Đế chế hàng hiệu Tam Sơn của doanh nhân kín tiếng Đoàn Viết Đại Từ lãi ròng giảm 25% dù doanh thu tăng 6,5%

Ngọc Anh | 11:24 30/07/2024

Được xem là đối trọng nặng ký với IPPG của vợ chồng "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn - Lê Hồng Thủy Tiên, đế chế hàng hiệu Tam Sơn của doanh nhân Đoàn Viết Đại Từ có lãi ròng giảm 25% dù doanh thu tăng 6,5% trong năm 2023.

Đế chế hàng hiệu Tam Sơn của doanh nhân kín tiếng Đoàn Viết Đại Từ lãi ròng giảm 25% dù doanh thu tăng 6,5%
Tam Sơn là nhà phân phối tại Việt Nam của hàng loạt thương hiệu hàng xa xỉ phẩm. Ảnh chụp màn hình

Sau một năm thăng hoa hậu đại dịch COVID-19 (2022), doanh số ngành hàng xa xỉ toàn cầu sụt giảm mạnh trong 2023.

Vietdata, đơn vị chuyên tổng hợp, phân tích dữ liệu kinh tế hàng đầu tại Việt Nam đánh giá xu hướng kinh doanh ảm đạm đã được phản ánh rõ nét trên kết quả kinh doanh 2023 của các công ty chuyên phân phối hàng hiệu tại Việt Nam.

Theo đó, hầu hết các công ty phân phối hàng xa xỉ tại Việt Nam đều ghi nhận sự giảm sút doanh số đáng kể trong năm 2023, bao gồm cả các công ty phân phối độc quyền và công ty phân phối đa thương hiệu.

Tuy nhiên vẫn có một ngoại trừ là Công ty Cổ phần Quốc Tế Tam Sơn, đơn vị đại diện phân phối cho nhiều thương hiệu sản phẩm cao cấp tại Việt Nam khi ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 6,5% trong năm 2023, qua đó củng cố vị thế dẫn đầu ngành.

Cụ thể, theo Vietdata, năm 2023, bất chấp những khó khăn chung của ngành hàng xa xỉ toàn cầu, doanh thu của Tam Sơn vẫn tăng 6,5%, và tiếp tục dẫn đầu ngành phân phối hàng xa xỉ tại Việt Nam. Tuy nhiên, lợi nhuận của Tam Sơn vẫn giảm 25% theo xu hướng chung của toàn ngành.

Ở chiều ngược lại, hệ sinh thái IPPG của vợ chồng vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn - Lê Hồng Thủy Tiên lại ghi nhận kết quả kinh doanh khá ảm đạm trong năm 2023.

Theo đó, 2 đơn vị chủ lực của IPPG là CTCP Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) và Công Ty TNHH Thời Trang & Mỹ Phẩm Âu Châu (ACFC) là 2 đơn vị phân phối hàng loạt thương hiệu thời trang xa xỉ thuộc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đều ghi nhận kết quả kém khả quan trong năm 2023.

Cụ thể, theo Vietdata, năm 2023, ACFC ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm so với năm 2022 khi doanh thu chỉ đạt 2.700 tỷ đồng, giảm 5,6% và lợi nhuận sau thuế giảm 39%.

Tương tự ACFC, doanh thu của DAFC trong năm 2023 giảm 16,5% so với năm 2022 (đạt 1.800 tỷ đồng). Đáng chú ý, DAFC ghi nhận khoản lỗ gần trăm tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lợi nhuận hơn 135 tỷ đồng của năm trước đó.

Doanh nhân Đoàn Viết Đại Từ, đối thủ kín tiếng của vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn

Ông Đoàn Viết Đại Từ, lãnh đạo Openasia Group được biết tới là một đối thủ kín tiếng của ông Johnathan Hạnh Nguyễn trên thị trường phân phối hàng xa xỉ tại Việt Nam.

Ông sinh năm 1963, là người Pháp gốc Việt, sinh ra và lớn lên ở Pháp, có bố là người Hà Nội còn mẹ là người Pháp.

doan-viet-dai-tu.jpg
Một bức ảnh hiếm hoi của ông Đoàn Viết Đại Từ (bên phải)

Trước khi bước chân vào con đường kinh doanh, ông Đoàn Viết Đại Từ đã được đào tạo chuyên ngành quản trị kinh doanh, tiếp thị và tài chính tại Đại học Paris IX – Dauphine.

Ông Đoàn Viết Đại Từ đã có khoảng 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tư vấn và đầu tư tài chính ở Úc, Pháp và Việt Nam. Ông cũng là người đồng sáng lập công ty IPA Network chuyên trợ giúp các Công ty Châu Âu tại Sydney, Úc từ năm 1986.

Ông Đại Từ sau đó đã thành lập công ty đầu tiên của mình tại Sydney năm 1986. Sau đó, năm 1994, ông quay trở lại Việt Nam lập nghiệp, tham gia sáng lập công ty Openasia.

