ĐHĐCĐ Chứng khoán BSC: Kế hoạch lãi 565 tỷ đồng, hướng tới mục tiêu vững chắc trở lại top 10 thị phần môi giới

Dương Ngọc | 15:24 14/04/2023

"Trong thời gian tới, để quay trở lại top 10 một cách vững chắc, công ty sẽ tận dụng lợi thế là tệp khách hàng của Ngân hàng mẹ BIDV và công nghệ mạnh mẽ từ cổ đông lớn Hana."

ĐHĐCĐ Chứng khoán BSC: Kế hoạch lãi 565 tỷ đồng, hướng tới mục tiêu vững chắc trở lại top 10 thị phần môi giới

Ngày 14/3, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC, mã: BSI) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.

Mục tiêu lãi gấp gần 4 lần, lọt top 10 thị phần môi giới trên HoSE

Trên cơ sở tiềm lực tài chính được mở rộng, cùng với sự hỗ trợ của đối tác chiến lược Hàn Quốc Hana Securities, BSC đặt mục tiêu kế lợi nhuận trước thuế đạt 565 tỷ đồng (tăng 279% so với thực hiện 2022). 

Sang năm 2023, HĐQT nhận định có nhiều thách thức khi suy thoái kinh tế nhiều khả năng sẽ xảy ra. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là quốc gia được nhiều tổ chức uy tín đánh giá là điểm đến đầu tư lý tưởng với mức tăng trưởng tốt. Với những chính sách tài khoá hỗ trợ đà tăng trưởng, sự hỗ trợ tập trung tháo gỡ các nút thắt trên thị trường tiền tệ từ Chính phủ, thị trường chứng khoán Việt Nam 2023 có nhiều tiềm năng tăng trưởng. 

BSC cũng đặt mục tiêu lọt top 10 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE năm 2023. Ngoài ra, hệ số an toàn tài chính dự kiến tối thiểu 260%.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, BSC đã thông qua việc đổi tên công ty từ: “Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam” thành “Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV” và tên viết tắt là: BSC. Việc đổi tên này nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, nhận diện thương hiệu BSC gắn với hệ sinh thái BIDV.

Mặt khác, Đại hội thông qua phương án phát hành thêm 15 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Trong đó, gần 9,4 triệu cổ phiếu được phát hành để trả cổ tức (tỷ lệ thực hiện quyền 5%) và hơn 5,6 triệu cổ phiếu được phát hành theo phương án xử lý Quỹ dự trữ bổ sung VĐL và Quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ (tỷ lệ 3%). Nếu 2 đợt phát hành đều thành công, vốn điều lệ của BSC sẽ tăng từ hơn 1.878 tỷ đồng lên gần 2.028 tỷ đồng.

Đồng thời, đại hội đã thống nhất bầu bổ sung bà Kang Hee Joung trở thành thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ III năm 2021 – 2026.

Nhiệm vụ trọng tâm 2023 bao gồm:

(i) Cải thiện chất lượng tổng thể các mảng kinh doanh trên cơ sở quản trị rủi ro, tạo nền tảng và nguồn lực vững mạnh để nắm bắt cơ hội kinh doanh khi thị trường phục hồi.

  1. (ii) Nâng cao vị thế và thứ hạng, phấn đấu quay trở lại top 10 thị phần môi giới cổ phiếu.

(ii) Chuyển đổi số, tích hợp sâu vào từng hoạt động tại BSC, gắn liền với các sản phẩm dịch vụ và quy trình vận hành.

(iii) Tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới trên cơ sở hợp tác với cổ đông chiến lược Hana Securities (phát triển các mảng kinh doanh fintech, quản lý tài sản,…).

(iv) Hoàn thiện công tác tổ chức nhân sự, tiền lương theo hướng tinh gọn và gắn với hiệu suất công việc, mang tính cạnh tranh trên thị trường.

Về phương án chi trả cổ tức năm 2022, BSC được ĐHCĐ thông qua kế hoạch chi trả cổ tức 10% với cả 2 hình thức tiền mặt và cổ phiếu (cùng tỷ lệ 5%). Sang năm 2023, mức chi cổ tức dự kiến 10% bằng tiền hoặc cổ phiếu.

