Sau những vụ việc liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong thời gian vừa qua, Chính phủ và các cơ quan quản lý cũng đã đưa ra những giải pháp để giúp tháo gỡ khó khăn cho thị trường này. Nhiều doanh nghiệp cũng đã đàm phán thành công với các nhà đầu tư để giãn hoãn ngày đáo hạn trái trái phiếu, hay hoán đổi sang những tài sản khác để thanh toán cho nhà đầu tư…Đến thời điểm này, những khó khăn nhất cũng đã dần qua đi. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn khá trầm lắng, khối lượng phát hành thành công đã giảm sâu so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính trên VTV8, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) đánh giá sẽ cần thêm những giải pháp giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp sớm khơi thông trở lại và tiếp tục phát huy được vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả và bền vững cho nền kinh tế.
BTV Khánh Ly: Trước những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Chính phủ đã cho ra đời Nghị định 08, giúp tháo gỡ nút thắt. Ông đánh giá như thế nào về những tác động của nghị định trong thời gian qua?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA)
Trước Nghị định 08, nhiều doanh nghiệp gặp khó vì không có cơ sở pháp lý để cho họ đàm phán với nhà đầu tư, nhưng sau Nghị định 08 đã giúp được doanh nghiệp. Bởi trước đây, chỉ riêng năm 2022, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành lên đến khoảng hơn 200.000 tỷ đồng, và giá trị trái phiếu doanh nghiệp cộng dồn từ trước đó đến thời điểm 2022 đâu đó khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng. Và số lượng trái phiếu đáo hạn trong 2022 và 2023 này đâu đó cũng đều phải từ khoảng hơn 200.000-300.000 tỷ đồng mỗi năm. Đến hết tháng 5, số lượng trái phiếu đã đàm phán để điều chỉnh, tái cấu trúc lại kỳ hạn nợ, đạt thỏa thuận giữa nhà đầu tư với các doanh nghiệp phát hành là khoảng hơn 30.000 tỷ đồng, tôi nghĩ đấy cũng là một tín hiệu tích cực cho thấy rằng Nghị định 08 ở góc độ nào đó nó đã đi được vào cuộc sống.
Về nội dung mà liên quan tới hoãn việc áp dụng điều khoản liên quan đến việc định hạng tín nhiệm với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, tôi vẫn cho rằng chúng ta vẫn nên áp dụng sớm để tăng tính minh bạch và lấy lại niềm tin của các thành viên nói chung và của các nhà đầu tư nói riêng ở trên thị trường.
Chúng ta đã thấy có những chuyển biến tích cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2023, khối lượng phát hành trái phiếu mới thành công của các doanh nghiệp đã giảm sâu so với cùng kỳ năm trước, ông đánh giá sao về điều này?
So với cả cùng kỳ của năm ngoái thì năm nay tính sôi động của thị trường giảm đi trên 90%, tất nhiên là việc này không ai mong muốn cả. Và chúng ta thấy rằng sau một giai đoạn thị trường có những biến động, khi nhà đầu tư lo lắng, đặc biệt là những liên quan đến một số vụ việc các tổ chức phát hành có lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt để điều tra hành vi vi phạm pháp luật đã gây ra tâm lý thị trường. Còn bây giờ, sau một thời gian, nhà đầu tư nắm được thông tin và định hình lại các thông tin, nhận thức được một cách đầy đủ, rõ ràng hơn thì hành động không còn đổ xô bán trái phiếu bằng mọi giá nữa. Đây cũng là một tín hiệu tích cực bước đầu, và cũng là một cơ hội tốt để cho các doanh nghiệp hoạt động chân chính có cơ hội để từng bước phục hồi và đảm bảo được về năng lực trả nợ cho nhà đầu tư.
Để lấy lại được niềm tin của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phải chủ động trong việc thay đổi lại phương thức quản trị, điều hành, minh bạch hóa thông tin và đáp ứng được các yêu cầu mới của pháp luật liên quan đến quy định về phát hành trái phiếu. Nếu như các doanh nghiệp nỗ lực trong việc nâng cao tính minh bạch, tính hiệu quả, chất lượng quản trị, tôi tin rằng chắc chắn chúng ta sẽ lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư.
Sau những điều đã xảy ra với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, ông đánh giá thế nào về những rủi ro khi các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ tham gia vào thị trường này?
Hầu hết ở các nước, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp chứ không phải dành cho các nhà đầu tư không chuyên. Nói như vậy không phải là với nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không có rủi ro. Nhà đầu tư chuyên nghiệp họ ý thức được, hiểu được và họ chấp nhận rủi ro khi họ lựa chọn những sản phẩm đầu tư. Nhìn chung, chúng ta phải liên tục học hỏi, nâng cao kiến thức của mình và nếu nhà đầu tư hiểu thì mới tham gia. Ví dụ các quỹ đầu tư trái phiếu, là các công ty quản lý quỹ, ở đó họ có năng lực, có đội ngũ, và có cơ sở vật chất và có điều kiện để tiếp cận được, nhanh chóng, kịp thời các thông tin ở trên thị trường, và họ còn có năng lực phân tích, đánh giá thông tin để đưa ra các hành động phản ứng trong việc lựa chọn tài sản đầu tư, khi phát sinh các thông tin có lợi hay bất lợi thì mình ứng xử như thế nào, và thứ ba là họ xây dựng phương thức đầu tư, họ phân tán được rủi ro và tạo ra một danh mục phù hợp với khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Chúng ta hiểu rằng mọi thành phần tham gia phát triển thị trường, không ai tự nhiên biết tất cả mọi thứ và chúng ta cũng cần phải có quá trình, cùng nhau học hỏi, trải nghiệm và cùng nhau điều chỉnh và hoàn thiện ở trong mỗi vị trí khác nhau. Ở đây không chỉ nhà đầu tư rút kinh nghiệm mà ở đây kể cả cơ quan quản lý, các tổ chức phát hành và các tổ chức trung gian ở trên thị trường.
Ông bà dự báo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ ra sao trong thời gian tới?
Theo đánh giá của tôi, không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các nước ở trên thế giới, chúng ta luôn luôn có nhà đầu tư, họ luôn tìm những cơ hội đầu tư phù hợp với hiểu biết của họ, với khẩu vị rủi ro của họ. Và hiện nay riêng lượng tiền gửi dân cư nằm trong hệ thống ngân hàng thương mại vẫn đâu đó trên 5 triệu tỷ đồng, vấn đề ở đây là với thị trường trái phiếu nói riêng và các cái loại hình tài sản tài chính khác nói chung, để hút được dòng tiền của nhà đầu tư thì chúng ta cần phải có những điều chỉnh về mặt chính sách, về nhận thức và hành vi của các đối tượng tham gia thị trường. Đồng thời, chúng ta phải từng bước điều chỉnh để hoàn thiện, nâng cao hơn chất lượng, nâng cao tính minh bạch, tính chuyên nghiệp thì tôi tin rằng chắc chắn dòng tiền sẽ quay trở lại với thị trường này.
Vậy theo ông, đâu là những giải pháp giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững hơn về chất trong thời gian tới, cũng như lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư?
Nếu nói đến sự phát triển của cả thị trường, chúng ta phải nói đến cả chu trình của nó. Từ tổ chức thiết kế kiến trúc của thị trường, từ góc độ cơ quan quản lý. Hiện nay Chính phủ cũng đang thực hiện rất nhiều biện pháp. Trong đó có yêu cầu phải có xếp hạng tín nhiệm, phải có kiểm toán mục đích sử dụng vốn, rồi đưa trái phiếu qua sàn giao dịch trái phiếu tập trung, nâng cao chuẩn yêu cầu về công bố thông tin và chúng ta thay đổi trách nhiệm của tổ chức trung gian, quy trình trong việc phân phối trái phiếu, cũng như yêu cầu nhà đầu tư phải ký cam kết xác nhận về thông tin cũng như mức độ rủi ro của trái phiếu đó. Như vậy, cũng cần phải nâng cao được năng lực thực thi và giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước. Vấn đề thứ hai rất quan trọng và đó là yếu tố nền tảng, chính là làm sao nâng cao được chất lượng của doanh nghiệp, đầu tiên là tính minh bạch, tính chuyên nghiệp khi thực hiện huy động vốn. Chính những điều đó mới tạo được niềm tin cho nhà đầu tư và chúng ta mới đẩy được sự phát triển của thị trường từng bước đi lên một cách lành mạnh và bền vững.