Nội dung chính:
- Tân chủ tịch tập đoàn Samsung đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các hoạt động kinh doanh mới và mối quan hệ với khách hàng và đối tác toàn cầu của Tập đoàn.
- Ông Lee Jae Yong chiếm được lòng nhân viên vì sự khiêm tốn và biết lắng nghe
- Tại Samsung, ông là người xây dựng mạng lưới tài chính do có mối quan hệ thân thiết với những ông chủ công nghệ lớn.
Lee Jae-yong (sinh ngày 23/6/1968, hiện 54 tuổi), là con cả và là người con trai duy nhất của Lee Kun-Hee, cựu chủ tịch Samsung. Ông thành thạo ba thứ tiếng: Hàn, Anh và Nhật.
Ông Lee tốt nghiệp đại học khoa Lịch sử Đông Á tại Đại học Quốc gia Seoul và có bằng thạc sĩ khoa quản trị kinh doanh tại đại học Keio, Nhật Bản. Ngoài ra, ông Lee còn có 5 năm đào tạo bậc Tiến sĩ tại trường Kinh doanh Harvard danh giá.
Mở ra kỷ nguyên mới cho Samsung
Lee Jae-Yong đã dành phần lớn thời gian trưởng thành của mình để củng cố và phát triển vị thế của một người thừa kế tại Tập đoàn Samsung.
Vào năm 1991, ông Lee bắt đầu từ vị trí Phó Chủ tịch Kế hoạch Chiến lược ở tuổi 23, và chính thức trở thành chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn công nghệ lớn nhất Hàn Quốc vào ngày 27/10/2022. Trong chặng đường 31 năm làm “Thái tử” của ông Lee, Samsung đã phát triển thành tập đoàn nội địa hàng đầu của Hàn Quốc, nhưng năng lực quản lý của ông vẫn là dấu hỏi lớn.
Từ những ngày còn là “Thái tử Samsung”, ông Lee đã được đánh giá là có những bước đi quyết đoán và phong cách năng nổ hơn so với người cha của mình. Ban giám đốc của Samsung từng chính thức khẳng định ông đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các hoạt động kinh doanh mới và mối quan hệ với khách hàng và đối tác toàn cầu của Tập đoàn.
Khi vẫn là Phó chủ tịch Lee, chiến lược mua lại và sáp nhập (M&A) của Samsung đã diễn ra mạnh mẽ với quy mô lớn. Trong thời gian này, Samsung đã tham gia vào hơn 10 thương vụ mua lại. Thương vụ M&A lớn cuối cùng của Samsung diễn ra vào năm 2016 khi mua lại tập đoàn ô tô khổng lồ Harman International Industries có trụ sở tại Mỹ với giá 8 tỷ USD. Sau đó, ông vướng vào vòng luẩn quẩn trong 5 năm tù giam khi bị buộc tội hối lộ bạn thân tổng thống Park Geun-hye, bà Choi Soon-sil.
Thương vụ kinh doanh cuối cùng của ông đã tạo cơ hội cho Samsung kết hợp các công nghệ di động và bán dẫn với các phụ kiện ôtô công nghệ cao của Harman, qua đó giúp Tập đoàn có "sự hiện diện đáng kể" trên thị trường toàn cầu về linh kiện ô tô kết nối trực tuyến.
Tập đoàn cũng nhấn mạnh vai trò của ông Lee trong thỏa thuận 5G với Tập đoàn viễn thông KDDI của Nhật Bản vào năm 2019, bất chấp quan hệ song phương giữa hai nước ngày càng xấu đi.
Sở hữu khối tài sản khổng lồ
Ông Lee Jae-yong hiện sở hữu tài sản 9,2 tỷ USD, là tỷ phú giàu thứ 2 Hàn Quốc, theo bảng xếp hạng của Forbes. Phần lớn tài sản của ông là cổ phiếu của các công ty thuộc Tập đoàn Samsung.
Ngoài ra, chủ tịch Samsung còn sở hữu 13.000 tác phẩm nghệ thuật khác nhau, bao gồm một bức chân dung Dora Maar của Pablo Picasso và bức tranh hoa súng của Claude Monet trị giá hàng tỷ USD mỗi bức.
Khả năng lãnh đạo chiếm được lòng tin
Ông Lee Kun Hee, cựu chủ tịch Samsung được biết đến là người có khả năng lãnh đạo nghiêm khắc với tầm nhìn rộng. So với cha của mình, ông Lee Jae Yong được biết đến với phong thái nhẹ nhàng, lịch sự và trầm lặng, hiếm khi xuất hiện trước công chúng.
Hầu hết các nhân viên trẻ hoặc nhân viên phương Tây nói rằng họ thích ông ấy hơn rất nhiều so với người chủ cũ vì ông biết cách lắng nghe và xây dựng các mối quan hệ. Ông cũng sẵn sàng hoạt động như một đầu mối liên lạc thường xuyên của các khách hàng và đối thủ cạnh tranh.
“Ông ấy luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của khách hàng. Dưới sự lãnh đạo của ông, nhân viên Samsung không bao giờ trả lời điện thoại và thậm chí không nhìn vào điện thoại trong các cuộc họp với khách hàng,” – Reuters dẫn lời một nhà quản lý cấp cao của Samsung.
Một số người nhận xét ông Lee không có khả năng và phong thái lãnh đạo như cha mình. Tuy nhiên, nhiều nhân viên trong Samsung cho rằng sự trầm lắng, điềm đạm của "thái tử" che giấu quyết tâm vững vàng bên trong. Theo họ, chính tính cách này sẽ giúp Samsung giữ vị trí hàng đầu toàn cầu về truyền hình, chip nhớ, màn hình phẳng và điện thoại thông minh.
Mạng lưới quan hệ đầy quyền lực
Tại Samsung, ông được biết đến là người xây dựng mạng lưới tài chính do có mối quan hệ thân thiết với những ông chủ công nghệ lớn như Tim Cook của Apple và Shantanu Narayen của Adobe. Do đó, ông được cho là người thay đổi căn bản chiến lược giúp Samsung tạo ra một văn hóa doanh nghiệp linh hoạt hơn, một điều cần thiết để phát triển trong thời đại hội nhập và hợp tác toàn cầu.
Chủ tịch Lee cũng có mối quan hệ đặc biệt thân thiết với Shantanu Narayen, chủ tịch công ty phần mềm Adobe, người từng là giám đốc của Pfizer. Chính sợi dây liên hệ đặc biệt này đã giúp Hàn Quốc đảm bảo đủ liều vắc xin Pfizer bổ sung cho 20 triệu người trong năm 2020.
Trong thời gian dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, công ty vắc xin Mỹ chỉ gửi chưa đến một nửa trong số 8,5 triệu liều đã cam kết. Chính phủ Hàn Quốc không có kênh liên lạc nào với lãnh đạo cao nhất của Pfizer cho đến ngày ông Lee được ân xá. Ông đã sử dụng mối quan hệ cá nhân của mình và tìm kiếm sự giúp đỡ của Shantanu Narayen, cung cấp cho Chính phủ Hàn Quốc cách thức khởi động các cuộc đàm phán với công ty vắc xin Mỹ.
Vụ bê bối hối lộ không lung lay vị trí tiếp quản
Năm 2017, ông Lee Jae Yong bị buộc tội hối lộ 30,5 tỷ USD cho Park Geun-hye và Choi Soon-sil để thúc đẩy việc hợp nhất Samsung C&T và Cheil Industries, một động thái sẽ đưa Lee Jae-yong tiến gần hơn với vị trí Chủ tịch.
Sau khi được miễn giảm vào năm 2018, ông Lee một lần nữa bị bắt giữ vào đầu 2021 sau cuộc tái thẩm. Vào tháng 8 năm 2022, ông được ân xá và được xóa án tích ra khỏi hồ sơ. Điều này cho phép ông nắm giữ một vị trí chính thức tại Samsung.
Vào ngày được trả tự do, Tổng thống Moon Jae-in kêu gọi người dân thông cảm và nói rằng quyết định này là vì lợi ích quốc gia và đã xem xét "tình hình kinh tế dưới sức ép từ đại dịch Covid-19 kéo dài". Sự vắng mặt của ông Lee đã khiến các hoạt động của Samsung bị đình trệ và sự trở lại của ông được kỳ vọng sẽ dẫn dắt Tập đoàn tiếp tục các kế hoạch đầu tư đang đi đúng hướng.
Trong một cuộc thăm dò tháng 7 do tạp chí Sisain thực hiện, 69% người tham gia cho biết họ ủng hộ ân xá cho ông Lee. “Vụ bắt giữ không làm lung lay hình ảnh của ông. Người dân vẫn nghĩ rằng ông ấy là một nhà lãnh đạo hiện đại và đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho đất nước.” – ý kiến của những người tham gia.”