Vướng mắc định giá tài sản trong tố tụng hình sự
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Minh Tiến cho biết, công tác định giá tài sản trong tố tụng hình sự có vai trò quan trọng trong việc xác định hành vi phạm tội, phục vụ xử lý vụ án hình sự đồng thời cũng là cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự được quy định từ Điều 215 đến Điều 222 của Bộ luật.
Nhằm hướng dẫn các nội dung về định giá tài sản tại Bộ luật Tố tụng hình sự, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và trình Chính phủ lần lượt ban hành các Nghị định, đồng thời cũng ban hành Thông tư.
“Đánh giá chung cho thấy, khuôn khổ pháp lý về hoạt động định giá tài sản trong tố tụng hình sự về cơ bản đã được hoàn thiện, kiện toàn đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn triển khai cũng như bảo đảm tính ổn định, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về tố tụng hình sự. Qua đó, góp phần hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp, giúp cho công tác định giá tài sản ngày càng được nâng lên, thể hiện tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao; góp phần quan trọng giúp cho công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự được chính xác, kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; góp phần bảo đảm việc thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt” – Cục trưởng Nguyễn Minh Tiến khẳng định.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị định số 30/2018/NĐ-CP và Nghị định số 97/2019/NĐ-CP đã phát sinh một số hạn chế, vướng mắc liên quan triển khai các quy định về định giá tài sản trong tố tụng hình sự, như về phạm vi điều chỉnh; về nguyên tắc định giá tài sản; về việc thành lập Hội đồng định giá tài sản ở các cấp, đặc biệt là Hội đồng cấp tỉnh và cấp Bộ trong bối cảnh số lượng các vụ việc yêu cầu định giá tài sản ngày gia tăng; về quyền và nghĩa vụ của Hội đồng định giá tài sản, trong đó có quyền thuê doanh nghiệp thẩm định giá và các đơn vị tư vấn phục vụ hoạt động định giá của Hội đồng; về căn cứ định giá tài sản và phương pháp định giá tài sản, đặc biệt đối với tài sản là bị mất, thất lạc; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ và không có khả năng khôi phục, tài sản là hàng giả, là động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm, việc xác định giá trị doanh nghiệp và giá trị vốn chủ sở hữu..., và chi phí định giá, định giá lại tài sản, bao gồm việc chi phí thuê doanh nghiệp thẩm định giá và đơn vị tư vấn...
Nhằm kịp thời trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, thực hiện Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 15/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Bộ Tài chính đang khẩn trương triển khai xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự nhằm tháo gỡ các khó khăn đang còn vướng mắc.
“Với tinh thần cầu thị, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu mọi ý kiến đóng góp, đặc biệt các ý kiến đến từ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân và Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và từ các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp, bao gồm Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao nhằm sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định” – Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Minh Tiến bày tỏ.
Đảm bảo phân cấp thống nhất
Giới thiệu về các nội dung mới đã được tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành dự thảo Nghị định qua những lần xin ý kiến qua văn bản, bà Nguyễn Hồng Liên, Phó trưởng phòng Quản lý Thẩm định giá – Cục Quản lý giá cho biết, dự thảo Nghị định gồm 4 Chương, 32 Điều và 04 Phụ lục. Trong đó, tại chương 2 có 10 Điều (Điều 7 đến Điều 17) liên quan đến việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản phân cấp theo cấp tỉnh, cấp Bộ, Hội đồng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ…; Chương 3 có 12 Điều (Điều 18 đến Điều 30) quy định về trình tự, thủ tục định giá tài sản… và 04 phụ lục gồm Mẫu Quyết định thành lập HĐĐG, Biên bản phiên họp HĐĐG, Bản Kết luận định giá tài sản, Hồ sơ, tài liệu liên quan đến tài sản cần định giá.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo nghị định đó là quy định liên quan đến việc thành lập hội đồng định giá tài sản. Theo dự thảo, đối với cùng một tài sản đã được hội đồng định giá tài sản tiến hành định giá và ban hành kết luận định giá tài sản tại cùng thời điểm và địa điểm yêu cầu định giá, thì không thành lập hội đồng định giá để thực hiện định giá lần đầu, trừ các trường hợp theo quy định tại Khoản 5 Điều 28 Nghị định.
