Đề xuất dự án dùng trên 50% vốn ngân sách mới cần đấu thầu

An Nam | 15:49 25/04/2025

Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung 7 luật liên quan tới lĩnh vực đầu tư, tài chính, trong đó có Luật Đấu thầu, cơ quan soạn thảo đề xuất dự án dùng trên 50% vốn ngân sách mới cần phải tổ chức đấu thầu.

Đề xuất dự án dùng trên 50% vốn ngân sách mới cần đấu thầu
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên thảo luận, sáng 25/4. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ngày 25-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật gồm Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu rõ trước sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ đã khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các luật và xác định 7 luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.

Tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Trong số các nội dung được sửa đổi, bổ sung, đáng lưu ý là phạm vi áp dụng của Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được điều chỉnh theo hướng chỉ áp dụng đối với dự án của doanh nghiệp nhà nước có sử dụng trên 50% vốn ngân sách nhà nước trong tổng mức đầu tư của dự án.

Đối với gói thầu thuộc dự án sử dụng dưới 50% vốn ngân sách và các dự án đầu tư khác, doanh nghiệp nhà nước tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.

Thẩm tra nội dung nói trên, ông Lê Quang Mạnh - Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, quy định này giúp tăng tự chủ, giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, Ủy ban này đề nghị cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) làm rõ cơ sở pháp lý, tiêu chí xác định tỷ lệ 50%, cũng như tác động chính sách này. "Đây là thay đổi chính sách lớn, đề nghị Chính phủ báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định".

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng khi giải trình, cho hay "Chính phủ đang dự kiến báo cáo Bộ Chính trị về vấn đề này".

Liên quan tới xét duyệt trúng thầu với gói thầu xây lắp, dự thảo luật bổ sung quy định giá trúng không thấp hơn giá gói thầu theo tỷ lệ do Chính phủ quy định. Việc này nhằm ngăn tình trạng bỏ thầu quá thấp, thi công kém chất lượng.

Song khi thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh cho rằng quy định "giá sàn" như vậy có thể làm giảm cạnh tranh về giá, không xử lý triệt để vấn đề năng lực thi công và thiếu linh hoạt với các dự án, công trình quy mô nhỏ.

Do đó, ông đề nghị Chính phủ cân nhắc giải pháp bổ sung, thay thế như kiểm soát chặt chẽ chất lượng thi công từ đầu thông qua cơ chế giám sát và yêu cầu nhà thầu cam kết bảo hành dài hạn. Cùng với đó, Chính phủ cần đưa ra chế tài mạnh với nhà thầu vi phạm hợp đồng, gồm việc cấm tham gia đấu thầu trong thời gian nhất định.

Đề xuất mới về Luật đối tác công tư (PPP)

Với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), Chính phủ đề xuất các trường hợp chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt cũng được mở rộng hơn.

Bổ sung trường hợp chỉ định đối với nhà đầu tư đề xuất dự án sở hữu công nghệ chiến lược; nhà đầu tư có cam kết tài chính; áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với dự án khoa học công nghệ.

Phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương được chủ động quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư (trong đó có hình thức chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt) để phù hợp với tính chất, quy mô, thực tiễn triển khai, đáp ứng yêu cầu về tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Chính phủ đề nghị bổ sung "cá nhân" vào đối tượng tham gia đầu tư theo phương thức PPP. Việc này nhằm khuyến khích giáo sư, chuyên gia sở hữu công nghệ tham gia phát triển các dự án khoa học, công nghệ.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế và Tài chính, dự luật chưa làm rõ cơ sở, tác động về tính khả thi trong kiểm soát trách nhiệm pháp lý, nghĩa vụ tài chính và năng lực triển khai dự án của cá nhân trong mô hình PPP. Do đó, để hạn chế rủi ro phát sinh trong thực tiễn triển khai, cơ quan thẩm tra đề nghị thận trọng trong mở rộng đối tượng "cá nhân" tham gia dự án đầu tư PPP.

Cũng tại dự luật, Chính phủ muốn bỏ ngưỡng chia sẻ doanh thu trong dự án PPP (125% với tăng doanh thu, 75% khi giảm doanh thu) và giao quyền quy định tỷ lệ này cho Chính phủ. Phó chủ nhiệm thường trực Lê Quang Mạnh nhận xét tỷ lệ chia sẻ này là yếu tố cốt lõi, thể hiện chính sách nhất quán và cam kết dài hạn của Nhà nước trong hợp đồng PPP.

"Việc giao Chính phủ quy định tỷ lệ này theo từng thời kỳ cần cân nhắc thận trọng, bởi có thể làm giảm khả năng huy động vốn, dẫn đến tranh chấp pháp lý, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư", ông nêu.

Ở khía cạnh này, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phân tích cơ chế này khi áp dụng với dự án BOT giao thông. Theo đó, doanh thu dự án vượt 125% Nhà nước và nhà đầu tư sẽ đàm phán để điều chỉnh, rút ngắn thời gian thu phí. Ngược lại, doanh thu chỉ đạt 75%, hai bên cũng đàm phán để tăng thời gian thu phí, giúp doanh nghiệp bớt khó khăn.

Nhưng thực tế quy định này "quá cứng", bởi có trường hợp doanh thu vượt 20% đã phải đàm phán lại, do số tuyệt đối vốn của dự án quá lớn. Hoặc trường hợp dự án sụt giảm 10% doanh thu, nhà đầu tư "không chịu được" nên phải đàm phán lại để kéo dài thời gian thu phí cho họ.

"Mong Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép bỏ ngưỡng chia sẻ doanh thu này để tạo điều kiện linh hoạt, tránh thất thoát cho doanh nghiệp", Bộ trưởng Thắng nói.

Dự kiến, dự thảo một luật sửa đổi, bổ sung 7 luật liên quan lĩnh vực tài chính - đầu tư sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp vào tháng 5.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đề xuất dự án dùng trên 50% vốn ngân sách mới cần đấu thầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO