Hội thảo Viettel M2M IoT do Tổng Công ty Viễn thông Viettel tổ chức với sự tham gia của các diễn giả kỹ thuật và kinh doanh IoT đến từ Deloitte, GSMA, ĐH Bách Khoa, Rạng Đông, China Mobile và hơn 300 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài (Mỹ, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha, UAE, Trung Quốc...).
Hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia và kỹ sư công nghệ
Tại hội thảo, một số liệu đáng chú ý đã được đưa ra: Trên thế giới có gần 15 tỷ kết nối IoT, tức mỗi người đang kết nối với gần 2 thiết bị thông minh qua internet. Nhưng tại Việt Nam, con số này chỉ bằng khoảng 1/20 so với trung bình thế giới.
Liên hệ với câu chuyện phổ cập viễn thông ở Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom đánh giá, thị trường IoT cũng có điểm tương đồng. Cách đây 20 năm, khi Viettel bước chân vào thị trường viễn thông, mật độ kết nối di động mới chỉ 5% dân số, sau 8 năm đã đạt 100% và hiện giờ đã là 140%.
Ông Nguyễn Trọng Tính phát biểu tại khai mạc
Trong lĩnh vực IoT, Việt Nam cũng đi sau thế giới 20 bậc, nhưng ông Nguyễn Trọng Tính tin tưởng rằng, lĩnh vực này cũng có thể phát triển mạnh mẽ, khi các doanh nghiệp, các đơn vị viễn thông - công nghệ thông tin cùng nhau giải quyết các bài toán kỹ thuật hạ tầng, hợp tác phát triển thị trường.
Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom nhấn mạnh: "Lĩnh vực này sẽ là nguồn cảm hứng cho những ý tưởng kinh doanh cho các start-up, cũng như là cơ hội để tăng trưởng, mở ra nguồn doanh thu mới trong tương lai cho mọi doanh nghiệp".
Phía Viettel cũng cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc triển khai và vận hành các dự án IoT, từ việc thiết kế giải pháp đến hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ sau bán hàng. Viettel hiểu rằng sự thành công của các doanh nghiệp là sự thành công chung của cả cộng đồng.
Ông Edwin Haver – Tổng Giám đốc Workz – tổ chuyên gia GSMA chia sẻ về các chuẩn IoT trên thế giới và xu hướng
Hội thảo đã có sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế, trong đó có ông Edwin Haver, Tổng Giám đốc Workz - tổ chuyên gia GSMA. Ông Edwin Haver đặc biệt đánh giá cao Viettel khi có thể tích hợp đa dạng các công nghệ chỉ trong một sản phẩm duy nhất: " Các bạn có eSIM, nền tảng IoT và nhiều công nghệ khác mà cần được tích hợp cùng lúc để tạo thành giải pháp tốt nhất cho khách hàng".
"Không nhiều nhà cung cấp IT khác có thể tích hợp nhiều công nghệ cùng lúc như thế, hoặc có khả năng nhưng mất rất nhiều công sức" - Tổng Giám đốc này nói thêm.
Mới đây, tại lễ trao giải IT World Awards 2023, giải pháp IoT của Viettel - Viettel Innoway đã giành giải vàng tại hạng mục Internet of Things (IoT). Đây cũng là doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất IoT.
Bà Nguyễn Thị Hiệp – Giám đốc Chuyển đổi số - Deloitte Đông Nam Á chia sẻ về tổng quan về IOT tại Việt Nam và xu hướng của thế giới
Tiếp nối chương trình, thảo luận về những rào cản khiến ứng dụng IoT của doanh nghiệp Việt chưa cao, ông Lê Ngọc Quý - Giám đốc Trung tâm IoT Viettel High Tech cho rằng, nhân sự Việt Nam hiện nay có mức lương tương đối rẻ, một người giúp việc, hay một nhân viên bảo vệ, mức lương chỉ vài triệu nhưng lại kiêm nhiệm rất nhiều công việc. Chính vì nhân công giá rẻ như vậy nên thị trường chưa có đủ động lực để chuyển đổi sang tự động hóa.
Trong khi đó, những công nghệ như IoT vẫn còn quá mới mẻ, chưa có số liệu cụ thể đo lường hiệu quả, nên càng khó thuyết phục doanh nghiệp đầu tư. Hệ thống IoT cũng đòi hỏi phải có nhân sự có nhiều kinh nghiệm vận hành, đây là điều khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc.
Ông Lê Ngọc Quý – Giám đốc Trung tâm IoT – Viettel High Tech chia sẻ thông tin về Viettel Iot Platform
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh (Khoa Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng đồng tình rằng nhân sự là yếu tố quan trọng: "Chúng ta đang vừa thừa vừa thiếu nhân lực phát triển IoT. Số lượng các sinh viên được đào tạo điện tử khoảng vài trăm mỗi năm, doanh nghiệp khó hấp thụ hết được. Tuy nhiên, chúng ta lại thiếu những người hiểu biết về hệ thống để có thể phát triển, kiểm định sản phẩm từ đầu đến cuối, đưa nó ra thị trường".
Trong khi đó, ThS Nguyễn Minh Thi - Kiến trúc sư IoT (Viettel Network) kêu gọi: "Chia sẻ tri thức IoT trong cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp rút ngắn được rất nhiều chi phí về nhân lực, vật lực, thời gian. Điều này chỉ có thể giải quyết khi các doanh nghiệp công nghệ số Việt đi cùng nhau".
Đáng chú ý, Hội thảo cũng đưa ra sáng kiến thành lập Hiệp hội IoT Việt Nam để tập hợp những doanh nghiệp, tổ chức có chung ngành nghề, mục đích phát triển. Hiệp hội sẽ hoạt động thường xuyên tạo môi trường học hỏi, cùng nhau phát triển của các doanh nghiệp IoT.
Hội thảo đồng thời mang tới nhiều sản phẩm công nghệ, tạo trải nghiệm thú vị cho người tham dự
Trong khuôn khổ hội thảo, Viettel và các đối tác cũng tổ chức trưng bày nhiều sản phẩm, công nghệ ứng dụng IoT mới như thiết bị theo dõi sức khoẻ vHealth, giải pháp nhà thông minh với HomeCamera AI – kết nối với ứng dụng Viettel Home, các thiết bị IoT cảm biến không dây, hệ thống đo điện nước thông minh, nền tảng quản lý kết nối CMP…
Các doanh nghiệp có thể đăng ký tham gia hiệp hội tại đây.