Về số lượng thành viên của Hội đồng, dự thảo đề xuất quy định tối thiểu 3 người đối với Hội đồng cấp huyện; tối thiểu là 5 người đối với Hội đồng các cấp khác. Trường hợp cần thiết Hội đồng được thành lập tổ giúp việc. Dự thảo cũng bổ sung quy định cho phép Hội đồng có thể mời chuyên gia có kinh nghiệm tối thiểu 5 năm làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến tài sản cần định giá và không thuộc các cơ quan, tổ chức đã cử người tham gia hội đồng.
Hội đồng định giá tài sản cấp huyện do chủ tịch UBND huyện quyết định thành lập; hội đồng định giá tài sản cấp tỉnh do chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chuyên môn.
Đối với yêu cầu định giá tài sản có nhiều loại khác nhau, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá tài sản để phân loại. Trường hợp trong số các tài sản cần định giá có đất, quyền sử dụng đất, thì cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương chủ trì tham mưu chủ tịch UBND tỉnh thành lập hội đồng (không phân biệt quyền sở hữu tài sản).
“Rất mong các đại biểu tham dự Hội nghị hôm nay tập trung cho ý kiến vào các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện tại dự thảo Nghị định để đảm bảo các quy định pháp luật được thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị, trong đó, tập trung các nội dung chính như về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc định giá tài sản; việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản; chi phí định giá, định giá lại tài sản” – Bà Liên nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu nhất trí về đa số các điểm mới của dự thảo, nhất là việc phân cấp thành lập Hội đồng định giá xuống các Sở, ban ngành để các chuyên gia có chuyên môn sâu có thể tham gia. Đại diện Hội đồng định giá TP. Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Thảo cho biết, dự thảo lần này có sự phân cấp thống nhất, giải quyết cơ bản các vướng mắc hiện nay. Hội đồng cấp huyện giải quyết các việc tương đối đơn giản nên không cần thành lập hội đồng.
Chia sẻ thêm, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, hiện nay việc thuê thẩm định viên về giá còn khó, chứ đừng nói đến việc thuê giám định viên về giá, do đó cân nhắc có cần thiết phải đưa quy định này vào dự thảo hay không.
Nhất trí việc phân cấp cho các sở chuyên ngành, song đại diện Sở Tài chính Hòa Bình cũng cho rằng, dự thảo cần làm rõ quy định chủ tịch UBND tỉnh hay hội đồng được mời chuyên gia. Thực tế hiện nay, do không có đủ thời gian nên nhiều vụ án sẽ do hội đồng làm luôn. Hơn nữa, ở một số vụ án lớn phải, việc thuê tư vấn, chuyên gia còn phải thực hiện theo quy trình đấu thầu, rất phức tạp, mất thời gian....
Ông Lê Bá Tĩnh, Phó phòng Giá Công sản - Sở Tài chính Hà Tĩnh cho rằng cần quy định rõ trường hợp nào bị kỷ luật thì không được tham gia hội đồng, vì có những trường hợp bị kỷ luật sinh con thứ ba nếu không được tham gia sẽ dễ mất người làm việc.
Ngoài ra, quy định chuyên gia phải có 5 năm kinh nghiệm, việc này cần bổ sung giải thích từ ngữ như thế nào là có kinh nghiệm vì có 2 loại chuyên gia, thứ nhất là người có chứng chỉ, thứ hai là người có kinh nghiệm nhưng chưa có chứng chỉ.
Liên quan đến tài khoản thanh toán cũng cần phải làm rõ vì nhiều nơi, Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch tỉnh nhưng Phó Chủ tịch không phải là chủ tài khoản nên khó thanh toán tại Kho bạc Nhà nước. Bên cạnh đó, cần có mức kinh phí phù hợp cho các chuyên gia tham gia các vụ việc tố tụng hình sự vì nếu nhân sự tham gia vụ việc này chi phí phải gấp đôi so với định giá thông thường.