Tới năm 1999, Openasia được mua lại bởi ba thành viên: ông Đoàn Viết Đại Từ, ông Christian de Ruty và bà Nguyễn Thị Nhung. Cùng năm, tập đoàn Openasia được thành lập với trụ sở đặt tại Hong Kong và đưa ra kim chỉ nam hành động “điều quan trọng nhất trong kinh doanh chính là con người”

Ban đầu, tập đoàn gia nhập thị trường thiết bị công nghiệp nặng cho việc khai khoáng và xây dựng với công ty Openasia Heavy Equipment. Lĩnh vực hoạt động ban đầu của Openasia Group là dịch vụ ngân hàng đầu tư và tư vấn tài chính. Tập đoàn này đã tư vấn cho hơn 600 khách hàng là các công ty trong nước và quốc tế như Vinamilk, Metro Cash&Carry, Satra trong gần ba thập niên qua.

Về sau, Openasia Group đã mở rộng chiến lược đầu tư, đẩy mạnh vào nhiều lĩnh vực khác nhau gồm phân phối hàng cao cấp, kinh doanh thiết bị hàng không, công nghệ, du lịch, thủ công mỹ nghệ, thẻ tiêu dùng thông minh và tư vấn đầu tư.

Với công ty con là Tam Sơn Fashion, ông Đoàn Viết Đại Từ và Openasia Group đã trở thành một trong những đơn vị phân phối sản phẩm thời trang xa xỉ lớn nhất tại Việt Nam, trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với “ông vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn và IPP Group.

Những thương hiệu sản phẩm xa xỉ được Openasia Group phân phối có thể kể đến như Hermès, Kenzo, Hugo Boss, Chopard, Audi. Ngoài ra, tập đoàn còn phân phối các loại xe tải, thiết bị ngành mỏ (Volvo, Sandvik, Iveco, Nissan) và máy bay trực thăng (Eurocopter). Đặc biệt, ông còn được biết tới là người mang Starbucks về Việt Nam.

Các cửa hàng của Tam Sơn tại Việt Nam cũng được đặt ở những địa điểm sầm uất và xa xỉ bậc nhất, chẳng hạn như Sofitel Metropole, Melia Hà Nội, Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) hay Sheraton Sài Gòn Hotel, Union Square (TP HCM).

Theo thông tin từ tập đoàn, mô hình kinh doanh của Openasia Group là nhập khẩu và phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng từ chính hãng qua hệ thống các cửa hàng bán lẻ cao cấp do chính họ đầu tư.

Thông tin từ nhà phân phối này cách đây vài năm cho hay, chi phí đầu tư ban đầu cho một cửa hàng bán lẻ hàng hiệu cao cấp thường dao động từ 2-4 triệu USD, cá biệt có thể lên tới 6 triệu gồm phí thuê mặt bằng trong 1-2 năm đầu, thiết kế nội ngoại thất, thuê nhân sự, quảng bá tiếp thị… Với hệ thống 20 cửa hàng hiện tại, riêng tiền mặt bằng có thể ngốn của Openasia Group vài chục triệu USD mỗi tháng.

Ngoài kinh doanh hàng xa xỉ, Openasia Group còn lấn sân sang lĩnh vực du lịch – nghỉ dưỡng khi sở hữu nhà hàng Press Club với vị trí đắc địa ngay cạnh hồ Gươm, thương hiệu khách sạn – nước khoáng Alba và du thuyền Emeraude Hạ Long.

Bên cạnh những lĩnh vực nêu trên, Openasia Group còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác như khai khoáng, xi măng, công nghệ thông tin, thủ công mỹ nghệ,…

Bên cạnh Openasia Group, ông Đoàn Viết Đại Từ còn là thành viên Hội đồng quản trị không điều hành CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (mã: PDR). Theo báo cáo thường niên năm 2021 của công ty, ông Đoàn Viết Đại Từ đã tham gia vào PDR từ năm 2008. Tính đến ngày 31/12/2021, ông Đại Từ sở hữu 871.690 cổ phiếu PDR, tương đương 0,18%.

Ông Đoàn Viết Đại Từ còn là Chủ tịch của CTCP Liên Á Quốc tế, doanh nghiệp phân phối thương hiệu xe Audi tại Việt Nam. Ông Từ là cổ đông sáng lập nắm 80% của Liên Á nhưng cuối năm 2016 đã chuyển nhượng số cổ phần của mình sang cho Openasia Equipment và Pacific Wheel – hai công ty có trụ sở tại Hong Kong.

Ngoài ra, ông còn nắm giữ chức vụ tại một số doanh nghiệp khác như Openasia Consulting Việt Nam, Du thuyền Tam Sơn, Gras Savoye Willis Việt Nam.


(0) Bình luận
Đế chế hàng hiệu Tam Sơn của doanh nhân kín tiếng Đoàn Viết Đại Từ lãi ròng giảm 25% dù doanh thu tăng 6,5%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO