ĐHĐCĐ PC1: Kế hoạch lợi nhuận 511 tỷ, Chủ tịch HĐQT mong nhà đầu tư đừng nghĩ khai thác Niken thì nhiều tiền

Hà Linh | 14:44 26/04/2023

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT PC1 chia sẻ “Ban lãnh đạo cũng không vui lắm với kế hoạch kinh doanh. Ban đầu cũng cảm nhận ra số khác nhưng tính toán chi tiết lại ra số như vậy”.

ĐHĐCĐ PC1: Kế hoạch lợi nhuận 511 tỷ, Chủ tịch HĐQT mong nhà đầu tư đừng nghĩ khai thác Niken thì nhiều tiền

Sáng 26/4, CTCP Tập Đoàn PC1 (mã PC1) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu đạt 9.450 tỷ đồng, tăng 13% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 511 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với thực hiện năm ngoái. Cổ tức dự kiến 15%.

Với khối năng lượng, trọng tâm trong năm 2023 là vận hành ổn định, an toàn và hiệu quả 10 nhà máy điện đang phát điện. Tiếp tục phát triển các dự án mới cho giai đoạn tiếp theo và tích cực nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác các dự án mới để có kế hoạch đầu tư trung và dài hạn. Kế hoạch khởi công các nhà máy thủy điện đã quy hoạch.

Với mảng bất động sản dân dụng, PC1 dự kiến sẽ hoàn thành công tác xây dựng và mở bán 2 dự án trong năm 2023, hoàn thiện cấp phép các dự án đang được triển khai, tiếp tục nghiên cứu các dự án mới.

Với mảng bất động sản công nghiệp, công ty sẽ tập trung nguồn lực đầu tư cho mục tiêu dài hạn. Riêng trong năm 2023, PC1 dự kiến sẽ triển khai các thủ tục pháp lý đầu tư dự án khu công nghiệp Nomura - Hải Phòng mở rộng diện tích 200 ha. Ngoài ra, công ty còn có kế hoạch đầu tư các dự án khu công nghiệp, tổng mức đầu tư mỗi dự án từ 2.500-6.000 tỷ đồng.

Với khối khoáng sản và vật liệu mới, PC1 sẽ vận hành hiệu quả nhà máy tuyển Nickel - Đồng Cao Bằng, triển khai các thủ tục để phát triển đầu tư giai đoạn tiêp theo.

Với khối tổng thầu EPC, PC1 sẽ bám sát chiến lược của 2023 - 2025 với tầm nhìn trở thành nhà tổng thầu chuyên nghiệp 2023, còn năm 2023 vào top 3 Việt Nam, top 5 Đông Nam Á về lĩnh vực tổng thầu EPC công trình điện,...

Năm 2022 trước đó, PC1 ghi nhận doanh thu đạt 8.358 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 537 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 76% và 82% kế hoạch năm. Với kết quả đạt được, công ty dự kiến chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu tương ứng sẽ phát hành 40,6 triệu cổ phiếu. Thời gian hoàn thành dự kiến trong quý 4/2023.

Trong phần thảo luận, nhiều câu hỏi của cổ đông liên quan đến các mảng hoạt động chính của PC1 đã được Ban lãnh đạo giải đáp.

Kế hoạch 2023 liệu có quá thấp?

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT PC1 chia sẻ “Ban lãnh đạo cũng không vui lắm với kế hoạch kinh doanh. Ban đầu cũng cảm nhận ra số khác nhưng tính toán chi tiết lại ra số như vậy”.

Theo lý giải của ông Tuấn, tình hình kinh tế chung không có nhiều thuận lợi, ngành năng lượng cũng không thuận lợi. Quy hoạch điện 8 vẫn còn đang trong giai đoạn chờ ban hành. Tình hình tài chính của EVN cũng ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, kế hoạch thu hồi công nợ. Ngoài ra, hoạt động phụ tải điện tăng trưởng thấp, một số vùng thậm chí còn tăng trưởng âm.

Bên cạnh đó, nợ vay của PC1 tăng mạnh trong quá trình đầu tư, dư vay dài hạn gần 7.500 tỷ đồng trong khi một số dự án chưa sinh lời. Xu hướng tăng lãi suất khiến chi phí tài chính cũng tăng cao. Tuy nhiên, Chủ tịch PC1 cũng nhấn mạnh đây là việc phải làm để đón đầu xu hướng vì “không ai cho không ai cái gì” và các khoản vay tin cậy với lãi suất khá thấp so với mặt bằng chung.

Thêm nữa, PC1 còn phải phân bổ lợi thế thương mại từ các dự án khoảng sản, mỗi năm khoảng vài chục tỷ. Lĩnh vực bất động sản nhà ở chưa mang lại doanh thu và lợi nhuận. Đồng thời, công ty cũng phải dự phòng tài chính cho các khoản đòi nợ chậm, một số dự án có thể kéo dài, thậm chí dừng lại và thanh lý hợp đồng.

“Kết quả kinh doanh quý 1 và 2 thấp do điểm rơi của mảng sản xuất và xây lắp thường rơi vào nửa sau của năm trong khi bất động sản nhà ở chưa có doanh thu, lợi nhuận. 6 tháng đầu năm doanh thu đạt khoảng 37% và lợi nhuận có thể chỉ đạt dưới 30% kế hoạch năm” - Chủ tịch PC1 tiết lộ.

Về mảng khu công nghiệp (KCN)

Sau nhịp giá FIT của năng lượng tái tạo 2021, Ban lãnh đạo PC1 nhận thấy cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này đang giãn ra một nhịp 5 năm. Do đó, tập đoàn đã điều chỉnh chiến lược chuyển sang tập trung vào mảng khu công nghiệp với khoản đầu tư vào Western Pacific là bước ngoặt. Hiện tại, PC1 đã và đang tiếp tục triển khai nhiều dự án KCN tại nhiều địa phương có lợi thế cạnh tranh và khả năng thu hút FDI vào loại hàng đầu.

Tại Bắc Ninh, dự án Yên Phong 3 đang bán hàng khá tốt, không còn đất để bán, còn khoảng trên 100 ha. Giá bán khoảng 158 – 160 USD/m2, cao hơn kế hoạch ban đầu. Dự kiến cuối năm nay sẽ bàn giao khách hàng đầu tiên và đến tháng 6 năm sau cơ bản hoàn thành.

Dự án Yên Lư tại Bắc Giang với quy mô 230 ha cũng đang đúng tiến độ. Các dự án tại Hà Nam bao gồm cụm công nghiệp Yên Lệnh đã giải phóng mặt bằng, đến quý 2 sẽ khởi công và 2 KCN Đồng Văn 4, 5 đang trình quy hoạch lên Chính phủ. Dự kiến cuối năm nay có xác nhận chủ đầu tư đầy đủ.

Ước tính doanh thu và lợi nhuận của Nomura?

Với dự án Nomura tại Hải Phòng, PC1 đã hoàn tất mua lại và bàn giao tháng 11/2022. Doanh thu dự kiến đạt 650 tỷ và lợi nhuận khoảng 110-120 tỷ sau thuế/năm. Công ty đang trong quá trình tiếp tục đầu tư dự án Nomura 2 với quy mô 200 ha với 100% vốn của PC1. Dự án đã có quy hoạch của Chính phủ và quy hoạch sử dụng đất. Dự kiến đến tháng 4/2024 sẽ đủ thủ tục chứng nhận đầu tư để triển khai.

Theo tính toán của Ban lãnh đạo PC1, chi phí đầu tư cho một dự án KCN sẽ rơi vào khoảng 1000-1.200 tỷ/100ha. Như vậy, tổng mức đầu tư ước tính cho dự án Nomura 2 sẽ vào khoảng 2.500 tỷ đồng. Cơ cấu dự kiến là 20/80 hoặc 25/75. Tập đoàn cũng đang làm việc với các ngân hàng trong nước để thu xếp vốn và nhận được phản hồi tích cực.

