

‘Trước và sau khi giặt’ – Một hình cảnh quảng cáo trên mạng Trung Quốc

Hiện nay, người ta chủ yếu tự mang giày đến tận cửa hàng. Nhưng nhiều người đã nhanh tay mở đơn hàng qua mạng và cung cấp dịch vụ tới tận nhà nhận giày về giặt. Trên ứng dụng Weixin, ‘giặt giày’ đang trở thành từ khóa ‘hot’, với mức giá rẻ thì từ 9,9 NDT (khoảng 35.000 VNĐ), đắt thì lên tới 59 NDT (hơn 200.000 VNĐ).

’Chỉ cần quẹt tay, có người giặt ngay!’, ’Sạch như mẹ giặt‘, ’Giặt giày thông minh qua mạng xã hội‘, vân vân, những khẩu hiệu này xuất hiện khắp nơi trên mạng xã hội ở Trung Quốc. Trên các nền tảng video ngắn cũng không thiếu những nội dung quảng cáo có liên quan.

Bên trong một cửa hàng giặt giày có gì?

Tại phòng giặt giày của một cửa hàng ở Thanh Đảo, Trung Quốc, người ta có thể thấy những đôi giày đã được giặt sạch sẽ, thơm tho, đóng gói cẩn thận, xếp ngay ngắn trên kệ đàng hoàng, trông không khác gì một tiệm giày chính cống.

Đầu tiên, nhân viên cửa hàng sẽ đi nhận giày về rồi tiến hành phân loại, đánh dấu nếu thấy các vết bẩn đặc biệt hay các vết sờn, nứt. Tiếp đó, giày được chia làm hai nhóm: có thể cho thẳng vào máy, hay phải xử lý đặc biệt (ví dụ như giày da, giày phải giặt khô hay phải ngâm xà phòng trước).

Trong phòng giặt, một nhân viên sẽ tách riêng dây và thân giày, ngâm chất tẩy rửa rồi chà bằng bàn chải. Bên cạnh đó, có một máy giặt giày tự động lắp đặt bàn chải nhiều cỡ khác nhau. Sau khi bật công tắc, bàn chải sẽ chuyển động, thợ giặt chỉ cần đặt giày lên bàn chải là chẳng mấy chốc sẽ xong luôn. Giày giặt xong sẽ được hong khô và xử lý sát khuẩn bằng máy.

Bên trong phòng giặt còn có nhiều loại sơn màu chuyên dụng, đây là khu vực ‘làm đẹp’ cho giày để tô hay nhuộm màu lại cho giày cũ. "Khi nhận giày, nhân viên sẽ kiểm tra kỹ lưỡng từng đôi để phát hiện xem chúng có những vấn đề gì, bao gồm mất màu do sờn mòn. Nếu khách yêu cầu thì chúng tôi sẽ nhuộm lại màu để trông đẹp như mới" – Ông chủ cửa hàng cho biết.

Ngoài ra, còn có một khu khác để sửa giày với nguyên một tường treo đầy dụng cụ. Nhiều đôi cần được may vá, dán keo lại. Khách đến đây đều là những người mê giày mà giá mỗi đôi rất cao, thợ giày vì thế cũng phải sửa chữa thật là ‘có tâm’.

Muốn trụ lâu phải có thực lực

Trong suy nghĩ của nhiều người, giặt giày là một công việc vừa bẩn vừa vất vả. Nhưng quy trình trong các cửa hàng này lại rất sạch sẽ, chuyên nghiệp và rõ ràng. Những người thợ giặt giày cũng toàn là người trẻ. Có những người đã theo nghề vài năm. Ban đầu, họ cũng cứ tưởng mọi việc chỉ đơn giản như giặt giày ở nhà nhưng mọi thứ lại nghiêm ngặt hơn thế. Nó đòi hỏi các kỹ năng như nhận biết chất liệu giày, biết đâu là da thật hay da giả, phải hiểu rằng giày da lộn cần xử lý đặc biệt dễ bị đổi màu, vân vân. Những điều này học một thời gian mới dần quen.

Công việc cũng đòi hỏi sự nhanh nhẹn, tập trung để mỗi ngày một nhân viên phải xử lý được khoảng 120 đôi. Vào mùa cao điểm thì mỗi ngày 200 đôi là chuyện bình thường. Thông thường, khách muốn nhận lại giày trong vòng ba ngày, quá ba ngày là rất dễ mất khách. Chưa kể, nhiều đôi giày hàng hiệu đắt tiền cũng đòi hỏi sự cẩn thận cao độ từ thợ giặt. Nếu chẳng may làm hỏng thì cả cửa hàng sẽ gặp đủ rắc rối với khách hàng.

Cạnh tranh trên thị trường cũng ngày càng gay gắt, sinh ra tình trạng thượng vàng hạ cám. Có những cửa hàng phá giá để chiếm thị phần, có cửa hàng thì tay nghề lại quá non, lại có cửa hàng cậy nhiều vốn mở rộng nhanh mà không quản lý được hết. Giới đầu tư có chú ý tới mảng này nhưng không mấy ai nhảy vào làm lớn vì họ cho rằng dịch vụ giặt giày như đang đi trên một chuyến tàu nhanh, chẳng mấy chốc sẽ bão hòa và viễn cảnh chẳng còn đẹp đẽ nữa. Đây là một dịch vụ mang tính khu vực, rất khó để trở nên độc quyền.

Lời kết: không chỉ để phục vụ người ‘lười’

Ông chủ tiệm giặt ở Thanh Đảo nói trên đã theo nghề này mười lăm năm. Ông kể rằng mấy năm trước có đôi vợ chồng già đến cửa hàng nhờ giặt một đôi giày cũ. Đây là đôi mà cụ bà từng đi trong ngày cưới. Đế giày đã bong keo, thân giày thì cũ sờn. Sau một quá trình giặt và phục chế tỉ mỉ, đôi giày lại trông như mới khiến đôi vợ chồng rất vui. Người ta cho rằng giày cũ, rách rồi thì cứ thế mà vứt đi, nhưng đối với nhiều người thì một đôi giày cũ lại chứa nhiều kỷ niệm.

Do đó, thực chất dịch vụ này không chỉ để phục vụ những người ‘lười’ trong cuộc sống dồn dập ngày nay, mà còn mang lại lợi ích cho cả những người tiêu dùng ‘chậm’ và bền vững khi muốn kéo dài tuổi thọ của vật dụng.

Tham khảo từ: Dushi Bandao

Bài liên quan

(0) Bình luận
Dịch vụ giặt giày cực hot ở Trung Quốc: Quẹt điện thoại là có người tới cửa lấy giày giặt sạch sẽ thơm tho, thợ gen Z lương cao hơn tân cử nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO