Theo dự thảo Báo cáo, hiện nay các quy định, hướng dẫn về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá, hồ sơ và quy trình thực hiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá chưa hiệu quả, thiếu chặt chẽ dẫn đến việc kiểm soát chất lượng thẩm định giá của các doanh nghiệp còn hạn chế.
Điều đó dẫn đến việc phát triển nóng về số lượng các doanh nghiệp thẩm định giá trong thời gian gần đây.
Tình trạng nhiều doanh nghiệp thay đổi người đại diện theo pháp luật liên tục trong thời gian ngắn hoặc thẩm định viên về giá có hiện tượng không làm toàn thời gian tại doanh nghiệp dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như làm giảm hiệu quả hoạt động, trách nhiệm nghề nghiệp của các đối tượng này.
Điều kiện quá mở
Theo giải trình của Ban soạn thảo dự thảo Báo cáo, hiện nay các điều kiện kinh doanh thẩm định giá được ánh giá là quá mở, trong khi nghề thẩm định giá là ngành nghề đòi hỏi tính chuyên môn cao.
Luật giá có quy định loại hình công ty cổ phần, tuy nhiên, đối với loại hình này thì việc rà soát bảo đảm tính khách quan trong quá trình thẩm định giá, hạn chế các lợi ích liên quan giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá là khó khả thi trong trường hợp các công ty cổ phần trở thành công ty đại chúng.
Đặc biệt là đối với loại hình cung cấp dịch vụ có tính chuyên môn sâu thì yêu cầu về chất lượng luôn gắn với con người thực hiện, vấn đề vốn đầu tư và kinh phí duy trì hoạt động không nhiều.
Trong khi đó, với trách nhiệm phải luôn gắn với cá nhân và cả doanh nghiệp thì việc có quy định mô hình doanh nghiệp thẩm định giá là công ty cổ phần sẽ không phù hợp.
Dự thảo Báo cáo đề xuất bỏ hình thức công ty cổ phần đối với doanh nghiệp thẩm định giá.
Căn cứ nào để cấm công ty cổ phần?
Trong bản góp ý cho dự thảo Báo cáo Đánh giá tác động các chính sách đề nghị xây dựng Luật giá (Sửa đổi) của mình, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thẳng thắn chỉ ra nhiều vấn đề.
Liên quan đến đề xuất bỏ loại hình công ty cổ phần đối với doanh nghiệp thẩm định giá, dự thảo Báo cáo cho biết, hiện nay có khoảng 46% doanh nghiệp thẩm định giá là công ty cổ phần.
Như vậy đây là số lượng doanh nghiệp khá lớn sẽ phải chuyển đổi sang loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn.
Điều đó cho thấy đề xuất chính sách này tác động rất lớn đến doanh nghiệp thẩm định giá, vì vậy cần được đánh giá một cách thận trọng.
Lý giải cho đề xuất này, dự thảo Báo cáo mới chỉ đưa ra giải thích có tính lý thuyết “trách nhiệm luôn gắn với cá nhân và cả doanh nghiệp thì việc có quy định mô hình doanh nghiệp thẩm định giá là công ty cổ phần sẽ không phù hợp” mà chưa có đánh giá về thực tiễn.
Luật Giá 2012 đã được triển khai và thi hành hơn 9 năm, khoảng thời gian này đủ dài để đánh giá về mức độ tác động của doanh nghiệp thẩm định giá ở loại hình công ty cổ phần đối với hoạt động thẩm định giá.
Vậy liệu hoạt động của các công ty cổ phần này có ảnh hưởng đến tính khách quan của các kết quả thẩm định do công ty cung cấp không?.
Theo lý thuyết công ty thì mô hình công ty cổ phần và trách nhiệm hữu hạn cơ bản không khác biệt vì đều hoạt động dưới chế định trách nhiệm hữu hạn, cho dù công ty cổ phần có số cổ đông có thể lớn hơn.
Thực tiễn tại Việt Nam thì số cổ đông của một công ty cổ phần tương tự như trách nhiệm hữu hạn, ít khi nhiều hơn 50 thành viên.
Ban soạn thảo cũng chưa làm rõ vấn đề: Hoạt động của các công ty cổ phần thẩm định giá có những bất cập, khó khăn như thế nào đến mức buộc phải loại bỏ loại hình doanh nghiệp này?.
VCCI nhấn mạnh, dự thảo Báo cáo không cung cấp thông tin thực tiễn trên, vì vậy lý do đưa ra đề xuất làchưa thực sự thuyết phục.
Một bất hợp lí nữa được VCCI chỉ ra là việc dự thảo Báo cáo đề xuất nâng cao điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thẩm định giá.
Với quy định nhằm “nâng cao” này thì dự kiến số lượng doanh nghiệp thẩm định giá sẽ bị thu hẹp lại. Điều này sẽ tác động đáng kể đến thị trường cạnh tranh, và quyền lựa chọn của khách hàng.
Theo đánh giá tác động tại dự thảo Báo cáo thì đề xuất sẽ làm cho khách hàng “dễ dàng trong việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá có chất lượng dịch vụ thẩm định tốt”.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác thì khách hàng sẽ ít có lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá hơn so với trước đây và có nguy cơ phải chịu chi phí tăng cao hơn, trong khi chất lượng chưa chắc được đảm bảo.