Báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2022 được Tổng cục Thống kê công bố, 5 địa phương có mức giá cao nhất cả nước trong là Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong khi đó, 5 địa phương có mức giá thấp nhất cả nước là Quảng Trị, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Nam Định.
Trong đó, Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa các vùng kinh tế-xã hội trong một thời gian nhất định (thường là một năm). Chỉ số SCOLI năm 2022 được biên soạn cho 6 vùng kinh tế-xã hội, trong đó so sánh giá của 5 vùng với vùng đồng bằng sông Hồng và biên soạn cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó so sánh giá của 62 địa phương với Hà Nội.
Tại khu vực Tây Nguyên, đa phần các tỉnh đều có chỉ số SCOLI năm 2022 lớn hơn 90%, riêng Gia Lai thấp hơn 90%. Cụ thể, Lâm Đồng (tỉnh có TP Đà Lạt là tỉnh lỵ) có chỉ số SCOLI năm 2022 cao nhất vùng, 95,29%. Kon Tum xếp thứ hai khu vực với chỉ số SCOLI năm 2022 là 92,68%. Đắk Lắk 90,57%. Gia Lai thấp nhất vùng với chỉ số SCOLI năm 2022 là 88,99%.
Như vậy, chi phí sống tại Gia Lai rẻ hơn tại Hà Nội (địa phương làm chuẩn trong phương pháp đo) hơn 11%. Tỉnh này rẻ hơn tỉnh có chi phí sống đắt nhất vùng, tỉnh Lâm Đồng, 6,3%. Gia Lai rẻ hơn Đắk Lắk 1,58% về chi phí sống.
So với TP HCM, SCOLI năm 2022 là 99,89%, Gia Lai rẻ hơn gần 11%. Tuy nhiên, nếu so với nhóm tỉnh có chi phí sống rẻ nhất nước như Quảng Trị, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng thì Gia Lai vẫn có mức độ đắt hơn nhất định. Cụ thể, SCOLI năm 2022 của Gia Lai cao hơn Quảng Trị hơn 2% và cũng cao hơn các tỉnh miền Tây có chi phí sống rẻ nhất nước khoảng 2%.
Năm 2023: Tỉnh có chi phí sống rẻ nhất Tây Nguyên phấn đấu tăng trưởng 8,62%
Cuối năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 770/QĐ-UBND về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp để triển khai thực hiện.
Theo đó, tỉnh này phấn đấu năm 2023 tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) là 8,62%. Trong đó, ngành nông lâm nghiệp-thủy sản tăng 5,15%; ngành công nghiệp-xây dựng tăng 13,96%; ngành dịch vụ tăng 7,51%; thuế sản phẩm tăng 5,16%. Về cơ cấu kinh tế, ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản là 26,87%; ngành công nghiệp-xây dựng 28,7%; ngành dịch vụ 40,62%; thuế sản phẩm 3,81%.
Bên cạnh đó có các chỉ tiêu khác như, GRDP bình quân đầu người phấn đấu đạt 66,9 triệu đồng/người; số xã đạt chuẩn nông thôn mới phấn đấu đạt 9 xã; kim ngạch xuất khẩu đạt 680 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 110 triệu USD; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn phấn đấu đạt 5.910 tỷ đồng trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 42.000 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ là 108.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ đô thị hóa là 33%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,14%; số lao động được tạo việc làm mới là 26.500 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo 61%; tỷ lệ hộ nghèo còn 8,1% (trong đó mức giảm tỷ lệ hộ nghèo là 2%, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS là 3%, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đối với huyện Kông Chro là 5%).
Đối với lĩnh vực giáo dục, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 63,4%; lĩnh vực y tế, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế 94%. Đối với các tiêu chí khác, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế là 92,75%; tỷ lệ che phủ của rừng 47,33%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 97,7%; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung là 75%; tỷ lệ chất thải sinh hoạt được thu gom và xử lý ở đô thị là 95,8%.
Gia Lai cũng đề ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 gồm: Giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 6,25-6,5%/năm trở lên; tốc độ tăng năng suất lao động nông-lâm nghiệp và thủy sản đạt 6-7%/năm.
Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông-lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 60%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 45%; hình thành và công nhận 30 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn toàn tỉnh.
Thành lập 5-10 khu nông nghiệp và 1 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt 11-13%/năm; diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt trên 5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; tốc độ tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt bình quân khoảng 6-7%/năm.
Bên cạnh đó, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống còn dưới 50%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%; trên 85% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; thu nhập của cư dân nông thôn tăng cao hơn 1,8-2,5 lần so với năm 2020.