Dự định phát triển KCN nào thông qua công ty Phú Bình, quy mô ra sao?

Với chủ trương đầu tư 10 năm tối thiểu 1.500 ha, Ban lãnh đạo PC1 đánh giá là hoàn toàn khả thi, thậm chí có phần khiêm tốn. Tập đoàn cho biết các dự án đang tiếp cận và làm việc đã có quy mô trên 1.000 ha.

Động thái mua 36% Phú Bình chỉ là bước đầu. PC1 đang thực hiện báo cáo chiến lược với KPMG. Tập đoàn dự kiến sẽ mua tối thiểu 55% để thực hiện các dự án tại Vũng Tàu với quy mô khoảng 300 ha/dự án.

Về kế hoạch tài chính, Chủ tịch PC1 cho biết công ty chưa đến đoạn cần vốn ngay. Nomura 2 đến quý 2 năm sau mới cần chi nhiều tiền trong khi các dự án khác vẫn đang trong giai đoạn đầu.

Về mảng khoáng sản

Các câu hỏi của cổ đông chủ yếu xoay quanh mỏ Niken. Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn cho biết, sau khi quyết toán, tổng mức đầu tư cho nhà máy khai thác vào khoảng 1.900 tỷ đồng trong đó vốn vay chiếm 1.100 tỷ, còn lại là vốn tự có. Lãi suất vay bằng lãi suất bình quân của 4 ngân hàng lớn + biên độ 3-4%. Biên lãi khá cao do là lĩnh vực mới.

Ban lãnh đạo cho biết, tập đoàn đã làm việc với các bên mua, được rất nhiều nhà sản xuất quốc tế quan tâm. Tuy nhiên, PC1 quyết định bán cho Trafigura của Thuỵ sỹ với giá cao hơn LME, sản lượng tối tiểu 5.000 tấn/lô hàng. Dự kiến sẽ xuất khoảng 38.000 tấn trong năm nay với doanh thu 900-1.000 tỷ tính từ tháng 5, lợi nhuận sau thuế ước khoảng 160 tỷ đồng.

Để tránh nhà đầu tư hiểu nhầm, Ban lãnh đạo PC1 cũng đã chia sẻ thêm về lĩnh vực này. Theo đó, sản phẩm của PC1 là tinh quặng đạt tiêu chuẩn quốc tế và là một dạng nguyên liệu để sản xuất ra pin cho ô tô điện. Việt Nam vốn không phải vùng có lợi thế nhiều về Niken nhưng công ty đã khảo sát và nghiên cứu thấy đủ để nhà máy hoạt động vài chục năm.

Ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, mỏ Niken tuy quý nhưng hàm lượng nghèo. Phải có công nghệ hàng đầu, đầu tư rất nhiều tiền mới khai thác được. Tuy nhiên, hàm lượng chưa đến 1%, đầu vào tuyển chỉ có 0,5% Niken và 0,2% Đồng. Ngoài ra, các quy định về môi trường, thuế cũng rất nghiêm ngặt.“Đừng nghĩ khai thác Niken thì hay lắm, nhiều tiền lắm” - Chủ tịch PC1 mong nhà đầu tư thấu hiểu.

Về khối EPC

PC1 nhận định, năm 2023 mảng hoạt động này sẽ chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố như tiến độ của Quy hoạch điện 8 của Chính phủ, tình hình tài chính của EVN. Theo đại diện công ty, tình hình tài chính của EVN gặp khó khăn nên chưa trình giá bán điện bình quân. Khả năng sẽ có đợt điều chỉnh giá vào quý 3, 4 nhưng tăng không nhiều. Ngoài ra, chủ trương tối ưu hoá và tiết kiệm của EVN cũng sẽ ảnh hưởng đến mảng EPC. Trong bối cảnh đó, tập đoạt định hướng ưu tiên cao cho việc tập trung kiểm soát dòng tiền và rủi ro.

