Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 đang diễn ra với những dự báo không thực sự tích cực cho thị trường. Dù vậy, theo các chuyên gia, những yếu tố này đã phần nào được phản ánh vào diễn biến thị trường thời gian qua và giờ là lúc nghĩ về triển vọng kinh doanh những quý tới.
Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Nghiên cứu Khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đã đưa ra những đánh giá về triển vọng kinh doanh doanh nghiệp cũng như cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán.
BTV Mùi Khánh Ly: Thời điểm kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý I/2023 đang dần hé lộ. Ông đánh giá như thế nào về quý I của các doanh nghiệp năm nay?
Ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Nghiên cứu Khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng, năm 2023 có hai gam màu, nửa đầu năm 2023 sẽ tương đối yếu, hiện chúng ta thấy thanh khoản thị trường tài chính bị thu hẹp kể từ quý 4/2022 và điều này làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế vĩ mô trong nửa đầu năm 2023. Như chúng ta đã biết, tăng trưởng kinh tế tại hai thị trường lớn nhất là Mỹ và EU đang có dấu hiệu chậm lại làm cho đơn hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang các thị trường này giảm đi. Do đó, về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý I sẽ có sự phân hóa nhất định. Tuy nhiên, với những chính sách tương đối nới lỏng hơn trong thời gian gần đây, cũng như dự báo sẽ tiếp tục nới lỏng hơn nữa trong một vài tuần sắp tới, tôi cho rằng các chính sách sẽ bắt đầu phát huy tác dụng trong nửa cuối năm 2023.
Vậy theo ông, trong quý I vừa qua, các nhóm ngành nào bị ảnh hưởng nhiều nhất và có kết quả kinh doanh kém hơn cả?
Những doanh nghiệp dự báo sẽ ghi nhận sự chậm lại đáng kể hoặc thậm chí là thua lỗ đó là các doanh nghiệp bất động sản do lãi suất cao tác động tiêu cực đến việc tiêu thụ trong quý I, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản quy mô nhỏ có thể ghi nhận mức giảm khoảng trên 50%. Tiếp theo đó là các doanh nghiệp dệt may do đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ, có thể sẽ ghi nhận mức giảm tương tự. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đạm cũng bị ảnh hưởng lớn do giá bán giảm rất mạnh, có thể ghi nhận mức giảm sâu từ 70% - 80% .
Chiều ngược lại, một số doanh nghiệp có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong trong quý I, bao gồm các doanh nghiệp như một số ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, như ACB có lợi nhuận trước thuế quý I tăng trưởng khoảng 26% so với cùng kỳ hay VIB cũng có thể sẽ ghi nhận mức tăng trưởng trên 10%. Bên cạnh đó, giá đường tăng mạnh khoảng 20% so với cùng kỳ, do đó ngành mía đường có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trên 10%.
Ngoài ra nếu tính nhóm vốn hóa lớn, vừa và nhỏ thì nhóm nào bị ảnh hưởng nặng nề hơn?
Tôi nghĩ rằng không phụ thuộc vào vốn hóa mà tùy thuộc vào sức khỏe tài chính và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, đòn bẩy tài chính thấp sẽ có sức chống chịu tốt hơn khi lãi suất tăng và nhu cầu tiêu thụ giảm. Thông thường những doanh nghiệp có vốn hóa lớn sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn trong thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tập trung vào thị trường trong nước vẫn khả quan hơn các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp tập trung vào thị trường Mỹ và châu Âu sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Bởi vì, như chúng ta cũng biết là xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu trong quý I/2023 đã giảm lần lượt khoảng 20% và 10% so với cùng kỳ.
Trong quý I lãi suất vẫn đang ở mức cao, nhưng đến thời điểm này lãi suất trong nước có phần hạ nhiệt, vậy theo ông trong thời gian tới tình hình các doanh nghiệp sẽ “dễ thở” hơn?
Như chúng ta biết, trong thời gian gần đây, rất nhiều chính sách về tiền tệ và tài khóa được ban hành cho thấy sự nới lỏng hơn so với trước. Tôi cho rằng, chúng ta vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành thêm khoảng 100 điểm cơ bản trong thời gian tới. Bởi tình hình lạm phát đang hạ nhiệt, tỷ giá USD cũng đang có dấu hiệu ổn định hơn và với việc lãi suất có dư địa giảm như vậy, tôi nghĩ rằng đây là một thời điểm rất tốt để có những chính sách hỗ trợ tích cực cho sự hồi phục của nền kinh tế. Tuy nhiên, các chính sách như vậy bao giờ cũng có độ trễ tác động từ khoảng 3 - 6 tháng. Kết quả kinh doanh có sự cải thiện kể từ nửa cuối năm 2023 trở đi khi các chính sách này bắt đầu phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, nhu cầu xuất khẩu cuối năm có thể sẽ cải thiện hơn do sự hồi phục trở lại tại các thị trường lớn của chúng ta như Mỹ và châu Âu.
Theo ông, thị trường sẽ diễn biến ra sao với bối cảnh phân tích ở trên?
Chúng tôi cho rằng thị trường đã quay lại xu hướng tăng, xu hướng này được xác định bằng mức hồi phục khoảng 20% so với đáy và bây giờ là thời điểm để chúng ta quan tâm đến sự cải thiện của kết quả kinh doanh trong những quý tới, thay vì chỉ là trong quý I. Thông thường thị trường chứng khoán sẽ phản ánh trước các yếu tố vĩ mô, cũng như kết quả kinh doanh của toàn bộ các doanh nghiệp niêm yết khoảng từ 3 đến 6 tháng. Bên cạnh đó, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại đang ở mức rất hấp dẫn so với quá khứ 10 năm và cũng như so với khu vực, với mức dự phóng PE chỉ khoảng 10 lần.
Vậy các nhà đầu tư nên tiếp tục chiến lược như thế nào với thị trường?
Đối với các nhà đầu tư, chúng tôi thường xuyên khuyến nghị khách hàng mặc dù thị trường sẽ quay trở lại xu hướng tăng trong thời gian sắp tới, tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên thực hiện quản trị rủi ro, tránh sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta có thể bắt đầu tích lũy dần cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và có tình hình tài chính ổn định vào các nhịp điều chỉnh để chuẩn bị cho xu hướng tăng dài hạn trong thời gian tới.