UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải, UBND 2 tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên đề nghị thống nhất giá và lộ trình tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc áp dụng cho Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP (đối tác công - tư) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, đây là cơ sở để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 3, trong đó có phương án tài chính, hoàn vốn cho công trình.
Theo đó, dự án thành phần 3 có mức giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc cơ sở là 1.900 đồng/xe tiêu chuẩn/km, thời gian dự kiến đưa vào khai thác là năm 2027; lộ trình giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc được điều chỉnh tăng 3 năm/lần cho đến thời điểm hoàn vốn.
Mức giá và lộ trình điều chỉnh giá tại Dự án thành phần 3 được xây dựng theo phương pháp so sánh theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 25/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Khung phí sử dụng dịch vụ đường cao tốc tại Dự án thành phần 3 có tham chiếu khung giá vé của các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức BOT giai đoạn 2017-2020 đang được triển khai và khung giá dịch vụ sử dụng đường bộ được quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.
Liên quan đến mức phí, lãnh đạo Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), mức giá dịch vụ do UBND thành phố Hà Nội đề xuất là cơ bản phù hợp với mức giá, phí tại thời điểm năm 2027 và lộ trình tăng giá từng thời kỳ của 3 dự án thành phần cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được triển khai theo phương thức PPP là Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có chiều dài toàn tuyến là 112,8 km, gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Điểm đầu tại Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội); điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Trong đó, đoạn đi qua Hà Nội là 56,5 km; Hưng Yên là 20,3 km; Bắc Ninh là 21,2 km. Dự án tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng, chia thành 3 nhóm với 7 dự án thành phần.