Lợi thế cạnh tranh của PC1 là gì?

Đại diện PC1 cho biết, tập đoàn đang phát huy tối đa năng lực quản lý dự án theo chuẩn quốc tế, ứng dụng phần mềm quản lý tiên tiến, tăng cường phát triển chất xám, dịch vụ pháp lý và khả năng tối ưu hoá giá thành trong chuỗi.

Về định hướng phát triển, đối với thị trường trong nước, các dự án chờ, PC1 tiếp tục hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thiện. Các nhà máy điện gió, công ty đang hoàn thiện chuỗi giá trị và tham gia. Đối với thị trường quốc tế, tập đoàn hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn.

Giá trị hợp đồng EPC ký mới là bao nhiêu?

Trưởng ban tài chính PC1 cho biết, giá trị hợp đồng chuyển tiếp khối EPC năm nay vào khoảng 4.000 tỷ, kế hoạch ký mới khoảng 5.000 tỷ đồng. Tập đoàn ước doanh thu mảng EPC năm 2023 vào khoảng hơn 4.600 tỷ. Trong quá trình triển khai, nếu thuận lợi, con số có thể tốt hơn.

Về mảng năng lượng

Đối với lĩnh vực điện gió, Ban lãnh đạo cho biết, thông thường sản lượng năm đầu vận hành sẽ không cao. Tuy nhiên, những dự án PC1 đang nghiên cứu đều ở vùng đón gió tốt. EVN bán điện theo tỷ giá quy đổi, do đó ảnh hưởng biến động tỷ giá không đáng kể. Tuy nhiên, theo chuẩn mực kế toán phải ghi nhận trước lỗ tỷ giá chưa thực hiện. Giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố đầu vào, cơ chế giá điện, đấu giá hay giá FIT.

Đối với lĩnh vực thuỷ điện, kế hoạch kinh doanh của PC1 đã tính toán đến ảnh hưởng của hiệu ứng El-Nino. Đại diện công ty cho biết, sản lượng giảm tối đa chưa đến 10%.

Rủi ro đối với lĩnh vực này cũng đến từ việc EVN chậm trả làm tăng chi phí tài chính. Các ảnh hưởng khác gần như không khó.

Về mảng bất động sản

Công ty đánh giá thị trường bất động sản dự kiến quý 4/2023 đến đầu năm 2024 vấn đề pháp lý sẽ được tháo gỡ. Trong khi đó, tình hình kinh tế phải đến cuối năm 2024 mới phục hồi. Đại diện PC1 cũng cập nhật tiến độ triển khai các dự án bất động sản nhà ở của công ty như sau:

Dự án Gia Lâm: dự kiến cuối quý 2 sẽ bắt đầu khởi công, dự kiến bán hàng trong tháng 9, bàn giao tháng 12/2023;

Dự án Định Công: quý 2 có thủ tục pháp lý, khởi công vào quý 4/2024, bán hàng vào quý 2/2025, bàn giao quý 4/2025

Dự án Vĩnh Hưng: quý 3/2025 có thủ tục pháp lý, khởi công vào quý 4/2025, bán hàng vào quý 2/2026, bàn giao 2027

Tổng doanh thu của 3 dự án ước tính vào khoảng 2.500 tỷ và lợi nhuận sau thuế dự kiến hơn 400 tỷ đồng.

Trong phần cuối của Đại hội, toàn bộ tờ trình đã được cổ đông bỏ phiếu thông qua.


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
ĐHĐCĐ PC1: Kế hoạch lợi nhuận 511 tỷ, Chủ tịch HĐQT mong nhà đầu tư đừng nghĩ khai thác Niken thì nhiều tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO