Đây chính là ‘mỏ vàng’ giúp Việt Nam hốt bạc từ Á sang Âu: Thu hơn 16 tỷ USD kể từ đầu năm, hơn 100 quốc gia trên thế giới đã chốt đơn

Như Quỳnh | 19:16 09/11/2024

Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan đang mạnh tay săn lùng mặt hàng này từ Việt Nam.

Đây chính là ‘mỏ vàng’ giúp Việt Nam hốt bạc từ Á sang Âu: Thu hơn 16 tỷ USD kể từ đầu năm, hơn 100 quốc gia trên thế giới đã chốt đơn
Ảnh minh họa

Việt Nam sở hữu một loạt các mặt hàng xuất khẩu đạt thứ hạng cao trên thế giới như hạt tiêu, cà phê, gạo, điện thoại và linh kiện, dệt may,…đáng chú ý một mặt hàng cũng đang giúp Việt Nam “hốt bạc” từ Tây sang Đông và mang về hàng chục tỷ USD mỗi năm là mặt hàng giày dép.

Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) về sản xuất và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép, với kim ngạch xuất khẩu gần 24 tỷ USD năm 2023 và đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 26 - 27 tỷ USD trong năm 2024.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép các loại của nước ta đạt hơn 1,5 tỷ USD trong tháng 9, giảm 24,6% so với tháng trước đó. Lũy kế trong 9 tháng đầu năm mặt hàng này đã thu về hơn 16,5 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

c1.png

Xét về thị trường, Mỹ đang trở thành khách hàng lớn nhất của giày dép Việt Nam với hơn 6,1 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ USD, tăng 6% so với 9T/2023. Hà Lan đứng thứ 3 với mức tăng mạnh 71%, đạt hơn 1,1 tỷ USD.

c1(1).png

Theo thống kê, hiện nay nước ta có khoảng hơn 1.000 nhà máy sản xuất giày và tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu nhân công, đóng góp khoảng 8% GDP của cả nước. Theo Hiệp hội Da- Giày- Túi xách Việt Nam (Lefaso), hiện Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm giày dép tới khoảng 100 nước trên thế giới; trong đó 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD.

Trước đó trong khoảng thời gian dịch Covid-19, ngành giày dép và dệt may đã bị ảnh hưởng nặng nề do nhu cầu trên thế giới sụt giảm. Tuy nhiên kể từ cuối năm 2023 đến nay, ngành này đã có nhiều khởi sắc rõ rệt nhờ nhu cầu phục hồi, nước ta tận dụng tốt các FTA, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP.

Nhiều chuyên gia phân tích, năm 2024 có những tín hiệu lạc quan cho hoạt động xuất khẩu giày dép, Việt Nam cũng đã ký kết, tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với lộ trình giảm thuế sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp da giày trong nước phát triển thị trường…

Ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 (theo Quyết định số 1643/QĐ-TTg). Theo đó, da giày được xác định là một trong các ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước; có sản phẩm chất lượng, cạnh tranh trên thị trường thế giới, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước; giữ vững vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm da giày hàng đầu thế giới.

Mục tiêu đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 38-40 tỷ USD. Đến năm 2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước; tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu tầm khu vực và thế giới.


(0) Bình luận
Đây chính là ‘mỏ vàng’ giúp Việt Nam hốt bạc từ Á sang Âu: Thu hơn 16 tỷ USD kể từ đầu năm, hơn 100 quốc gia trên thế giới đã chốt đơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO