Để tăng giá điện cần rõ ràng, minh bạch chi phí

Lê Sáng | 23:26 20/12/2022

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để tăng giá điện như đề xuất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần làm rõ và công khai các yếu tố chi phí đầu vào, đầu ra, cộng thêm lãi định mức để có được giá bán cuối cùng.

Để tăng giá điện cần rõ ràng, minh bạch chi phí
Trụ sở Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Làm rõ lỗ hàng chục ngàn tỷ do đâu

Bình luận về việc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) lỗ hơn 31.000 tỷ đồng trong năm 2022 vì chi phí đầu vào sản xuất tăng vọt và đã đề xuất Bộ Công thương tăng giá điện, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng cần làm rõ số lỗ hàng chục ngàn tỷ do đâu?

Theo đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng số liệu lỗ EVN đưa cần phân rõ ra lỗ cái gì, lỗ ở đâu, lỗ như thế nào, lỗ do kinh doanh yếu kém hay do đâu,… đều cần làm rõ ra.

thay-thinh.jpg
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Với đề xuất tăng giá điện, ông Thịnh cho rằng nếu nói giá điện ở các nước tăng, đó là việc của các nước, cần làm rõ. Điện có nhiều nguồn từ thủy điện, điện khí, điện than,… cần làm rõ, hạch toán rõ chi phí sản xuất của từng loại, lãi lỗ ra sao, lỗ ở khâu nào, sản xuất lỗ hay truyền tải điện thất thoát hoặc phân phối thất thoát do quản lý kém.

Nói về việc giá điện tại Châu Âu tăng cao thời gian qua, ông Thịnh cho rằng đến từ việc các nước này cắt giảm điện hạt nhân, bỏ điện than, chạy điện khí, điện diezen là chính. Khi chiến sự tại Ukraina nổ ra làm cho chi phí điện khí tăng, điện dầu tăng. Do đó, theo ông Thịnh nếu so sánh giá điện thế giới với giá trong nước là chưa hợp lý.

Theo đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng EVN cần rõ ràng để biết được lỗ do đâu, vì cái gì, để thấy được việc tăng giá là có hợp lý hay không. Nếu hoạt động kinh doanh điện đã tính toán đúng, đủ rồi nếu do chi phí cao thì có thể tăng được, chỉ cần rõ ràng, công khai minh bạch các chi phí đầu vào đầu ra thì tăng giá người dân sẽ chấp nhận.

Một số bất cập cần làm rõ, điều chỉnh

Bên cạnh vấn đề số lỗ lớn lên đến hơn 31.000 tỷ đồng trong năm 2022 cũng như việc EVN đề xuất tăng giá điện theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, hiện nay liên quan đến ngành điện hiện có một số bất cần sớm được làm rõ và điều chỉnh.

Thứ nhất, đối với thị trường bán buôn điện cạnh tranh, EVN có quyền mua của các doanh nghiệp giá rẻ, liệu EVN có mua hết sản lượng của EVN rồi mới mua của các nguồn phát khác như điện gió, điện mặt trời.

Do đó, theo ông Thịnh, công tác truyền tải điện dù độc quyền nhưng vấn đề độc quyền này cần sự hợp lý và nhà nước cần điều chỉnh cho phù hợp.

Thứ hai, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong việc tính giá điện theo bậc thang, rõ ràng EVN mua vào một giá nhưng lại bán ra lại tính giá bậc thang, lợi nhuận đó ai hưởng, căn cứ vào đâu để tính giá đó, tiền chênh lệch đó nếu nộp cho nhà nước như một dạng thuế tiêu thụ đặc biệt để khuyến khích tiết kiệm, tái đầu tư thì là hợp lý còn còn nếu để hạch toán chung các khoản lỗ lãi của EVN thì cần được xem xét, cân nhắc thêm cho phù hợp.

Thứ ba, theo ông Thịnh cũng cần xem xét liệu số lỗ lớn của EVN có đến từ việc ngành điện kinh doanh ngoài ngành, số lỗ này nếu có thì có được hoạch toán vào giá điện hay không.

Đề xuất để EVN hết lỗ

Về giải pháp để EVN xử lý tình trạng lỗ nặng như trong năm 2022, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần theo thị trường, giá mua, giá bán bình quân, tính rõ ràng cộng thêm lãi định mức để tính ra giá bán điện là sẽ hết lỗ ngay.

Theo ông Thịnh, cũng như đối với thị trường xăng dầu, chỉ cần có công cụ để tính giá mua, cộng với lãi định mức thành giá bán là doanh nghiệp sẽ hết lỗ.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng khuyến cáo điều quan trọng là tính đúng, tính đủ các chi phí như chi phí hao hụt, quản lý, đầu tư,… Như chi phí hao hụt phải nằm trong giới hạn theo tiêu chuẩn quốc tế chứ không thể hao hụt đến 10-20% được.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Để tăng giá điện cần rõ ràng, minh bạch chi phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO