Hội thảo có sự tham dự của hơn 50 đại biểu là hội viên Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA), đối tác FiinGroup, doanh nghiệp, tổ chức tài chính và các quỹ đầu tư quan tâm đến lĩnh vực ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch FiinGroup và FiinRatings – khẳng định, phát triển bền vững (ESG) không chỉ phục vụ thị trường tài chính như trái phiếu, cổ phiếu mà còn liên quan chặt chẽ đến hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu. Trên thực tế, hiện nay đã có nhiều khách hàng xuất nhập khẩu yêu cầu chấm điểm ESG, phát triển bền vững để làm căn cứ đánh giá đối tác”.
Theo chuyên gia này, yếu tố phát triển bền vững và ESG đã tích hợp trong nhiều luật, chính sách quan trọng như Luật Bảo vệ Môi trường, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán (2019), Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu.
Đáng chú ý, mới đây, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân cũng đã nhấn mạnh việc đẩy mạnh tín dụng xanh, khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp triển khai dự án xanh, đáp ứng tiêu chuẩn ESG.
Ở lĩnh vực chứng khoán, Nghị định 155 hướng dẫn Luật Chứng khoán, Thông tư 96 của Bộ Tài chính quy định việc công bố thông tin liên quan ESG, không chỉ với công ty đại chúng, tổ chức phát hành trái phiếu mà còn áp dụng cho công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán.
Hiện nay, số lượng công ty niêm yết lập báo cáo phát triển bền vững riêng đã tăng từ 21 lên 33 doanh nghiệp, theo số liệu của Hội đồng bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA) lần thứ 17. Việt Nam cũng đã có Chỉ số chứng khoán VNSI tham chiếu cho 20 doanh nghiệp niêm yết trong VN100, song điểm ESG chưa được công bố và áp dụng rộng rãi.
Trong lĩnh vực tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp, đã có các chính sách như Đề án Ngân hàng xanh, Thông tư 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường trong cấp tín dụng, hay quy định về trái phiếu xanh trong Nghị định 163/2018, 153/2020, 65/2022.
Song, thị trường vẫn đang thiếu bộ tiêu chí phân loại xanh (green taxonomy), thiếu dữ liệu chuẩn để so sánh, thiếu hoạt động đánh giá, xác nhận độc lập (external review, second party opinion, verification), trong khi các chính sách khuyến khích và hỗ trợ vẫn trong quá trình hoàn thiện. Lợi ích dành cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh (greenium) chưa được chứng minh rõ ràng, bài bản tại Việt Nam.
Chủ tịch FiinGroup cho rằng: “Đẩy mạnh tài chính xanh là chủ trương lớn đã được cụ thể hóa trong các nghị quyết trung ương, nhưng thị trường đang rất cần những kế hoạch hành động cụ thể về thể chế, chính sách. Trong khi tài chính bền vững trên thế giới và ASEAN đã phát triển mạnh, mang lại nhiều lợi ích như lãi suất thấp, kỳ hạn dài, giảm rủi ro biến động lãi suất, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, bổ sung nguồn lực chuyển đổi xanh, thì ở Việt Nam các giao dịch mới xuất hiện lẻ tẻ, dựa trên nguyên tắc tự nguyện, chưa tạo thành dòng chảy mạnh mẽ”.
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động nghiên cứu, tận dụng cơ hội này, tùy đặc thù ngành nghề và dự án đầu tư để lựa chọn công cụ tài chính bền vững phù hợp, tối ưu lợi ích.
Với vai trò là đơn vị phân tích dữ liệu và xếp hạng tín nhiệm độc lập, FiinGroup và FiinRatings mong muốn đồng hành cùng các thành viên thị trường, thúc đẩy minh bạch, tránh rủi ro “rửa xanh”, từ đó khai thông dòng vốn xanh cho cả khu vực doanh nghiệp tư nhân và công lập.
Cung cấp thông tin về thị trường tài chính xanh trên thế giới, ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Châu Á - ADB cho biết, thị trường tài chính xanh có nhiều sản phẩm khác nhau như tín dụng xanh, trái phiếu xanh, khoản vay xã hội, khoản vay bền vững… Thời gian đầu của tài chính xanh trên thế giới chủ yếu đi từ trái phiếu xanh, nhưng đến gần đây, các sản phẩm về tín dụng xanh đã bắt kịp với trái phiếu xanh.
TS. Lại Văn Mạnh của Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường đánh giá, Danh mục phân loại xanh quốc gia chính là “nền tảng then chốt” để xây dựng thị trường tài chính xanh bền vững. Hiện nay, Việt Nam đã có Luật Bảo vệ môi trường (2020), Nghị định 08/2022/NĐ-CP đặt nền móng pháp lý cho tín dụng xanh.
Chuyên gia này đề xuất cấu trúc và tiêu chí cho Danh mục phân loại xanh cần tập trung vào 8 nhóm mục tiêu chính: (1) sử dụng hiệu quả tài nguyên; (2) giảm phát thải carbon; (3) thích ứng biến đổi khí hậu; (4) quản lý môi trường và kinh tế tuần hoàn; (5) xây dựng hạ tầng bền vững; (6) phục hồi hệ sinh thái; (7) phát triển vốn tự nhiên; (8) quản lý nước bền vững.
Ông Nguyễn Bá Hùng từ ADB cũng đồng thuận rằng, Việt Nam cần thống nhất định nghĩa và cả ý nghĩa của chuyển đổi xanh, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý cho tín dụng xanh và nâng cao năng lực của các tổ chức tài chính, tăng cường nhận thức và tham gia của doanh nghiệp và người dân.
"Việt Nam cần tiếp tục thu hút và khai thác nguồn vốn xanh quốc tế. Ở trong nước, nhà đầu tư chú trọng về xanh chưa nhiều, trong khi đó thế giới có rất nhiều. Cuối cùng cần ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm và quản lý rủi ro” - ông Hùng nói.
Ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng, Cục quản lý, Giám sát Kế toán, Kiểm toán, Bộ Tài chính cho biết, mục tiêu cao nhất mà cơ quan quản lý, tổ chức và cá nhân tham gia thị trường hướng tới là xây dựng một thị trường phát triển bền vững, ổn định, có chất lượng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển dài hạn. Việt Nam đã đạt nhiều tiêu chí pháp lý quan trọng, song ông cũng đồng tình rằng, Việt Nam vẫn cần hoàn thiện thêm để đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn minh bạch, nâng cao niềm tin nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng tại hội thảo, FiinGroup vinh dự đón nhận Chứng nhận Tổ chức Đạt chuẩn Quốc tế từ ACCA - dấu mốc quan trọng khẳng định năng lực cung cấp dịch vụ đánh giá ESG độc lập tại thị trường Việt Nam.