Nhìn lại năm 2022, BSC ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 149 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước. Công ty mới hoàn thành 32% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tại đại hội, Tổng Giám đốc BSC cho biết chưa thể hoàn thành mục tiêu kinh doanh do yếu tố khách quan trên thị trường chung. Song, BSC cơ bản hoàn thành các mục tiêu và nỗ lực này rất đáng khích lệ.

img_3605.jpg
Ông Ngô Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT

Theo báo cáo KQKD quý 1/2023, lợi nhuận trước thuế của BSC đạt 121 tỷ đồng, hoàn thành 22% kế hoạch năm.

Đại hội bước vào phần thảo luận:

1. Tại ngày 31/12/2022, sau khi hợp tác chiến lược với Hana Securities, quy mô vốn chủ sở hữu của BSC đạt hơn 4.000 tỷ đồng. Trong kế hoạch phát triển dài hơi hơn, BSC có đặt mục tiêu tăng vốn lên 10.000 tỷ để có thể cạnh tranh với các công ty hàng đầu Việt Nam hay không?

Chủ tịch HĐQT Ngô Văn Dũng: Trước hết, tôi rất cảm ơn cổ đông đã theo sát tình hình hoạt động của BSC. Quả thực, BSC mong muốn nhiều mục tiêu trong đó việc nâng cao năng lực tài chính được lên đặt hàng đầu. Trong quá trình vận hành, tôn chỉ của HĐQT BSC là tuyệt đối an toàn và có sự chuẩn bị vững chắc cho những bước đi mới, BSC sẽ đẩy nhanh tốc độ để có thể đạt được mong muốn như quý cổ đông. Trên cơ sở đó, việc tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng với BSC không phải là con số quá xa vời.

Trường hợp thị trường thuận lợi, với sự hỗ trợ tích cực của các cổ đông lớn, đặc biệt là BIDV và Hana Securities, BSC sẽ đạt được con số lợi nhuận kỳ vọng hàng năm. Đây chính là cơ sở để công ty xem xét, thống nhất xin ý kiến cổ đông về câu chuyện tăng vốn tìm kiếm lợi nhuận.

2. Lợi thế cạnh tranh của BSC so với các công ty chứng khoán khác là gì?

Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Viễn: BSC có tuổi đời lâu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cùng với Chứng khoán Bảo Việt là 2 công ty thành lập từ những ngày đầu ra đời TTCK. Với nền tảng lịch sử lâu đời như vậy, đây chính là một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất, đó chính là uy tín và thương hiệu gắn liền ngân hàng mẹ BIDV.

Đến nay, công ty còn có thêm cổ đông lớn nữa là Hana Securities, một trong những CTCK hàng đầu của Hàn Quốc, Hana không những có thế mạnh về vốn và tài chính mà còn có thế mạnh về mặt công nghệ.

Thế mạnh lớn nhất của BSC là lịch sử lâu đời cộng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ 2 cổ đông lớn, tôi tự tin rằng 2 lợi thế này không nhiều công ty trên TTCK Việt Nam hiện nay có được.

3. Làm thế nào để quay trở lại top 10 thị phần trên HoSE?

TGĐ Nguyễn Duy Viễn: Đối với 1 CTCK, thị phần chỉ là một trong nhưng tiêu chí mà công ty theo đuổi. Với cách quản trị của BSC, chúng tôi theo đuổi 3 mục tiêu. Mục tiêu đầu tiên luôn là an toàn vốn và tuân thủ. Mục tiêu thứ 2 là lợi nhuận. Và mục tiêu thứ 3 mới là chạy theo doanh số.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, BSC không phải là công ty chạy theo doanh số bằng mọi giá, BSC chỉ thực hiện những giao dịch thực sự an toàn, hiệu quả, và minh bạch. Dù Top 10 thị phần trên HoSE là một trong những mục tiêu nhưng BSC sẽ không bằng mọi giá để đạt mục tiêu này.

Trong thời gian tới, để quay trở lại top 10 một cách vững chắc, công ty sẽ tận dụng lợi thế thứ nhất là khách hàng của Ngân hàng mẹ BIDV và lợi thế thứ 2 từ cổ đông lớn Hana về công nghệ.

Tôi tin rằng với tệp khách hàng khổng lồ của BIDV và công nghệ mạnh mẽ của Hana, mục tiêu quay trở lại top 10 "trong tầm tay" và mất không quá nhiều thời gian.

4. Để đạt được mục tiêu lợi nhuận 565 tỷ, công ty phân bổ chỉ tiêu kinh doanh như thế nào cho các mảng cụ thể? 

TGĐ Nguyễn Duy Viễn: Về cách làm, chúng tôi luôn đặt vấn đề quản trị rủi ro lên hàng đầu. Dù là CTCK ở Việt Nam hay thế giới nói chung, mảng môi giới vẫn là mảng kinh doanh cốt lõi. Đối với hoạt động của BSC, chúng tôi đặt mục tiêu mảng môi giới chiếm 60-70% lợi nhuận và đang kiên trì với mục tiêu này. Do đó, với mức lợi nhuận 565 tỷ, mảng môi giới sẽ có đóng góp khoảng 60-70%.

Thêm vào đó, mảng tự doanh cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, không phải lợi nhuận từ việc tự doanh cổ phiếu trên sàn mang lại. BSC đang có thế mạnh rất lớn khi là công ty top 1 thị phần môi giới trái phiếu chính phủ cũng như kinh doanh các hoạt động khác liên quan đến nguồn vốn và trái phiếu. BSC đặt mục tiêu mảng hoạt động tự doanh liên quan đến nguồn vốn và trái phiếu chính phủ, dự kiến mang lợi nhuận rất lớn cho công ty.

Mảng tiếp theo dự kiến tăng trưởng mạnh trong năm nay là tư vấn tài chính, không chỉ tư vấn trái phiếu, BSC còn tư vấn mua bán sáp nhập liên quan các giao dịch quốc tế. Sau khi có cổ đông mới Hana Securities, dự kiến BSC sẽ thực hiện rất nhiều "deal" liên quan đến nhà đầu tư từ Hàn Quốc. Cùng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ BIDV, chúng tôi mong muốn lợi nhuận từ khách hàng Hàn Quốc sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

5. Trong BCTC 2020-2021 Novaland có nhắc tới tổ chức tư vấn và đầu tư là BSC. Trong báo cáo quý 1/2023, BSC có hơn 146 tỷ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cụ thể là TPDN nào?

TGĐ Nguyễn Duy Viễn: Đối với hoạt động tư vấn trái phiếu, có rất nhiều khâu mà 1 công ty chứng khoán có thể tham gia vào. Với BSC, trên tinh thần quản trị rủi ro đặt lên hàng đầu, chính vì vậy BSC chỉ làm thuần tuý 2 nhiệm vụ chính khi hoạt động với Novaland: 

Một là, hoạt động tư vấn hồ sơ, kiểm tra hồ sơ có đảm bảo quy định hay không. Hai là, BSC làm đại lý thay mặt cho người sở hữu trái phiếu. Nghĩa là khi các nhà đầu tư có yêu cầu đối với Novaland, chúng tôi sẽ chuyển yêu cầu đó lên cho họ. Khi Novaland có câu trả lời, BSC sẽ chuyển lại thông tin đó cho nhà đầu tư.

Như vậy, tất cả các hoạt động liên quan đến Novaland của BSC hoàn toàn không phát sinh bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào cũng như bất kỳ rủi ro về tài chính nào. Chúng tôi chỉ làm thuần tuý về dịch vụ, thực hiện lợi nhuận nhỏ trên hoạt động này.

Đối với hồ sơ tư vấn với NVL, đến thời điểm hiện nay các giao dịch này diễn ra bình thường. Các hoạt động trả nợ, lãi chưa phát sinh bất cứ vấn đề gì. Các nhà đầu tư trái phiếu liên quan đến Novaland đánh giá rất cao sự tư vấn, hỗ trợ của BSC.

Về phần danh mục đầu tư trái phiếu, BSC có khoảng 150 tỷ thuần túy là trái phiếu công ty Becamex. Đến hiện nay, không có bất cứ vấn đề gì liên quan đến rủi ro. Trước khi thực hiện bất kỳ khoản đầu tư trái phiếu nào, quy trình đánh giá phải thực hiện qua rất nhiều khâu và cho đến nay không có bất cứ khoản đầu tư trái phiếu nào gây ra rủi ro cho công ty.


(0) Bình luận
ĐHĐCĐ Chứng khoán BSC: Kế hoạch lãi 565 tỷ đồng, hướng tới mục tiêu vững chắc trở lại top 10 thị phần môi giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO